Với hơn 3.200km bờ biển ở 24 tỉnh, thành, vùng duyên hải VN hiện có tới 266 cảng biển lớn - nhỏ. Song, hiện hệ thống cảng biển lại đang nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều cảng nhỏ và manh mún, năng lực tiếp nhận hàng qua cảng chỉ bằng 1/2 các cảng khu vực; trong khi những cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn quốc tế thiếu trầm trọng.
Quy hoạch chạy sau thực tế
Một quốc gia có bờ biển dài và vị trí thuận lợi trên luồng hàng hải quốc tế là tiềm năng rất lớn của VN để phát triển kinh tế biển nói chung và hệ thống cảng biển nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống cảng biển hiện có của VN phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Theo quy hoạch đến năm 2010, hệ thống cảng biển Việt Nam có khả năng thông qua 100 triệu tấn hàng hoá. Nhưng chỉ mới đến năm 2007, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng đã đạt hơn 180 triệu tấn - gần gấp đôi con số dự báo. Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế biển, quy hoạch cảng biển chi tiết hiện nay đã bất cập.
Trước hết là tầm nhìn của quy hoạch ngắn và năm mục tiêu để lập dự báo khá gần, dẫn đến tình trạng xây dựng cảng manh mún, bị động, đối phó với các nhu cầu phát sinh mà thiếu quy hoạch với tầm xa hơn để có những dự án cảng chủ lực hiện đại, có sức cạnh tranh cao.
Các cảng cửa ngõ như Hải Phòng và Sài Gòn đều nằm sâu trong nội địa, phát triển chắp vá theo kiểu ứng phó tình huống. Các cảng địa phương được đầu tư manh mún, nhỏ lẻ không nằm trong liên kết kinh tế toàn hệ thống, lãng phí vốn đầu tư vì khai thác không hiệu quả. Chính vì vậy mà năng suất bốc xếp hàng hoá chỉ bằng 1/2 các cảng khu vực.
Mặt khác, các hệ thống cảng hiện có không được quy hoạch đồng bộ khu hậu cần, hệ thống đường giao thông liên kết, nên khi lượng hàng thông qua tăng cảng đều rơi vào tình trạng quá tải ách tắc. Chính hạn chế này đã kìm hãm sức phát triển kinh tế, giảm sức cạnh tranh cho hàng hoá VN cũng như khả năng hấp thu các dự án đầu tư.
Phát triển cảng nước sâu
Trước thực trạng lạc hậu của quy hoạch cảng biển đến năm 2010, Cục Hàng hải VN đang xúc tiến lập quy hoạch cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của quy hoạch lần này hướng tới: Thứ nhất, phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam một cách tổng thể, đảm bảo tính cạnh tranh, là động lực phát triển kinh tế. Thứ hai, phát triển hệ thống cảng nước sâu đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tạo cửa mở lớn thông ra biển xa. Thứ ba, phát triển đồng bộ, hiện đại hoá hệ thống cảng biển.
Song song với việc lập quy hoạch mới, các cảng nước sâu đang được khởi công xây dựng. Hai cảng nước sâu lớn nhất VN được quy hoạch đồng bộ hệ thống hậu cần và hệ thống đường giao thông liên kết là Cái Mép - Thị Vải vừa được khởi công vào cuối tháng 10, với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng bằng vốn ODA của Nhật Bản.
Cảng nước sâu Lạch Huyện cũng được giao cho TCty Hàng hải VN đầu tư và Nhà nước hỗ trợ hệ thống hạ tầng phụ trợ, sẽ là cửa ngõ cho hàng hoá vùng Quảng Tây, Côn Minh (Trung Quốc)...
Hiện tại, cả nước có 17 cảng loại 1; 23 cảng loại 2; 9 cảng loại 3 - rải đều trên toàn quốc. Tổng lượng hàng khô năm 2007 là 161 triệu tấn/năm. Có 35 luồng công cộng và 12 luồng chuyên dùng.
Lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam luôn tăng cao trên mọi nhóm hàng từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên, hệ thống cầu bến phục vụ cho các tàu hàng lớn còn thiếu, phần lớn chỉ phù hợp với tàu có trọng tải dưới 5 vạn tấn.
(Theo báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com