Nhu cầu vận chuyển hàng hóa của ĐBSCL đang tăng nhanh nhưng luồng Định An vẫn chưa thông là nghịch lý trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng và xây dựng luồng tàu ở ĐBSCL hiện nay.
Hàng hóa tăng nhanh...
Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy của vùng ĐBSCL hiện nay vào khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo, nông thủy sản; hàng nhập khẩu chủ lực là vật tư nông nghiệp, thiết bị… Tuy vậy, hệ thống cảng ở ĐBSCL chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Ngoài sản lượng hàng hóa của vùng, sông Hậu và cửa biển Định An còn là tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng xuất khẩu của Campuchia đi các nước Đông Nam Á. Năm 2008, sản lượng hàng hóa qua các cảng trên địa bàn Cần Thơ và Vĩnh Long đạt 8,8 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm 2007. Theo cảng vụ hàng hải Cần Thơ, năm 2009 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên sông Hậu tiếp tục tăng trưởng nóng. Từ đầu năm đến nay, gần 7 triệu tấn hàng hóa thông qua các cảng đầu mối của vùng ĐBSCL (cảng Cần Thơ, cảng Trà Nóc, cảng Cái Cui). Trong đó, sản lượng hàng hóa qua cảng Cần Thơ lên đến 3,6 triệu tấn.
Ông Dương Chí Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhận định: Đến năm 2020, sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng ĐBSCL lên đến 40-50 triệu tấn. Vinalines đã có chiến lược đầu tư nâng cao năng lực các cảng trực thuộc ở ĐBSCL (cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui) để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của vùng. Trước mắt, công trình xây dựng cảng Cái Cui giai đoạn II được triển khai vào tháng 6-2009.
Theo kế hoạch, từ năm 2009 đến 2012, Vinalines sẽ đầu tư hơn 820 tỷ đồng xây dựng thêm 3 cầu cảng dài 500 mét để tiếp nhận cùng lúc 2 tàu có tải trọng 20.000 tấn/tàu và một tàu 10.000 tấn. Ngoài cầu cảng, cảng Cái Cui còn được xây dựng thêm kho bãi chứa container, kho bãi chứa hàng tổng hợp…
Theo ông Phan Thành Tiến, Giám đốc Cảng Cần Thơ, mỗi cảng đều có năng lực, thế mạnh riêng. Cảng Bình Minh (Vĩnh Long) đang làm nhiệm vụ của cảng vật liệu xây dựng phục vụ công trình xây dựng cầu Cần Thơ nhưng đã tính đến chuyện liên kết với cảng Cần Thơ khi cầu Cần Thơ xây dựng xong. Tỉnh Hậu Giang cũng đang xúc tiến việc thành lập cảng biển phục vụ nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng cảng Mỹ Thới (An Giang) đang làm thủ tục xây dựng thêm cầu cảng, kho chứa hàng và các phương tiện, thiết bị bốc xếp hàng hóa để nâng công suất xếp dỡ từ 630.000 tấn/năm hiện nay lên 900.000 tấn/năm.
Đại diện các cảng cho rằng các dự án đầu tư nâng cao năng lực của các cảng chỉ mang tính đón đầu vì đến nay cửa biển Định An - tuyến luồng duy nhất dẫn tàu từ biển vào sông Hậu vẫn chưa được khai thông.
... nhưng luồng tàu chưa thông
Việc nạo vét khu vực cửa biển Định An hiện nay sắp đạt độ sâu âm 3,2m thay vì chỉ âm 2,1m so với hồi tháng 3 vừa qua. Những người am hiểu về luồng Định An cho rằng việc nạo vét luồng Định An chỉ đạt độ sâu âm 3,2m chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của vùng qua cổng hàng hải này.
Luồng Định An bị bồi lắng gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL đã được báo động trên các diễn đàn. Tuy vậy, việc đầu tư nạo vét luồng cho tàu ra, vào sông Hậu chưa được quan tâm đúng mức.
Theo các công trình khoa học đã được công bố, hàng năm lượng bùn cát bồi lắng ở khu vực cửa biển Định An lên đến khoảng 1,5 triệu mét khối nhưng chỉ được nạo vét vài trăm ngàn khối. Theo thống kế của Cục hàng hải Việt Nam, các đợt nạo vét cửa biển Định An định kỳ hàng năm (trong 10 năm gần đây 1997-2007) chỉ nạo vét được 3,25 triệu m³. Trong đó, năm 2001 là năm có khối lượng nạo vét nhiều nhất (582.000m³), năm 2007 có khối lượng nạo vét thấp nhất (53.000m³). Với khối lượng nạo vét như trên, độ sâu lớn nhất của luồng tàu ở khu vực cửa biển Định An là 4,5m và thời gian duy trì độ sâu này trong vòng 1 đến 2 tháng.
Năm 2009, Cục Hàng hải đầu tư chưa đến 14 tỷ đồng để nạo vét hơn 251.000m³, độ sâu nạo vét âm 3,2m. Với độ sâu này, tàu 5.000 tấn đầy tải vẫn khó ra vào sông Hậu. Mặt khác, độ sâu luồng tàu sẽ khó duy trì được 2 tháng.
Khi cổng hàng hải quốc tế của vùng ĐBSCL (luồng tàu qua cửa biển Định An) chưa được khai thông, hàng hóa của ĐBSCL phải tiếp tục mất thời gian, chi phí để trung chuyển về và tạo áp lực quá tải cho các cảng ở TP Hồ Chí Minh và khu vực lận cận. Hàng triệu nông dân ĐBSCL sẽ tiếp tục nghèo vì sản phẩm của họ cạnh tranh kém, gánh chịu thêm các chi phí trung gian…
TheoSGGP
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com