Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khó xử!

Thương nhân Trung Quốc mua tôm ở Kiên Giang. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ.

Chuyện thiếu tôm nguyên liệu liên tục trong những tháng qua và tình trạng bơm tạp chất vào tôm chưa xử lý được có điểm chung khi đều liên quan đến một số thương nhân Trung Quốc.

Tranh mua!

Trên các chuyến bay từ Cà Mau đi TPHCM và ngược lại, nhiều người đã không còn lạ với sự xuất hiện liên tục của nhiều vị khách Trung Quốc. Khá nhiều trong số họ là thương nhân tìm đến Cà Mau để mua tôm nguyên liệu.“Thậm chí, mỗi sáng họ đều chủ động ra giá mua, thường luôn cao hơn giá các nhà máy ở ĐBSCL đang áp dụng”, một chuyên gia ngành thủy sản cho biết. Và theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP), không chỉ ở Cà Mau, mà ở Bạc Liêu, Sóc Trăng... đều có mặt các thương nhân Trung Quốc. “Họ xuất hiện nhan nhản, đầy đồng tôm”, ông nói.

Hồi năm rồi, đã có lúc các nhà máy thủy sản ở miền Trung “la làng” khi nhiều thương nhân Trung Quốc sang tranh mua tôm thẻ chân trắng, khi các nhà máy tại nhiều tỉnh của nước này thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ngoài mua tôm, các thương nhân này còn đến tận các bến bãi tập trung ghe tàu đánh bắt để mua nhiều loại hải sản khác mang về nước.

Còn tại một số tỉnh ở ĐBSCL, theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau), các thương nhân Trung Quốc đã có mặt rải rác từ khoảng mười năm trước. Có thương nhân mua, sau đó làm thủ tục hải quan để vận chuyển sang các cửa khẩu mang về nước, còn một số lại né thuế xuất khẩu nên vận chuyển cả bằng đường tiểu ngạch... Ở Cà Mau, thậm chí có doanh nghiệp lâu nay chỉ chuyên cung ứng một mặt hàng duy nhất là tôm nguyên con, và cũng có thị trường duy nhất là Trung Quốc!

Nhiều nhà máy chế biến thủy sản lớn nhỏ tại ĐBSCL từng đón các thương nhân Trung Quốc đến đặt hàng. Tuy nhiên, do phần lớn các thương nhân Trung Quốc mua theo dạng gối đầu (tức ứng trước một chuyến hàng) hoặc yêu cầu được nợ lại một phần của hợp đồng, nên các nhà máy lớn đa phần từ chối cung cấp do sợ rủi ro. Tuy nhiên, do giá mua đưa ra khá hấp dẫn, nên những năm gần đây, các thương nhân Trung Quốc cũng đã xây dựng được hệ thống cung ứng riêng của mình, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, nhà máy nhỏ... ở ĐBSCL.

Theo ông Quang, phần lớn lượng tôm mua từ Việt Nam được các thương nhân Trung Quốc tiêu thụ tại thị trường nội địa. Tại Cà Mau, mỗi năm có trên dưới 100.000 tấn tôm từ nuôi và đánh bắt, thì gần đây các thương nhân Trung Quốc đã mua hàng chục ngàn tấn. Đa phần họ mua tôm lớn nguyên con, và thậm chí cả tôm nhỏ bằng ngón tay út, họ cũng mua sạch.

Tác hại khó lường!

Sẽ không có gì để nói nhiều, nếu việc mua tôm nguyên liệu của các thương nhân Trung Quốc bình thường như các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đàng này, theo ông Lực: “Họ mua giá cao và đề nghị các điểm cung cấp phía Việt Nam bơm tạp chất vào”. Nếu như trước đây, các thương nhân Trung Quốc đề nghị bơm 10% tạp chất, thì nay, tỷ lệ này đã được nâng lên thành 20% mặc dù hàng sẽ được xuất về nước họ.

Trong khi nhiều nhà máy tại Cà Mau đang tích cực tham gia chương trình chống nạn bơm tạp chất, thì các thương nhân Trung Quốc lại... khuyến khích việc làm này. Và do lợi nhuận thu được cao, có thể từ 25.000-40.000 đồng/ki lô gam, nên nhiều người vẫn hăng hái làm đại lý cho các thương nhân Trung Quốc. Chính vì điều này, đại diện một doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau từng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, bởi ngoài vấn đề gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, phải chăng hành vi của các thương nhân Trung Quốc còn phá hoại nền kinh tế ở một mức độ sâu xa hơn?

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau vừa thông báo công khai thêm ba đại lý tôm vận chuyển gần 400 ki lô gam tôm, có chứa Agar, chỉ trong cùng một ngày giữa tháng 10. Và thỉnh thoảng, một số lô hàng của các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn bị phía Hải quan Trung Quốc ách lại tại cửa khẩu do không đạt chất lượng...

Theo tìm hiểu của một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, những con tôm này được mang về Trung Quốc, sau đó bán ra dưới dạng đã chiên chín nên người tiêu dùng khó lòng phát hiện tạp chất... Tuy nhiên, rất khó xử lý triệt để bằng cách chặn bắt trong lúc vận chuyển. Bởi theo một chuyên gia ngành thủy sản: “Lâu lâu chặn bắt 1-2 ngày, rồi cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”, khó dẹp hẳn”.

Vào thời điểm lượng tôm nuôi và đánh bắt còn dồi dào, thì sự tham gia mua tôm của các thương nhân Trung Quốc còn được ít người để tâm. Nhưng nay, do nhiều nhà máy chế biến ở ĐBSCL nở rộ, nhu cầu nguyên liệu tăng cao, sự có mặt của các thương nhân Trung Quốc càng khiến tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trở nên gay gắt.

Nhiều tháng qua, hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL rơi vào tình trạng thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng, dù giá tôm cao nhất (loại 20 con/ki lô gam) hiện đã gần 200.000 đồng/ki lô gam. Như Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, nhiều thời điểm lượng tôm nguyên liệu mua được chỉ đáp ứng 20% công suất chế biến. Do vậy, để tự cứu, hiện tại công ty này đang nỗ lực phát triển thêm vùng tôm nguyên liệu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, dù đã có vùng nuôi trồng ở Kiên Giang...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, sản lượng tôm nuôi trong 10 tháng qua đạt 86.900 tấn, tăng 3,95% so cùng kỳ; sản lượng tôm đánh bắt đạt 11.322 tấn, tương đương cùng kỳ. Tuy nhiên tình trạng thiếu tôm nguyên liệu lại diễn ra gay gắt hơn năm rồi. Theo VASEP, dự báo các nhà máy thủy sản sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu đến hết năm 2010, nhất là đối với tôm sú.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Cá tầm Trung Quốc được “độc quyền” tại Việt Nam?
  • Thành tỷ phú nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ
  • Cá tra 'chiến lược' của Việt Nam trong cơn bĩ cực
  • Quảng Ngãi: Tôm chết trắng đồng
  • Nghề nuôi cá tầm: Chưa kịp lớn đã đối diện với cái chết?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container