Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, năm 2010, nhu cầu sử dụng gạch ốp lát của cả nước là 220 triệu m2 năm, nhưng năng lực sản xuất thực tế đã đạt 320 triệu m2/năm (còn công suất thiết kế là 350 triệu m2/năm). Sứ vệ sinh cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi nhu cầu ở mức 7 triệu sản phẩm, trong khi công suất đã vượt trên 10 triệu sản phẩm.
Dù cung đã vượt cầu, nhưng một số DN vẫn tiếp tục triển khai các dự án đầu tư mới với quy mô không hề nhỏ. Điển hình là Tập đoàn Prime đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp lát Prime Đại Lộc (Quảng Nam) có công suất 24 triệu m2/năm. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2009.
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam cho biết, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ nhất ở khu vực Đông Nam Á và thứ 6 trên thế giới về sản lượng gạch ốp lát.
Chưa hết, mới đây, Tổng công ty Viglacera đã công bố đầu tư một tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Hạ Vàng (Hà Tĩnh). Tại đây, ngoài 4 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác, còn có 1 nhà máy sản xuất gạch ốp lát và 1 nhà máy sứ vệ sinh cao cấp, có công suất dự kiến giai đoạn 1 là 3 triệu m2 gạch ốp lát/năm và 500.000 sản phẩm sứ vệ sinh/năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về lý do đầu tư và bài toán đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, với kinh nghiệm của nhà sản xuất vật liệu xây dựng lâu năm, có dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại, biện pháp tổ chức, quản lý sản xuất chuyên nghiệp, sản phẩm đã có chỗ đứng vững…, nên việc mở rộng sản xuất, phát triển thị trường là nhu cầu tất yếu và Viglacera tự tin sẽ tiêu thụ được sản phẩm mà không lo bị “ế”.
So với gạch ốp lát, thời gian qua, việc đầu tư mới và mở rộng vào các dự án sản xuất sứ vệ sinh có phần ít hơn. Mới đây, Công ty TNHH Sứ Inax Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất số 5 tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên), năng lực 600 tấn sản phẩm sứ vệ sinh cao cấp/tháng và tiếp tục khởi công xây dựng hai nhà máy số 6 và 7, với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD, năng lực sản xuất 1.200 tấn sản phẩm/tháng, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2011.
Những năm gần đây, các DN kinh doanh gạch ốp lát và sứ vệ sinh đã tìm nhiều cách đẩy mạnh xuất khẩu, song lượng sản phẩm xuất khẩu cũng chỉ chiếm từ 10 đến 15% năng lực sản xuất và nhiều chủng loại sứ vệ sinh, gạch ốp lát của Việt Nam rất khó xuất khẩu ra nước ngoài do không phù hợp về kích cỡ, màu sắc cũng như thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài.
Nhận định về tình hình cung - cầu gạch ốp lát và sứ vệ sinh hiện nay, ông Đinh Quang Huy cho rằng, để tạo cân đối quan hệ cung - cầu trên thị trường, rất cần có sự điều tiết của Nhà nước. Cụ thể, Bộ Xây dựng cần công bố tiến độ đầu tư của từng dự án... để các DN có đủ thông tin trước khi quyết định đầu tư. Đối với DN, cần tính tới việc vươn ra thị trường ngoài nước bằng việc lựa chọn công nghệ, thiết kế thích hợp để có sản phẩm đủ tiêu chuẩn đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế...
(Theo Thế Hải // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com