Tháng 9 hoặc 10 tới sẽ ra mắt Hiệp hội chủ hàng VN. Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ giao VCCI chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề liên quan tổ chức. Trao đổi với DĐDN bên lề Hội thảo giao nhận, vận tải VN do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương và JETRO tổ chức, ông Hồ Quang Trung - Vụ phó Vụ XNK, Bộ Công Thương, Trưởng ban, Ban vận động thành lập Hiệp hội chủ hàng VN khẳng định: Hiệp hội ra đời sẽ là đối trọng của các chủ tàu, người khai thác tàu và Hiệp hội chủ tàu, bảo vệ quyền lợi của các chủ hàng.việc ra đời Hiệp hội là đối trọng với các chủ tàu, người khai thác tàu và Hiệp hội chủ tàu và bảo vệ quyền lợi của các chủ hàng.
Ông Trung cho biết: Hiện nay, Ban vận động đã gửi hồ sơ lên Bộ Nội vụ, Hiệp hội chủ hàng sẽ sớm được thành lập. Hiện có khoảng 120 DN và Hiệp hội DN đăng ký tham gia thành viên.
- Được biết Ban vận động Hiệp hội chủ hàng VN đang khẩn trương chuẩn bị xin phép thành lập Hiệp hội. Xin ông cho biết, việc thành lập Hiệp hội sẽ có tác động như thế nào tới công tác XNK cũng như vận chuyển hàng hóa hiện nay ?
Trong những năm qua, các DN XNK, hay còn gọi là các chủ hàng khi ký kết các hợp đồng vận tải đều phải chịu mức phí vận tải chung do các chủ tàu liên kết áp đặt. Hiện nay vẫn chưa có một đầu mối nào bảo vệ các chủ hàng trong hoạt động vận tải quốc tế cũng như trong quan hệ với các cơ quan hữu quan trong nước để bảo vệ lợi ích chung của DN, đồng thời tập hợp được ý kiến của DN đề xuất với Nhà nước và Chính phủ về các chế độ, chính sách và biện pháp hỗ trợ. Các chủ hàng VN chưa có sự liên kết để bảo vệ lẫn nhau trước những áp đặt đơn phương và thiếu công bằng từ các chủ tàu.Trong khi các nước láng giềng của chúng ta đều đã có Hiệp hội chủ hàng của riêng họ. Trước một số bất cập đó, việc ra đời Hiệp hội chủ hàng là điều tất yếu, làm cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan trong việc XNK nói chung và hoạt động của các hoạt động của chủ hàng VN nói riêng trong vận tải quốc tế.
Hiệp hội đóng vai trò chính, là đối trọng với các chủ tàu, người khai thác tàu và Hiệp hội chủ tàu trong vận tải đường biển, đường không, đường sắt, đường bộ... để bảo vệ quyền lợi của các chủ hàng trước các chi phí bất hợp lý, chống thế độc quyền của chủ tàu. Hiệp hội sẽ tham gia Liên đoàn chủ hàng ASEAN, Hiệp hội chủ hàng Châu Á để hòa nhập hoạt động bảo vệ quyền lợi chủ hàng...
Hiệp hội chủ hàng VN sẽ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh XNK hàng hóa, hoặc các lĩnh vực liên quan đến gửi nhận hàng hóa.
Trước đây, các DN XNK thường tham gia với DN vận tải nên họ chưa hiểu hết quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong việc đàm phán với các chủ hàng để đảm bảo cước phí hợp lý. Chính vì vậy nếu có một đơn vị, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho các DN kinh doanh XNK có thể coi là vấn đề rất cấp bách hiện nay sẽ rất tốt cho hoạt động XNK. Bản thân việc thành lập tổ chức này cũng được các cơ quan chức năng, các DN... rất ủng hộ.
- Thưa ông, một trong những điểm yếu nhất của vấn đề Logistic hiện nay chính là hành lang pháp lý. Vậy, việc thành lập Hiệp hội chủ hàng sẽ có tiếng nói thế nào tới các cơ quản quản lý ?
Tất nhiên khi thành lập Hiệp hội chủ hàng đại diện cho các DN kinh doanh XNK sẽ có tiếng nói, kiến nghị với Chính phủ, bảo vệ quyền lợi cho các chủ hàng. Ví dụ trong những năm trước đây khi Hiệp hội chủ tàu của một số nước Châu Á đưa ra phí THC, khi đó không có ai đứng ra để bảo vệ các DN, các chủ tàu áp đặt nhiều cước bất hợp lý và thông thường ở các nước trong trường hợp này sẽ có Hiệp hội chủ hàng đứng ra đàm phán với chủ tàu để bảo vệ các DN XNK. Một số nước Châu Á như: Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có Hiệp hội chủ hàng. Chỉ có những Hiệp hội với công việc chuyên đứng ra bảo vệ các DN họ mới hiểu cước phí thế nào là hợp lý. Tất nhiên đôi khi người ta nói rằng đây là hợp đồng giữa người mua và người bán, giữa người chủ tàu và chủ hàng... Nhưng sẽ rất khó cho DN XNK nếu chủ tàu đưa ra những chi phí đội thêm. Chính vì vậy mà cần phải có một tổ chức đứng ra bảo vệ, thương lượng cước phí hợp lý theo khu vực, không để thiệt cho bên nào. Đôi khi chủ tàu lấy lý do vì giá cả tăng, giá xăng tăng... họ đưa mức phí rất cao nhưng khi giá xăng giảm họ lại không giảm theo. Hay một ví dụ khác, năm ngoái ở ta một số cảng biển bị ách tắc, do một số hàng hóa nhập về chưa kịp thông quan. Nhân cơ hội này họ lại thu phí ách tắc hàng hóa ở cảng, phí này tính toán dựa trên cơ sở nào ? Không có ai giải thích! Trong trường hợp này các chủ hàng bị thua thiệt mà không biết kêu ai và phải âm thầm trả chi phí vô lý đó.
- Thưa ông, mặc dù vậy nhưng chính bản thân nhiều DN vận tải hàng hóa cả trong và ngoài nước hiện nay đều đưa ra những lý do khó khăn trong hoạt động vận tải hàng hóa. Vậy, khi Hiệp hội chủ hàng được thành lập, vấn đề này sẽ được giải quyết, thương lượng như thế nào ?
Khi Hiệp hội thành lập, ngoài vấn đề bảo vệ quyền lợi cho các thành viên của Hiệp hội trong vấn đề đàm phán cước phí với chủ hàng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh một số lĩnh vực khác để giúp các DN, chẳng hạn như đào tạo nguồn nhân lực, giao nhận, vận tải hàng hóa... Hiện tại chưa có cơ quan nào đứng ra làm vấn đề này, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo, cấp giấy chứng chỉ đào tạo cho nhân viên làm logistic...
- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay các DN VN cần phải lưu ý những gì xung quanh vấn đề logistic ?
Hiện nay, chúng ta đã có Hiệp hội giao nhận vận tải rồi, sắp tới sẽ có Hiệp hội chủ hàng, họ sẽ giúp các DN hiểu rõ hơn khi giao nhận vận tải cần phải làm như thế nào ? Và đối với chủ tàu các DN cần phải đàm phán ra sao, quyền lợi thế nào... để đảm bảo giao nhận hàng được thông suốt.
Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VCCI: Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ logistic tại VN đang phát triển nhanh chóng, từ một vài DN giao nhận quốc tế đầu tiên, đến nay có hơn 600 Cty được thành lập và hoạt động từ Bắc, Trung, Nam. Đối với các DN sản xuất kinh doanh, vấn đề giao nhận cũng trở thành cấp thiết trong thời kỳ VN gia nhập WTO. Tới đây, nhiều DN, kể cả DN nước ngoài cũng sẽ tham gia quá trình cung ứng các dịch vụ logistic. Điều đó đặt ra những vấn đề quan trọng liên quan đến công tác đào tạo nhân lực, vận tải của phía chủ hàng và công tác hỗ trợ của Hiệp hội DN đối với các thành viên thực hiện cung ứng dịch vụ này. Với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng DN, Hiệp hội DN , VCCI sẽ cùng với các Hiệp hội và DN xây dựng nội dung thiết thực cho chương trình đào tạo DN trong lĩnh vực này đồng thời có kiến nghị thích hợp trên cơ sở yêu cầu của DN cung ứng dịch vụ này, tạo dựng cơ sở pháp lý phù hợp cho DN. Từ giữa năm 2008, VCCI đã chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Hiệp hội chủ hàng VN. Ông Teruo KAWAMURA - Hiệp hội chủ hàng Nhật Bản: Để cải thiện môi trường giao nhận vận tải của VN, theo tôi không những phải cải thiện phần cứng như xây dựng đường sá, cầu cống mà còn phải cải thiện toàn bộ dịch vụ giao nhận vận tải. Đồng thời cũng cần phải có sự nỗ lực cải thiện của các cơ quan nhà nước cũng như các DN khu vực tư nhân. Các DN tư nhân cùng ngành hàng ngày càng cạnh tranh với nhau, tuy nhiên cần phải cùng nhau hoàn thiện môi trường giao nhận vận tải để phát triển toàn diện trên cả nước. Do vậy, theo tôi cần phải thành lập tổ chức giao nhận vận tải khu vực tư nhân của các ngành nhằm nâng cao khả năng tự lực của các DN. Do đó, không chỉ các tổ chức của các ngành cung ứng dịch vụ giao nhận vận tải mà cần phải có các tổ chức bên phía chủ hàng sử dụng các dịch vụ giao nhận vận tải. Nếu không hiểu đúng nhu cầu của người sử dụng thì sẽ không tạo ra được một dịch vụ tốt. |
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com