Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiến nghị những giải pháp phát triển cảng biển

Những bất cập về kết cấu hạ tầng, cơ chế quản lý, quy hoạch, thủ tục hành chỉnh… khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển gặp khó khăn.
 
Tại  Đại hội lần thứ 7 của Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA) vừa được diễn ra tại TP. Hải Phòng  giữa tuần này, các doanh nghiệp kinh doanh và khai thác cảng biển thuộc VPA đã kiến nghị một số vần đề như: xem xét và khai thác cơ sở hạ tầng cảng biển; đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển cảng biển với quy hoạch giao thông cầu đường, luồng lạch ra vào cảng; tăng cường vài trò quản lý nhà nước trong việc điều tiết thị trường, đầu tư và khai thác cảng; cải cách thủ tục hải quan….  Tại đại hội, các báo cáo tham luận đã chỉ ra khá nhiều điểm hạn chế trong thực tiễn phát triển của hệ thống cảng biển hiện nay tại Việt Nam

Ông Trương Văn Thái, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng cho biết, vấn đề quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. Kết cấu hạ tầng đang bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, luồng lạch nhiều cảng trọng điểm tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh… không đảm bảo phục vụ tàu theo thiết kế. Vấn đề này đang trở nên đặc biệt bức xúc với cảng Hải Phòng vì độ sâu luồng hiện chỉ đảm bảo cho tàu 10.000 tấn ra vào, mà không đủ phục vụ tàu 20.000 tấn như thiết kế.

Ông Thái cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng độ sâu luồng không đáp ứng kịp nhu cầu như hiện nay là nguồn vốn ngân sách cấp cho nạo vét, duy tu hàng năm không đủ. Thực tế, khối lượng hàng thông qua nhiều khu vực cảng biển trong một số năm gần đây liên tục đạt mức tăng trưởng cao và các khoản thu từ hoạt động cảng và các dịch vụ gắn liền với hoạt động cảng cũng tăng đáng kể. Vì vậy, nếu có cơ chế phù hợp thì có thể tạo được một nguồn vốn cố định để đảm bảo cho công tác nạo vét, duy tu luồng tàu hàng năm trên cơ sở trách nhiệm đóng góp từ các doanh nghiệp cảng và trích từ nguồn cảng phí, dịch vụ hoa tiêu… Khoản vốn này có thể thu theo từng khu vực luồng tuỳ theo điều kiện hoạt động đặc thù của từng khu vực. Việc sử dụng khoản vốn này để duy tu có thể giao một công ty nạo vét hoặc thành lập tổ chức mới chuyên trách vấn đề đảm bảo độ sâu luồng ở từng khu vực cảng.

Liên quan đến vấn đề này, VPA đề nghị Chính phủ hình thành cơ chế điều tiết việc phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và luồng hàng hải đi kèm với cơ chế hợp tác công tư (PPP), nhượng quyền về mặt đất và mặt nước biển để thu hút đầu tư phát triển cảng lên quy mô lớn vùng miền và quốc gia. Đồng thời xem quy định về phương thức cho thuê kết cấu hạ tầng cảng biển do Nhà nước đầu tư là một phần trong cơ chế chung này. Cùng với đó là việc Chính phủ cần ưu tiên cho doanh nghiệp của Nhà nước hội tụ đủ điều kiện được thuê khai thác cảng biển do Nhà nước đầu tư.

Về hạ tầng giao thông sau cảng, VPA kiến nghị Chính phủ phải có biện pháp đảm bảo thực hiện kịp thời việc xây dựng, nâng cấp, duy tu hạng mục cầu đường, luồng lạch ra cào cảng đang được đầu tư hoặc khai thác, vì trên thực tế hệ thống giao thông sau cảng chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, tập trung vào một số tuyến đường nối Quốc lộ 5 với khu vực Cảng Đình Vũ (Hải Phòng), tuyến đường hậu phương cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), đường vào cảng Cát Lái, đường nối với KCN Hiệp Phước, đường vào cảng Bến Nghé mới (Tp Hồ chí Minh). Đồng thời, cần xúc tiến nhanh những dự án trục giao thông đường bộ và đường sắt quy mô lớn kết nối liên vùng và các cảng trọng điểm. Riêng khu vực Hải Phòng, ước tính có tới trên 70% tổng sản lượng hàng thông qua cảng được vận chuyển bằng đường bộ nên vấn đề đầu tư cho giao thông sau cảng cần phải được đẩy mạnh.

Thủ  tục hải quan được các doanh nghiệp kiến nghị phải cải tiến nhanh để thuận lợi cho việc khai báo, kiểm hoá, thanh toán thuế theo chuẩn mực của ASEAN. Theo đó, có thể cho phép hàng ghi đến một cảng được giải quyết thủ tục hải quan tại một cảng  hoặc địa điểm khác khi có tình trạng dồn ứ tại khu vực cảng, quy định cụ thể về thủ tục cho hàng container trung chuyển. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa Hải quan với cảng trong việc chuẩn hoá, xử lý dữ liệu, đưa vào khai thác mạng thông tin điện tử liên thông cho cộng đồng vận tải và hàng hải nói chung, trước mắt là cho các cụm cảng trọng điểm quốc gia cạnh tranh được với khu vực và quốc tế về hàng container trung chuyển.

Để khắc phục những tồn tại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh và khai thác cảng biển hoạt động có hiệu quả, ông Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị VPA hợp tác và hỗ trợ thành phố trong việc áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng cảng cửa ngõ Lạch Huyện, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào xây dựng hạ tầng cảng biển và cung cấp dịch vụ cho cảng biển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Ông Vương Đình Lam, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đến năm 2010, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các cảng biển và hình thành được 3 trung tâm cảng Bắc, TrungNam. Trong các trung tâm cảng, cũng đã hình thành cảng cửa ngõ quốc tế như cảng Hải Phòng (khu vực Lạch Huyện), cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực Cái Mép - Thị Vải), đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa. Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bản Quy hoạch lần này đã được xây dựng theo định hướng Chiến lược biển Việt Nam và trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập rộng với quốc tế… Quy hoạch đã có những thay đổi có tính chiến lược, nhằm phát triển hệ thống cảng biển xứng với tầm quốc tế, thu hút được sự quan tâm của các hãng tàu lớn, các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đến đầu tư và thúc đẩy phát triển ngành vận tải biển của nước ta.

Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 6 Nhóm cảng biển nhằm triển khai Quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động của quản lý cảng biển mới nhằm tổ chức quản lý khai thác cảng một cách hiệu quả để chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án để thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt.

(Theo Đồng Yến // Báo đầu tư)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container