Kể từ 1/1/2010, toàn bộ sản phẩm thủy sản xuất khẩu của VN phải thực hiện theo quy định mới của Cộng đồng Châu Âu (EC). Trao đổi với DĐDN, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (Vasep) cho biết: Thực ra quy định này cũng là cơ hội để DN và ngư dân VN nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo ông Hòe thì quy định về truy xuất nguồn gốc thuỷ sản đánh bắt là một xu hướng chung của thế giới và tất cả các nước muốn xuất khẩu hàng thuỷ sản vào khu vực này đều phải tuân theo.
- Ông có thể nói rõ hơn về quy định này ?
Cộng đồng Châu Âu (EC) xác định hàng năm giá trị các sản phẩm của các hoạt động khai thác đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quy định (gọi tắt là IUU) lên đến hàng chục tỷ EUR. Với việc áp dụng các quy định về IUU bắt buộc theo QĐ 1005 và 1010 của EU sẽ giúp họ: 1) Quản lý tốt nhất các vấn đề liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp không chỉ ở Châu Âu mà cả các vùng biển khác. 2) Góp phần bảo vệ môi trường cũng như xây dựng một ngành khai thác thủy sản có trách nhiệm. 3) Tạo ra sự công bằng trong hoạt động thương mại thủy sản, trước hết giữa các quốc gia trong cộng đồng cũng như giữa các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2010 các sản phẩm thủy sản VN (ngoại trừ các sản phẩm thuộc nhóm nuôi trồng từ giống bột, một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ), khi xuất khẩu vào Châu Âu phải có thêm các hồ sơ chứng nhận đánh bắt hợp lệ cùng các hồ sơ thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành.
- Thời gian cận kề, yêu cầu kỹ thuật rõ ràng là không đơn giản cho DN của ta. Nếu đáp ứng thỏa mãn yêu cầu này, DN của chúng ta sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì và Vasep sẽ giúp cho DN như thế nào, lúc này ?
Thực tế việc khởi động cho việc đáp ứng các yêu cầu này đã bắt đầu từ tháng 6/2009 và đến nay đưa ra để hướng dẫn đến các DN và các chủ tàu đánh bắt. Hiện nay VN đã đăng ký xong với EU danh sách cơ quan thẩm quyền VN, bao gồm 28 chi cục ở các địa phương sẽ tham gia các thủ tục chứng nhận đánh bắt và có thể bắt đầu từ 1/1/2010 theo quy định của EU. Với đặc thù của VN là tàu khai thác cận duyên, công suất nhỏ cũng đã được EU xem xét và áp dụng một số thay đổi so với trước đây. Đó là thay vì chỉ có một mẫu Catch Certificate thì EU chấp nhận hai mẫu CC áp dụng cho các loại tàu khai thác có công suất trên 90 CV và 90 CV trở xuống. Mẫu CC cho từng loại tàu khi đưa ra giới thiệu đã giải quyết phần lớn băn khoăn so với mẫu CC cũ.
Hiện tại, VASEP đã cùng với Cục Khai thác, Cục Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm (Nafiqad), và các chi cục địa phương tổ chức liên tục 4 khóa tập huấn trong tháng 12 để hướng dẫn các thủ tục liên quan đến IUU. Đồng thời vẫn tiếp tục thu thập các ý kiến đề xuất lên Cục để tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan. Ngoài ra, hiện nay EU cũng chấp nhận các lô hàng xuất khẩu trong năm 2010 nhưng chế biến từ nguyên liệu được đánh bắt trong năm 2009 sẽ không phải cung cấp chứng nhận khai thác. Thay vào đó các DN phải làm thủ tục cam kết với sự xác nhận của cơ quan thẩm quyền VN khi xuất khẩu.
- Qua động thái này, với vai trò Tổng Thư ký Vasep, ông có suy nghĩ về các chuyển động thị trường và lời khuyên nào khi DN VN đang mở rộng hoạt động với thế giới ?
Hiện nay Vasep đã thông báo và hướng dẫn các DN hội viên đăng ký các lô hàng này với Nafiqad để làm cơ sở cho việc xuất khẩu sau ngày 1/1/2010.
Chúng tôi không cho rằng đây là hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn cản xuất khẩu. Tuy nhiên, với việc này trong thực tế một lô hàng thủy sản xuất khẩu thêm quy định về IUU sẽ có thêm cơ quan thẩm quyền không chỉ ở Châu Âu mà cả ở VN tham gia trong quá trình kiểm soát và ít nhiều trong giai đoạn đầu sẽ làm các DN lúng túng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mọi việc có thể sớm ổn định. Và cần nhìn nhận tích cực rằng ngoài những khó khăn thì đây là cơ hội tốt để ngành thuỷ sản nhìn lại mình, để DN và ngư dân phải thay đổi tập quán sản xuất tự phát sang bài bản, có kế hoạch hơn để tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, quy định mới về IUU này cũng không thay thế các quy định về truy xuất nguồn gốc hiện nay chưa phải là bắt buộc mà EU đang phát triển tiếp tục áp dụng trong tương lai.
Các chủ tàu, thuyền trưởng phải khai đầy đủ, chính xác những thông tin ghi trong giấy chứng nhận thuỷ sản khai thác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những khai báo của mình. Phải cung cấp thông tin, hồ sơ, giấy tờ liên quan khi cơ quan cấp giấy chứng nhân thuỷ sản khai thác (Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) yêu cầu. Chủ tàu, thuyền trưởng được quyền yêu cầu Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cung cấp các thông tin, quy định, liên quan đến mẫu tờ khai thông tin sản phẩm khai thác thuỷ sản”. Điều 10, Chương 3 quy định của EC 1005/2008 |
(Theo Huy Bình // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com