Ông Nguyễn Mạnh Hùng |
Cả 2 đợt tăng giá nhiên liệu trong những tháng đầu năm 2010 đều chủ yếu nhằm vào mặt hàng xăng, nên chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh taxi là bị ảnh hưởng. Theo tính toán của chúng tôi, do nhiên liệu chiếm 40% giá thành vận tải, nên với việc giá xăng tăng 1.000 đồng sau 2 đợt điều chỉnh, dự kiến giá cước taxi tăng thêm 5%, tức là khoảng 500 đồng/km.
Mặc dù chỉ có 1 nhóm nhỏ các doanh nghiệp vận tải bằng ô tô bị ảnh hưởng, nhưng do giá xăng tăng đúng vào thời điểm nhu cầu vận tải đang tăng rất cao sau Tết Nguyên đán, nên sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động đi lại của người dân, cũng như của các doanh nghiệp vận tải.
Giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải sẽ tăng theo, vậy các doanh nghiệp vận tải bị thiệt gì?
Các doanh nghiệp mệt mỏi vì phải chạy theo giá nhiên liệu. Đồng ý là giá nhiên liệu cần phải được “thả” theo giá thế giới, nhưng việc các nhà nhập khẩu xăng dầu chỉ tính riêng năm 2009 đã điều chỉnh giá lên xuống một cách lắt nhắt tới cả chục lần, mỗi lần từ 3% đến 5% khiến các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Cần phải biết rằng, khác với các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô tuy được quyết định giá cước, nhưng mỗi lần thay đổi đều phải đăng ký với liên sở Tài chính – Giao thông Vận tải, 2 đầu bến và in lại vé. Theo đó, mỗi lần điều chỉnh giá vé, doanh nghiệp mất không ít thời gian và chi phí.
Nói như vậy có vẻ như các doanh nghiệp vận tải đang rất mong chờ Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu đi vào hoạt động?
Chính xác như vậy. Hiệp hội Vận tải ô tô đã nhiều lần có ý kiến với Bộ Tài chính về việc cần sớm đưa Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đi vào hoạt động. Với quỹ này, Nhà nước có thể tính toán điều tiết trong một mức độ giới hạn, để giá nhiên liệu trong nước có thể ổn định trong một thời gian nhất định, có thể là 3 tháng hoặc 6 tháng. Và với khoảng thời gian này, mức độ dao động cũng trong chừng mực có tính toán, căn cứ vào dự đoán trung hạn đối với giá dầu thế giới. Như vậy, các doanh nghiệp vận tải mới có thể có được mức độ ổn định trong giới hạn để hạch toán kinh doanh. Điều đáng tiếc là, dù đã bắt đầu trích lập Quỹ từ thuế nhiên liệu, nhưng cho đến nay, Quỹ vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Khi biến động các yếu tố đầu vào là vấn đề bất khả kháng, các doanh nghiệp vận tải cần làm gì để có thể “sống” được trong cơ chế thị trường?
Theo đánh giá của chúng tôi, đa số doanh nghiệp vận tải cần tính toán, hợp lý hóa trong đầu tư, tổ chức vận tải để vươn lên trình độ chuyên nghiệp. Đối với các loại hình vận tải, các doanh nghiệp nên tính toán để đầu tư nâng cao giá trị thương hiệu. Ví dụ rất gần gũi là các công ty: Thuận Thảo, Hoàng Long có chất lượng dịch vụ tốt, xây dựng được uy tín, thương hiệu, có giá vé cao hơn 2,5 - 3 lần các công ty khác mà vẫn được xã hội chấp nhận, hiệu suất sử dụng ghế rất cao, tình hình tài chính rất khả quan. Với vận tải taxi, các doanh nghiệp nên tính toán để hợp lý hóa hơn nữa dây chuyền vận tải. Nên bố trí phân vùng, định vị các điểm đỗ taxi thật hợp lý, để khi có khách có thể huy động taxi đến đón khách trong khoảng cự ly gần nhất, giảm tối đa tình trạng taxi chạy rông trên đường tìm khách.
(Theo Bảo Như // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com