Thời gian qua, ngành vận tải biển Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể: đội tàu, chủng loại tăng nhanh cả về số và chất lượng; thị trường vận tải mở rộng sang nhiều khu vực mới như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Úc, Tây Âu, Tây Phi… Tuy nhiên, con đường trước mắt của ngành còn lắm chông gai.
‘Những thách thức
Khó khăn đầu tiên chính là xu hướng suy thoái của nền kinh tế thế giới. Năm 2008, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, lạm phát tăng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng suy giảm nghiêm trọng. Nhiều quốc gia đã và đang phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Sự suy giảm này đã khiến nhu cầu vận tải bằng đường biển giảm mạnh, tình trạng thừa tàu xuất hiện.
Theo Bộ GT-VT, chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, hoạt động vận tải biển đang gặp khó khăn do khách hàng và giá cước vận tải đều giảm mạnh từ đầu tháng 7-2008 đến nay, với mức giảm trung bình khoảng 70%. Tiến sỹ Bùi Quốc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Biển Đông cho biết: Cước vận tải biển chở hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang một số thị trường khu vực Nam Mỹ, châu Âu ước giảm 60% đến 80% so với thời điểm cuối quý II-2008. Cá biệt có tuyến cước giảm tới 90%. Cước tàu hàng rời từ Việt Nam đi khu vực Nam Mỹ trước đây 100 USD/tấn, hiện chỉ còn trung bình 8-9 USD/tấn, tàu chở công ten nơ đi châu Âu còn khoảng 300 USD/TEU thay vì giữ mức bình quân 1.400 USD/TEU như trước. Không chỉ cước rơi "thê thảm" mà lượng hàng nói chung cũng giảm 40 đến 50%.
Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, hiện một số chủ tàu lớn trên thế giới đã chọn phương án cho tàu ngừng hoạt động nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu vì càng chạy càng lỗ. Gần đây nhất, hãng tàu Xin-ga-po NOL Ron Widdows đã cho tàu công ten nơ nghỉ hoạt động để cắt giảm năng lực 25% tuyến Á- Âu, 20% tuyến xuyên Thái Bình Dương. Còn trong nước, VOSCO (một trong những DN lớn về kinh doanh vận tải biển trong nước) cũng khó khai thác hàng cho tàu trọng tải lớn nên có những chuyến phải ngừng khai thác để giảm lỗ.
Khó khăn lớn thứ 2 là giá dầu không ổn định. Ba quý đầu năm 2008 giá dầu liên tục tăng cao, có thời điểm lên tới 147 USD/thùng. Chi phí nhiên liệu chiếm trên 40% giá thành vận tải biển, tàu càng lớn, hiện đại, tiêu hao nhiên liệu càng lớn. Thời điểm này giá dầu đã giảm lại gặp lúc kinh tế suy thoái, nên tàu nằm vẫn "lãi" hơn chạy.
Khó khăn nữa là sự biến động của tỷ giá USD và lãi suất ngân hàng. Một thời gian dài, để kiềm chế lạm phát, DN Việt Nam, trong đó có DN vận tải biển đã phải chịu đựng lãi suất ngân hàng cao. Nhiều DN đã rất khó khăn vay vốn ngân hàng, nếu vay được lợi nhuận làm ra cũng không đủ trả lãi vay. Trên thế giới, lãi suất chiết khấu và lãi suất cấp vốn từ ngân hàng trung ương cho ngân hàng thương mại là 0,30% (Nhật), 1,00% (Mỹ) và từ 1 đến 3% (châu Âu); thậm chí gần đây ngân hàng Nhật Bản hạ lãi suất còn 0%...
Cần sự hỗ trợ
Bao giờ kinh tế thế giới sẽ qua cơn suy thoái hiện nay? Giáo sư Paul Krugman, người vừa đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008 cảnh báo, thế giới có nguy cơ đối mặt với cuộc suy thoái kéo dài hàng thập kỷ. Ông nói thêm: Chúng ta sẽ thấy nền kinh tế thế giới còn đình trệ cho đến hết năm 2011 và có thể còn lâu hơn. Hiện tại, tôi chưa nhìn thấy nơi nào an toàn trên thế giới này cả.
Đối với kinh tế nước ta, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhận định: Đất nước sẽ đứng trước khó khăn đúp. Với kinh tế thế giới, chưa ai khẳng định sẽ sáng sủa. Tuyệt đại đa số dự báo của các thể chế quốc tế như WB, IMF, đều bi quan, thậm chí quý IV của 2009 vẫn chưa có cơ sở để thấy sẽ sáng sủa.
Nhận định nền kinh tế đang lâm vào tình trạng giảm phát, không còn là nguy cơ, Chính phủ vừa ban hành những biện pháp giải cứu, trong đó có 1 tỷ USD (nay tăng lên 6 tỷ) để kích cầu qua các dự án cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý…
Theo Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Biển Đông Bùi Quốc Anh: Nếu để các DN vận tải biển khó khăn phải bán tàu thì sẽ mất ba phần tư tài sản, vì giá tàu hiện đã xuống rất thấp. Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng; cho vay vốn để DN trụ lại, trả sau; thậm chí phải có quỹ dự trữ để cứu DN vận tải biển… ông kiến nghị.
(Theo HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com