Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Ổ gà” ở cảng Cái Mép

Đường 965 đang bị xuống cấp khiến hàng hóa vào cảng Cái Mép mất nhiều thời gian và chi phí vận chuyển. Ảnh: Lê Toàn.

Từ giữa năm 2009, ngay khi cảng Cái Mép đón được tàu có trọng tải lớn, Liên minh các hãng tàu The New World (APL, Hyundai Merchant Marine, MOL), CKYH (Cosco, K’Line, Yangming, Hanjin) và Grand Alliance (OOCL, Hapag Lloyd, NYK) đã lần lượt mở tuyến hàng hải chạy thẳng từ cảng Cái Mép tới các cảng khu vực châu Mỹ.

Cộng đồng doanh nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hy vọng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của họ sẽ giảm nhiều vì không phải thông qua các cảng trung chuyển ở Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc (đối với tàu xuyên Thái Bình Dương - Transpacific), Singapore, và Malaysia (đối với các tàu chạy xuyên Đại Tây Dương qua kênh đào Suez) như trước đây. Tuy nhiên, sau gần một năm trôi qua, con đường dẫn hàng hóa đến với cảng Cái Mép còn không ít “ổ gà”.

Hiện nay, mỗi một liên minh các hãng tàu đều có một chuyến tàu đi thẳng từ cảng Cái Mép đến Mỹ (The New World và CKYH đi bờ Tây; Grand Alliance đi bờ Đông) vào thứ Tư hàng tuần. Để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đến Mỹ qua cảng Cái Mép, các hãng tàu “khuyến mãi” phí vận chuyển một container 40 feet rẻ hơn 100 đô la Mỹ (so với hàng hóa vận chuyển qua các cảng trung chuyển) và thời gian vận chuyển nhanh hơn một ngày (16 so với 17 ngày).

Thế nhưng, theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Tiếp vận Oriental Việt Nam (chuyên dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ chưa chọn cảng Cái Mép vì chưa thật sự thấy lợi.

Cụ thể, đối với hàng xuất qua cảng Cái Mép đi đến các cảng Los Angeles và Oakland bang California, người gửi hàng có thể lựa chọn phương án (i) xuống hàng tại các cảng trên địa bàn TPHCM hoặc (ii) xuống trực tiếp tại cảng Cái Mép. Nếu chọn phương án (i) thì thời gian chậm nhất phải xuống hàng là nửa đêm ngày Chủ nhật cho tới rạng sáng ngày thứ Hai; nếu chọn phương án (ii) thì tới 12 giờ trưa ngày thứ Ba.

Nhưng cho dù chọn phương án nào thì chậm nhất là 17 giờ ngày thứ Sáu (tuần trước), tất cả chi tiết lô hàng xuất phải được gửi tới các hãng tàu để họ có thời gian khai báo với hải quan Mỹ theo Luật 24 giờ (*).

Đối với hàng xuất qua các cảng trung chuyển của nước thứ ba (lấy thí dụ từ lịch tàu của hãng Maersk, hàng đi từ TPHCM vào thứ Tư hàng tuần như tàu đi từ Cái Mép để dễ so sánh), người gửi hàng có thể hạ hàng tại cảng Cát Lái chậm nhất là 10 giờ sáng ngày thứ Ba và chi tiết hàng có thể gửi cho hãng tàu trong ngày thứ Ba (sau khi hạ hàng, người gửi hàng vẫn còn thời gian để cung cấp chi tiết hàng hóa chính xác sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu). Hàng sẽ được chuyển tải qua cảng Hồng Kông và tới Los Angeles, California với tổng thời gian là 17 ngày.

Ông Bình cho rằng, nếu so sánh cách xuất hàng trực tiếp từ Cái Mép và qua cảng trung chuyển thì thời gian vận chuyển từ Cái Mép tới Los Angeles, California là 16 ngày, nhanh hơn một ngày so với xuất theo cách trung chuyển. Thế nhưng, nếu tính luôn thời gian làm các thủ tục và thời gian xuống hàng thì hàng đi thẳng từ Cái Mép đến Mỹ lâu hơn (thực tế là hơn 20 ngày).

Vì vậy, cảng Cái Mép chỉ mới phù hợp cho những lô hàng đang có sẵn và không cấp bách. Đối với những lô hàng lạnh và hàng may mặc cần thời gian vận chuyển nhanh thì tính cạnh tranh của cảng Cái Mép lại thua xa.

Đó là chưa nói đến chuyện con đường 965 nối từ quốc lộ 51 vào cảng bị xuống cấp nghiêm trọng khiến cảng Cái Mép không thể tiếp hàng tại cảng. Theo một vị lãnh đạo Công ty cổ phần Tân Cảng - Cái Mép (quản lý cảng Cái Mép), do đường vào cảng xấu nên công ty phải dùng sà lan nhỏ chở hàng từ các cảng ở TPHCM đến cảng Cái Mép và ngược lại (hơn 90% hàng nhập xuất giữa khu vực TPHCM ra Cái Mép được vận tải bằng đường thủy). Chính điều này đã làm cho thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao và mất tính cạnh tranh.

Để thu hút được các doanh nghiệp xuất khẩu hàng trực tiếp từ Cái Mép đi đến các cảng của Mỹ, thiết nghĩ, ngoài việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông dẫn vào cảng thì việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu cũng là việc làm cần thiết để hỗ trợ các hãng tàu quy định thời gian xếp dỡ hàng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đối với các liên minh các hãng tàu, cũng cần xem xét lại thời gian rời cảng Cái Mép vào thứ Tư hàng tuần là đã hợp lý chưa?

_______________________________________________

(*) Luật 24 giờ quy định tất cả hàng vào Mỹ phải được khai báo và được Hải quan Mỹ chấp nhận 24 giờ trước khi được đưa lên tàu mà con tàu đó sẽ cập hoặc ghé vào các cảng thuộc nước Mỹ.

(Theo Quang Chung // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp vận tải biển: “Chúng tôi sắp hết hơi rồi!”
  • Các đội tàu biển Việt Nam đang...chìm
  • Logistics nội: 'Bán thân' cho nước ngoài?
  • Cảng biển Việt Nam: Nơi quá tải, chỗ thiếu công suất
  • 5 doanh nghiệp Pháp sẽ đến Việt Nam tìm hiểu ngành cảng biển
  • Boeing tăng tốc sản xuất trở lại
  • Sức hút kinh tế cửa khẩu ở An Giang
  • Bàn giao hai tàu chở hàng cho nước ngoài
  • “Giả dụ bán Jestar Pacific, vẫn nhiều người muốn mua”
  • Quy hoạch 211 cảng cá, bến cá
  • Dự báo thị trường hàng không Việt Nam tăng 15%
  • Điều chỉnh Dự án cảng Cái Mép-Thị Vải
  • Ngành vận tải ô tô: Thích ứng với biến động đầu vào
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container