Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngành công nghiệp xi - măng Thanh Hóa mở hướng xuất khẩu

Nhà máy Xi-măng Bỉm Sơn. Ảnh: Xuân Minh
  - Năm 2010 tiếp tục được tỉnh ta xác định là “Năm đầu tư xây dựng cơ bản”, do đó nhu cầu tiêu thụ xi-măng cho các công trình xây dựng là rất lớn, trong đó yếu tố “sân nhà” là một thuận lợi để các nhà máy xi-măng trong tỉnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cần hướng tới xuất khẩu để khai thác tối đa công suất máy móc, tăng lợi nhuận kinh doanh...

Thanh Hóa là tỉnh giàu tiềm năng về nguyên liệu để phát triển ngành công nghiệp xi-măng. Toàn tỉnh có 9 mỏ đá vôi xi-măng, trữ lượng gần 28 tỷ tấn, chưa kể một số mỏ nhỏ khác. Trên thực tế, ngành công nghiệp xi-măng tỉnh ta đã và đang khẳng định sức vươn mạnh mẽ.

Bắt đầu hình thành và phát triển từ năm 1980 với “cánh chim đầu đàn” là Nhà máy Xi-măng Bỉm Sơn có công suất thiết kế ban đầu 1,8 triệu tấn xi-măng/năm. Cho đến nay, ngành công nghiệp xi-măng đã và đang đóng vai trò đầu tàu trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh. Đối với xi-măng Bỉm Sơn, sau khoảng 3 năm cổ phần hóa, Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn đã thực sự trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Công ty  luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững với bình quân doanh thu và lợi nhuận hằng năm tăng từ 10% đến 15%. Năm 2009, công ty đã tiêu thụ khoảng 2,8 triệu tấn xi-măng, doanh thu đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2008, đóng góp  lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quá trình CNH, HĐH đất nước.

Dây chuyền mới của Nhà máy Xi-măng Bỉm Sơn với tổng mức đầu tư trên 4 nghìn tỷ đồng, công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm, cũng đang trong giai đoạn nước rút. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ đưa năng suất của Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn đạt  3,8 triệu tấn/năm.

Đối với Công ty Xi-măng Nghi Sơn, năm 2009 được ghi nhận là năm có nhiều thành công lớn. Trong năm, công ty được vinh danh là một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, được trao tặng Giải vàng chất lượng quốc gia 2009, Giải vàng Gold Prize-FDI-2009, Giải Rồng Vàng-2008. Điều đó khẳng định danh tiếng và thương hiệu của xi-măng Nghi Sơn trên thị trường cả nước. Trong năm 2009, công ty đó sản xuất và tiêu thụ 2,6 triệu tấn xi-măng PCB40 với chất lượng cao, nộp ngân sách Nhà nước 210 tỷ đồng. Hiện nay, dây chuyền 2 của Nhà máy Xi-măng Nghi Sơn đang được khẩn trương xây dựng với công suất 2 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất sản xuất xi-măng của công ty lên gần 4,5 triệu tấn xi-măng/năm. Như vậy, sau 10 năm có mặt tại Thanh Hóa, Công ty Xi-măng Nghi Sơn đã đầu tư 622 triệu USD, trở thành liên doanh có quy mô đầu tư lớn nhất của cả nước trên lĩnh vực công nghiệp xi-măng từ trước đến nay. Với chất lượng xi-măng được thiết kế sử dụng những kiến thức toàn diện và mới nhất; tiếp tục duy trì trình độ nhân viên vận hành cao nhất với thiết bị được tinh chỉnh; liên tục duy trì và cải thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đạt năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao nhất, xi-măng Nghi Sơn đang dần hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất và phân phối xi-măng số 1 tại Việt Nam và khu vực.

Được biết, năm 2009, tổng sản lượng xi-măng toàn tỉnh đạt 5,8 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 31,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sản phẩm xi - măng của các nhà máy xi-măng Thanh Hóa đã khẳng định được uy tín, thương hiệu đối với khách hàng và có thị trường tiêu thụ vững chắc ở khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam. Đồng thời, các nhà máy sản xuất xi-măng đã có đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cao cho người lao động, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tỉnh nhà. Không những thế, việc các Nhà máy Xi-măng Nghi Sơn, Xi-măng Công Thanh đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Xi-măng Thanh Sơn đầu tư tại đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây - những khu vực được coi là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh trong tương lai đã góp phần đánh thức tiềm năng và tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh ta.

Ngành công nghiệp xi-măng Thanh Hóa đã, đang và sẽ khẳng định vị thế đáng tự hào. Trong chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa tháng 2-2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã gợi ý: Lãnh đạo tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xi-măng, đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm sản xuất xi-măng lớn của cả nước. Nhìn vào thực lực mà tỉnh ta đang có là: 4 nhà máy xi-măng, trong đó có 3 nhà máy xi-măng đang hoạt động là xi-măng Bỉm Sơn, xi-măng Nghi Sơn, xi-măng Công Thanh (xi-măng Công Thanh giai đoạn 1 mới sản xuất clanhke) với sản lượng sản xuất hàng năm gần 6 triệu tấn xi-măng/năm. Đồng thời, dây chuyền II của xi-măng Nghi Sơn, dây chuyền mới của xi-măng Bỉm Sơn sắp hoàn thành; dây chuyền II xi-măng Công Thanh, Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn đang được gấp rút xây dựng với mục tiêu đưa sản lượng xi-măng Thanh Hóa đạt từ 10 đến 11 triệu tấn từ năm 2010, chiếm 1/6 sản lượng xi-măng toàn quốc. Như vậy, mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ định hướng đã không còn xa.
 
Ngành công nghiệp xi-măng Thanh Hóa được nhận định là ít biến động do có nhiều tiềm năng lợi thế về nguyên, nhiên liệu cũng như thị trường tiêu thụ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước nhà và của tỉnh, trong thời gian tới các nhà máy xi-măng trong tỉnh còn có thêm nhiều cơ hội phát triển. Có thể lấy ví dụ về dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình – Nghi Sơn đã có ý kiến thống nhất giữa Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Xây dựng về việc ưu tiên sử dụng kết cấu xi-măng đến mức tối đa. Với tổng khối lượng cần sử dụng khoảng 2 triệu m3 xi-măng, tương đương với khoảng 1 triệu tấn xi-măng, đây sẽ là cơ hội để các nhà máy xi-măng tỉnh ta tiêu thụ sản phẩm, khẳng định uy tín và thương hiệu. Bên cạnh đó, ở thị trường trong tỉnh, năm 2010 tiếp tục được tỉnh ta xác định là “Năm đầu tư xây dựng cơ bản”, do đó nhu cầu tiêu thụ xi-măng cho các công trình xây dựng là rất lớn, trong đó yếu tố “sân nhà” là một thuận lợi để các nhà máy xi-măng trong tỉnh khai thác, tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đà phát triển của ngành công nghiệp xi-măng toàn quốc như hiện nay thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 115 triệu tấn xi-măng/năm, dẫn đến thừa khoảng 30 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, từ 1-1-2010 theo lộ trình gia nhập WTO, nước ta sẽ mở cửa thị trường bán lẻ, sản phẩm xi-măng trong tỉnh sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập ngoại, đặc biệt là với Trung Quốc - đất nước sản xuất xi-măng lớn nhất thế giới. Chính vì thế, ngành công nghiệp xi-măng cần một định hướng mang tính chiến lược về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với vấn đề này, ông Trần Gia Khương, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho rằng: Các nhà máy xi-măng trong tỉnh được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, do đó trong tương lai sẽ đáp ứng được khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, theo đà phát triển của ngành công nghiệp xi-măng Việt Nam thì xi-măng Thanh Hóa phải mở hướng xuất khẩu, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí trong khai thác công suất máy móc, giảm lợi nhuận kinh doanh. Trước mắt, các đơn vị sản xuất xi-măng cần tiếp cận thị trường các nước trong khu vực, đặc biệt là Lào và Campuchia - những nước đang có nhu cầu tiêu thụ xi-măng lớn.

 Được biết, chiến lược xuất khẩu xi-măng đã được Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn “lĩnh ấn tiên phong” bằng việc mở Văn phòng đại diện tại Lào. Trong năm 2009, sản phẩm xi-măng Bỉm Sơn đã xuất khẩu được 1,6 triệu tấn sang thị trường Lào, mở ra hướng đi mới, hiệu quả cho sản phẩm xi-măng Thanh Hóa.

(Theo Phạm Ngọc // Báo Thanh Hóa Online)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Năm 2010: Việt Nam sẽ xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng
  • Đầu tư công nghệ để thúc đẩy phát triển ngành gốm sứ
  • Giá bán ximăng tăng đến trên 40.000 đồng mỗi tấn
  • Năm 2010, giá vật liệu xây dựng khó tăng mạnh
  • Vicem xuất khẩu 1 triệu tấn xi măng năm 2010
  • Năm 2010, giá vật liệu xây dựng khó tăng mạnh
  • Xi măng Việt Nam: khó khăn phía trước
  • Việt Nam lọt top 10 thế giới về sản xuất gạch ốp lát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container