Ảnh minh họa: Đức Thanh |
Bên cạnh nguyên nhân phát triển nóng dẫn tới thiếu than cho sản xuất của ngành xi măng, còn một nguyên nhân khác là, hầu hết nhà máy xi măng đều không ký hợp đồng mua than trước khi xây dựng nhà máy, nên khi phát sinh nhu cầu sử dụng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dù muốn bán than, nhưng cũng không thể cung ứng kịp.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xi măng tư nhân (Vissai Ninh Bình, Xi măng sông Gianh Cosevco) và xi măng liên doanh (Nghi Sơn, Phúc Sơn) vẫn duy trì sản xuất ổn định do có đủ nguồn than dự trữ.
Hơn nữa, trong khi nhiều doanh nghiệp ngoài VICEM cải tiến công nghệ để sử dụng than cám 4b và than cám 5, thì hầu hết doanh nghiệp thuộc VICEM lại đang sử dụng loại than chất lượng tốt (3, 3b), giá cao và ngày càng khan hiếm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều doanh nghiệp thuộc VICEM phải tạm dừng sản xuất vì thiếu than.
Theo tiết lộ của TKV, loại than mà TKV cung cấp dài hạn cho một số doanh nghiệp như Vissai Ninh Bình, Xi măng Nghi Sơn… chủ yếu là than có chất lượng thấp (than cám 4a, 4b và than cám 5 để đốt lò). Những loại than này có giá thấp hơn và cũng dễ sản xuất hơn so với các loại than cám đặc chủng (3, 3b) mà một số doanh nghiệp của VICEM đang sử dụng.
Vì vậy, ngoài việc tính toán lại nhu cầu sử dụng than để ký hợp đồng mua than dài hạn, đại diện TKV đề nghị VICEM nên ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, hiệu chỉnh công nghệ, sử dụng chủng loại than chất lượng thấp hơn, phù hợp và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh công nghệ đối với những nhà máy đã xây dựng không hề đơn giản.
Việc sử dụng than chất lượng cao để đốt lò không chỉ làm khó các doanh nghiệp sản xuất xi măng vì sản lượng loại than tốt có hạn, mà doanh nghiệp còn tự làm khó chính mình, bởi đó chính là lý do làm tăng giá thành sản phẩm.
Do vậy, sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ khó cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến tồn kho tăng cao, nhất là khi nguồn cung trên thị trường đang ở ngưỡng vượt cầu.
Theo khảo sát trên thị trường Hà Nội, giá xi măng PCB 30 Vissai Ninh Bình là 826.000 đồng/tấn, Phúc Sơn 900.000 đồng/tấn, Nghi Sơn 935.000 đồng/tấn, trong xi măng của VICEM như Hoàng Thạch là 1.014.000 đồng/tấn, Bỉm Sơn 1.030.000 đồng/tấn… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến sản lượng xi măng tiêu thụ của VICEM trong quý III/2010 chỉ đạt 81,5% mục tiêu đề ra. Đặc biệt, sản lượng xi măng tiêu thụ của các thương hiệu mạnh như Hà Tiên, Hoàng Mai và Bút Sơn đạt thấp so với mục tiêu. Hệ quả là, lượng xi măng tồn kho tính đến thời điểm này của VICEM còn tới 1,76 triệu tấn (gồm 1,42 triệu tấn clinker, còn lại là xi măng bột).
Nguyên nhân chính được VICEM giải thích cho câu chuyện tiêu thụ đạt thấp so với xi măng liên doanh và các thành phần khác là do cung vượt cầu, dẫn đến cạnh tranh gay gắt và nhu cầu thị trường thực sự không quá cao so với dự báo. Tuy nhiên, trái ngược với tình cảnh của VICEM, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp xi măng liên doanh và tư nhân lại cho rằng, tiêu thụ xi măng tại các doanh nghiệp này vẫn đạt mục tiêu đề ra và sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết tới đó.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com