Doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vừa đón mừng tin vui khi trong vòng chưa đầy một tuần, hai cảng nước sâu ở Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt ra đời đón những chuyến tàu đầu tiên cập cảng.
Ngày 3/6/2009, tàu MOL Premium thuộc Hãng tàu Mitsui O.S.K Lines, với sức chở 6.350 TEU (container 20 feet), trọng tải toàn phần 73.000 tấn đã chính thức cập cảng nước sâu Tân Cảng - Cái Mép. Trước đó, vào ngày 29/5/2009, liên doanh gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn và Tập đoàn PSA International (Singapore) cũng đã khánh thành Cảng quốc tế SP - PSA và đã đón chiếc tàu đầu tiên của Hãng APL mang tên APL Alexandrite, có trọng tải 59.560 tấn, với sức chứa 3.821 TEU.
Điểm chung nhất của cả hai cảng này chính là có cầu tàu khá dài, gần 1.000 m, có thể đón các tàu lớn có trọng tải lên đến 80.000 tấn. Mặc dù, trong giai đoạn 1, công suất vận chuyển của Cảng Tân Cảng - Cái Mép là 650.000 TEU/năm và cảng SP-PSA có công suất xếp dỡ là 1,1 triệu TEU/ năm, nghĩa là chưa phải quá lớn so với nhu cầu thực tế, nhưng khi hoàn thành cả 2 giai đoạn trong vài năm tới, với công suất tiếp nhận vài chục triệu tấn mỗi năm, thì rõ ràng cả hai cảng trên sẽ góp phần rất lớn trong việc giải quyết vấn nạn tắc nghẽn hàng ở các cảng hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhận xét, cả hai cảng Tân Cảng - Cái Mép và SP - PSA ít nhiều đều có hệ thống kết nối tại các cảng ở khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, tạo nên một hệ thống logistics kết nối hoàn chỉnh, phục vụ cho việc giao nhận hàng hóa tại các khu vực nói trên.
Vì vậy, nhiều DN cảm thấy an lòng. Vẫn theo vị đại diện này, trước thông tin tại khu vực Cái Mép -Thị Vải, hiện có khá nhiều dự án cảng nước sâu cũng đang trong quá trình xây dựng, như Dự án Cảng của Liên doanh STIC và Tập đoàn Hutchison Ports (Hồng Kông); dự án thuộc Liên doanh giữa Cảng Sài Gòn và Tập đoàn A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch); dự án do Vinalines và SSA Marine (Mỹ) cùng hợp tác đầu tư... thì nhiều DN không chỉ an lòng, mà đã tỏ ra hết sức lạc quan.
Theo Quy hoạch Phát triển nhóm cảng biển số 5 của Bộ Giao thông - Vận tải, cảng biển thuộc khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có tổng công suất bốc dỡ 53 triệu tấn hàng hóa vào năm 2010. Vậy nhưng, thực tế cho thấy, trong vài năm gần đây, lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng này đã vượt 70 triệu tấn mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc hàng hóa liên tục tại các cảng ở TP.HCM trong thời gian qua.
Điều đáng nói nữa là, do chưa có nhiều cảng biển nước sâu nên những năm qua, các DN xuất khẩu của Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt thòi so với các DN ở khu vực Đông Nam á và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản khi phải gánh thêm chi phí trung chuyển hàng tại Singapore, Hồng Kông, Pusan, hay Laemchabang..., khiến sức cạnh tranh của DN Việt Nam vốn đã yếu lại càng yếu thêm.
Trong lần làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuối tháng 5/2009, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Doãn Thọ cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam đang có kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch Phát triển nhóm cảng số 5, mà tâm điểm chính là hướng tới việc nâng cao công suất cho năm 2010 lên 75 triệu tấn hàng hóa thông qua và đến năm 2020, con số này sẽ là 222 triệu tấn. Đây được đánh giá là một thông tin hết sức lạc quan cho năng lực vận tải biển của phía Nam trong tương lai gần.
“Đầu xuôi thì đuôi lọt”, đại diện một DN vui mừng nhận xét. Việc đưa hai cảng nước sâu nói trên và nhiều cảng nước sâu nữa đi vào khai thác trong thời gian tới sẽ rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sẽ là động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cùng các khu vực lân cận.
( Theo Ngô Ngãi // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com