Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ồ ạt xây nhà máy xi măng: Quy hoạch bị “đổ bê tông”

"Cung" vượt quá "cầu" nhưng các nhà máy vẫn ồ ạt mọc lên. Quy hoạch không theo quy hoạch đang đặt ra nhiều vấn đề lớn với ngành. Nguy cơ "vỡ" thị trường xi măng khi sản phẩm tắc "đầu ra" cũng là cảnh báo với nhiều ngành khác, chẳng hạn ngành thép…

Công ty Xi măng Hoàng Thạch (Hải Dương).

Tắc "đầu ra"

Theo Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), tổng sản phẩm tiêu thụ tháng 7-2010 của doanh nghiệp này có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu và… không cao, mặc dù các đơn vị trực thuộc vẫn duy trì cơ chế chiết khấu, khuyến mại. Tính đến ngày 31-7, khối lượng sản phẩm tồn kho của Vicem là 1,68 triệu tấn, trong đó tồn 1,37 triệu tấn clinker và 0,26 triệu tấn xi măng bột.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, nguồn cung xi măng đã tăng khoảng 10 triệu tấn, tuy nhiên tiêu thụ thực tế chỉ tăng 1,8 triệu tấn. Thị trường xi măng đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp không thuộc Vicem bán ra sản phẩm với giá thấp hơn "mặt bằng chung" - theo cách nói của doanh nghiệp. Một "ông lớn" như Vicem cũng chịu ảnh hưởng với thị phần sụt giảm, khoảng 0,6% so với cùng kỳ năm 2009, lượng xi măng tồn kho tăng mạnh.

Không chỉ Vicem mới lâm tình cảnh này mà nhiều doanh nghiệp khác cũng vậy. Để giải quyết tình trạng ứ đầu ra do cung vượt quá cầu, mới đây ba công ty xi măng là Nghi Sơn, ChinFon Hải Phòng và Phúc Sơn đã được "chỉ định" tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Trong thời gian còn lại của năm, mỗi công ty phải xuất khẩu khoảng 100.000 - 150.000 tấn xi măng. Tiếp theo, năm 2011 mỗi đơn vị phải xuất khẩu được 50% sản lượng theo quy định tại giấy phép đầu tư và 100% sản lượng năm 2012.

Hiện tại, tính ra nguồn cung xi măng cả nước đã tăng khoảng 40% so với nhu cầu tiêu thụ. Trước đó, nhiều ý kiến đã dự báo cung xi măng sẽ vượt cầu khoảng 3 triệu tấn cuối năm 2010. Con số này sẽ ngày càng tăng khi ngày càng có thêm nhiều dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động.

Vẫn ồ ạt xây nhà máy
Cảnh báo về tình trạng dư thừa xi măng, nguy cơ tạo ra cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp lâm tình cảnh khó khăn, đã trở thành sự thật. "Cung" đã vượt "cầu" song thật kì lạ, các nhà máy vẫn được xây dựng ồ ạt. Liên tục có dự án xi măng mới được khởi công. Có thể kể ra hàng loạt "đại dự án" trong thời gian gần đây: Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ với công suất 2 triệu tấn/năm, bao gồm hai dây chuyền sản xuất, tổng nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, tại Nam Giang, Quảng Nam; dự án Nhà máy xi măng Long Thọ II của Tổng công ty Sông Hồng với lò quay công suất 35 vạn tấn/năm, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 763 tỷ đồng, được xây dựng tại Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư. Có những khu vực tập trung dày đặc nhà máy xi măng. Chẳng hạn, rải từ Hà Nam vào Nghệ An, có 11 nhà máy được xây dựng, tổng công suất thiết kế lên tới hơn 20 triệu tấn/năm. Còn theo "dự báo xa", năm 2011 sẽ có thêm 12 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất 9,35 triệu tấn, năm 2012 có thêm 7 dây chuyền với công suất 6,72 triệu tấn và năm 2015 có thêm 7 dây chuyền nữa đi vào hoạt động. 


Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tìm kiếm thị trường xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế nhằm ổn định thị trường trong nước trong thời điểm cung vượt cầu. Bởi lẽ, doanh số xuất khẩu xi măng thường rất thấp do vận chuyển phức tạp, chi phí cao… Đặc biệt, công tác kho vận của Việt Nam còn rất kém, nhất là với các sản phẩm "nhạy cảm" với thời tiết như xi măng. Trong khi đó, nhiều nước khác lại có ưu thế do sản xuất sản lượng lớn, đã khấu hao xong dây chuyền... Không phải các doanh nghiệp sản xuất xi măng không biết điều này. Trước đó, khi lập dự án, hầu như họ cũng chỉ nhắm vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường nội địa lại đang ứ đọng, chưa kể đến mối đe dọa từ "xi măng giá rẻ" (nhưng vẫn bảo đảm chất lượng) của nước ngoài - theo cách... "than thở" của doanh nghiệp trong nước.

Dường như cung thừa và việc các dự án mới liên tục được khởi công xây dựng là hai vấn đề… không liên can của ngành xi măng? Trớ trêu thay, từ cuối năm 2009, sau khi đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã thực hiện một số biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường xi măng, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển bền vững... Đặc biệt, Bộ đã đề nghị các địa phương không cấp phép đối với các dự án xi măng mới, thậm chí "xin" Thủ tướng cho dừng một số dự án đã có trong quy hoạch nhưng triển khai "có vấn đề"…

Sau màn tắc "đầu ra", điều gì sẽ xảy đến tiếp theo với các doanh nghiệp xi măng?

Nhà máy sản xuất xi măng ChiFon - Hải Phòng. 


Lời cảnh báo…
Nguy cơ "vỡ" thị trường xi măng cũng đang là cảnh báo với nhiều ngành khác, chẳng hạn ngành thép, lĩnh vực đang có hàng loạt đại dự án trị giá nhiều tỷ USD. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng công suất của các dự án thép đã được cấp phép hiện lên đến 40 triệu tấn và chưa có dấu hiệu gì cho thấy "cơn sốt" mở nhà máy (hoặc nâng công suất) thép sẽ dừng lại.

Chỉ với sản lượng 40 triệu tấn, ngành thép cũng sẽ đi vào "vết xe đổ" của các doanh nghiệp xi măng hiện nay. Lối thoát mà các doanh nghiệp thép phải lựa chọn cũng là… xuất khẩu. Tất nhiên, tại thời điểm này ngành thép vẫn đang làm mưa làm gió trên thị trường khi thích tăng giá thì tăng, bị… buộc hạ mới giảm. Song cái cảnh "ròn cười (khi làm giá), tươi khóc (khi cung vượt quá cầu)" sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Cũng phải nhắc lại là Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các dự án thép thông thường, rút giấy chứng nhận đầu tư các dự án chậm tiến độ… Tuy nhiên, chưa có dự án thép "có vấn đề" nào bị buộc phải dừng lại, thậm chí tại nhiều dự án lớn đang triển khai, chủ đầu tư còn liên tiếp… đòi hỏi thêm ưu đãi.

Cung vượt quá cầu nhưng các nhà máy vẫn ồ ạt mọc lên là một tín hiệu cho thấy quy hoạch ngành, như của ngành xi măng, ngành Thép, đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Khi hàng loạt dự án được triển khai, nhà máy đi vào hoạt động nhưng không có hiệu quả thì thiệt hại không chỉ doanh nghiệp gánh chịu. Sự bất ổn của các doanh nghiệp xi măng chẳng hạn sẽ tạo ra nhiều gánh nặng mới về lao động, việc làm, lãng phí nguồn vốn lớn…

(Theo Minh Châu  // Hanoimoi Online)

  • Loại 9 dự án xi măng khỏi quy hoạch
  • Tìm biện pháp “phá vây” cho ngành thép
  • DN xi măng: Làm gì để tránh phá sản?
  • Úc tham gia thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam
  • Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng "bắt bệnh" các nhà máy xi măng ôm nợ
  • Nghịch lý giá xi măng
  • Đề nghị 3 doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu xi măng
  • Tiêu thụ xi măng giảm mạnh vì thời tiết
  • Xi măng rất khó tiêu thụ
  • Thị trường xi-măng cung vượt cầu
  • Vật liệu xây dựng tăng giá
  • Đác Lắc đưa Nhà máy sản xuất gạch Tuy-nen tiên tiến vào sản xuất
  • Bộ Xây dựng tìm cách giải bài toán cung xi măng vượt cầu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container