Tới thời điểm này, có thể nói, các doanh nghiệp vận tải biển chịu tác động nhiều nhất của lạm phát năm 2008 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hầu hết doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó về nhiều mặt, kể cả những doanh nghiệp được cho là “ hùng mạnh” nhất trong làng vận tải biển. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp vận tải biển phải gồng mình đương đầu với thử thách.
Giá thành cao, giá cước giảm
Chưa bao giờ, bài toán giá thành- giá cước lại làm đau đầu các doanh nghiệp vận tải biển như bây giờ. Giám đốc Công ty vận tải Biển Đông cho biết:Dầu FO là loại nhiên liệu tiêu thụ chính của đội tàu đang từ mức 300 USD/ tấn tăng vọt lên 700 USD/ tấn vào giữa năm 2008 khiến các doanh nghiệp lao đao. Điều trớ trêu là, giá dầu tăng thì giá thành tăng nhưng giá cước lại không tăng, thậm chí còn suy giảm khá mạnh. Cụ thể, giá cước vận chuyển công- ten- nơ đến hết quý 1- 2009 giảm 30- 50% so với cùng kỳ năm trước tùy tuyến vận tải.
Giá cước tàu chở dầu cũng giảm mạnh, nhất là từ cuối tháng 3 đến nay với mức giảm 20- 30% so với cuối năm 2008 và 30- 40% so với giữa năm 2008. Đặc biệt, thị trường tàu chở hàng rời, hàng bách hóa giảm sút nghiêm trọng ngoài suy đoán của các nhà vận tải và chủ tàu. Giá cước, giá thuê tàu giảm 60- 90% tùy theo từng tuyến, từng loại tàu, tuổi tàu. Dù giá dầu đã giảm một phần so với trước nhưng với mức cước như hiện nay, các doanh nghiệp vẫn không thể bù đắp nổi. Thời điểm này, hầu hết tàu hàng rời ở tất cả khu vực đều phải nằm chờ hàng.
Khó khăn càng gay gắt hơn khi Hiệp hội các doanh nghiệp vận tải biển đồng loạt lên tiếng phản ánh về tình trạng hàng hóa vận chuyển khan hiếm, thậm chí hàng chỉ có một chiều và phải chạy tàu rỗng, nhiều tuyến phải đỗ dài ngày do không có hàng để chạy. Trong khi đó, thời gian xếp và dỡ hàng của chuyến vận chuyển thường bị kéo dài gấp 3- 5 lần so với đầu năm 2008, từ đó phát sinh nhiều chi phí do phải chờ đợi như tiền ăn, lương, phí cầu cảng, trả lãi ngân hàng, nhiên liệu, vật tư sửa chữa…
Thiếu nhân lực, gồng mình trả lãi ngân hàng
Do đội tàu phát triển quá nhanh nên các chủ tàu phải đương đầu với một thách thức khác là thiếu nhân lực. Doanh thu thua lỗ kéo dài nhưng tiền lương cho sĩ quan, thuyền viên tăng lên gấp nhiều lần do khủng hoảng thiếu, cung không đủ cầu. Nhiều chủ tàu buộc phải thuê thuyền viên nước ngoài như Nga, Mi- an- ma, Phi- lip- pin, In- đô- nê- xi- a… với mức lương cao để duy trì hoạt động của tàu.
Lãi suất ngân hàng cũng đang là một vấn đề lớn với doanh nghiệp. Cho tới bây giờ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn hồn với mức lãi suất cao ngất tới 21% của năm 2008. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong hơn 1 năm qua, việc trả gốc và lãi cho các ngân hàng chính là gánh nặng mà doanh nghiệp khó có thể vượt qua. Theo Giám đốc Công ty vận tải Biển Đông, đây mới chính là khó khăn cơ bản nhất và quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải biển lại bị thiệt thòi nhiều nhất bởi khó tiếp cận với các gói kích cầu của Chính phủ. Tới thời điểm này, số doanh nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất không nhiều bởi phần lớn các đầu tư của ngành vận tải biển là đầu tư dài hạn, không còn tài sản thế chấp. Điều này khiến đội tàu biển trong nước càng khó cạnh tranh với đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Cần chiếc phao của Nhà nước
Các doanh nghiệp vận tải biển đánh giá, thị trường vận tải biển Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn do đội tàu vận tải thế giới tăng đột biến liên tục trong 3 năm qua. Khả năng phục hồi sẽ chậm, ít nhất là tới cuối năm 2010. Nếu để tự các doanh nghiệp sẽ khó có khả năng chống đỡ, còn biện pháp bán tàu là hạ sách vì số tiền thu được chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn đầu tư, quan trọng hơn là ngành vận tải biển Việt Nam phải mất nhiều năm mới có thể hồi phục.
Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải biển đồng loạt kiến nghị có sự kiểm tra, đánh giá thực trạng ngành vận tải biển. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngành chức năng xem xét, ban hành cơ chế đặc biệt cho các doanh nghiệp vận tải biển. Cụ thể, các doanh nghiệp đề nghị giảm lãi suất vay và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dự án trung, dài hạn mua và đóng mới tàu biển đã và đang thực hiện; giãn nợ gốc của các dự án vay trung và dài hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ của những dự án mua tàu và đóng mới, tăng thời gian trả nợ 3- 5 năm, ân hạn 12 tháng chưa thu nợ gốc đến hết năm 2009; hỗ trợ lãi suất 4% trong gói kích cầu của Chính phủ trong 24 tháng cho các doanh nghiệp vận tải biển; giảm hoặc cho phép chậm thanh toán phí hàng hải một thời gian…
Thực tế, đối với Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, ngành vận tải biển mang lại hiệu quả kinh tế lớn, khai thác được tiềm năng và thế mạnh nên chiếm tới già nửa trong GDP dịch vụ. Bởi vậy, những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải biển cần sớm được quan tâm, xem xét, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước hồi phục, ổn định hoạt động, đóng góp tích cực trở lại cho sự phát triển của nền kinh tế./.
(Theo Hồng Thanh // Báo điện tử Hải Phòng)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com