Công đoạn mài quần bò tại Levi’s Strauss Co. |
Một năm trở lại đây, nếu ai có dịp ghé vào các shop quần áo ở châu Âu, sẽ nhìn thấy quần jean Levi’s, nhãn hiệu quần jean số 1 thế giới, ở mác có dòng chữ made in Vietnam. Nhưng nó được sản xuất ở nơi nào của Việt Nam thì vẫn là một bí ẩn. Chúng tôi đã được vào thăm xưởng sản xuất quần jean Levi’s tại Việt Nam, một địa điểm mà Levi Strauss & Co trước đây luôn giữ bí mật.
Một nhà xưởng rộng rãi tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình là nơi tọa lạc của Levi’s Strauss Co, nơi cho ra lò những chiếc quần jean Levi’s đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất đi khắp thế giới. Đây là nhà máy sản xuất quần jean Levi’s đầu tiên và duy nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhà máy vẫn còn một khoảng trống khá rộng. Chủ tịch tập đoàn John Anderson cho biết, chỉ thời gian ngắn nữa thôi, sẽ không còn khoảng trống này nữa. Đó là để dự phòng cho tương lai khi nhu cầu sản xuất tăng lên.
Cổng nhà máy vẫn còn tấm biển tuyển công nhân, với mức lương học việc là 1.650.000 đồng/tháng. Hiện nay, nhà máy có hơn 700 công nhân là lao động địa phương, hầu hết vốn là nông dân. Chỉ sau một tháng học việc, họ đã có thể thao tác được các công đoạn như mài, làm xước hoặc vẽ lên quần.
Mỗi công nhân làm việc với một ma-nơ-canh nửa người (gồm hai chân và bụng) bằng cao su. Sau khi lồng chiếc quần jeans vào ma-nơ-canh, nó được bơm phồng lên để công nhân có thể mài ống quần và mông một cách dễ dàng. Hầu hết quần jean ở đây xuất đi châu Âu nên kích cỡ rất lớn, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Tôi thấy có những chiếc quần mà hai chân mình cho vào một ống vẫn rộng thênh thang. Tương ứng với hai ống quần to đùng, là phần bụng (và mông) rất khủng, khiến chúng tôi không nén được cười. Một người quản lý của Levi’s cũng cười và giải thích: “Đây là dành cho châu Âu và Mỹ mà”. Được biết, nhà máy hoàn thiện hơn 6.000 chiếc quần jean/ ngày.
Phòng lab (nghiên cứu) của công ty do Natalia, người Pháp phụ trách. Cô là người đảm nhận công việc thiết kế và sáng tạo các mẫu quần jeans mới. Tại đây, trưng bày các sản phẩm đã xuất xưởng từ những ngày đầu tiên cho tới giờ. Các mẫu mã gần đây được thiết kế tinh xảo và thời trang hơn trước. Tại đây, các mẫu mã mới liên tục ra đời. Các nhân viên chủ chốt của phòng này phần lớn là người nước ngoài.
Phòng phát triển – có chức năng đào tạo - nằm kế bên lại toàn người Việt Nam. Ông Gavin Moore, Giám đốc cao cấp về các hoạt động sản xuất của hãng tại châu Âu cho biết, những công nhân bình thường, sau một thời gian được học hỏi các chuyên gia người nước ngoài trở nên lành nghề sẽ được chuyển lên phòng này, với thu nhập cao hơn. Sau một thời gian làm việc tại đây, họ quay trở lại đào tạo công nhân mới. Hiện tại, có 28 công nhân lành nghề được đào tạo để trở thành trợ lý giám sát và cán bộ đào tạo.
Với nhiều năm giám sát sản xuất tại khu vực châu Âu, ông Gavin hết sức thán phục người Việt Nam. Ông nói: “Người Việt nhỏ bé nhưng sức làm việc không thua kém người châu Âu to lớn”. Ông thích công nhân Việt Nam vì tính cần cù, chịu khó trong công việc. Ông dẫn chứng, từ ngày về làm quản lý tại đây, năng suất ngày một tăng.
Công nhân tại đây phần lớn là người trẻ. Họ có vẻ thích thú với công việc này vì nó không quá khó và nặng nhọc. Tôi hỏi chuyện một nữ công nhân trung tuổi, chị cho biết, mới vào đây làm, nhưng đã nhanh chóng quen việc. So với công việc nhà nông, thu nhập ở đây có khá hơn, nhưng gia đình chị đông con, nên đồng lương ở đây cũng khó trang trải đủ cho cả gia đình. Vì vậy, chồng con chị cũng phải làm thêm mới đủ sống. Khó khăn nhất đối với chị là việc thay đổi mẫu mã thường xuyên. Chị cho biết, cứ hai - ba ngày nhà máy lại có mẫu mới, khi đó mọi người phải dành mấy tiếng đầu giờ để được hướng dẫn.
Tất cả các công đoạn để may một chiếc quần tại đây đều phải tuân theo chuẩn quốc tế. Sau khi trải qua hết các công đoạn làm xước, mài, chiếc quần jeans sẽ được làm mềm. Đó là lý do tại sao, các thành phẩm jean Levi’s đều không cứng dù được làm bằng chất liệu thô. Ông Gavin tiết lộ, đầu tư trang thiết bị máy móc cho nhà máy này lên tới 8 triệu USD.
Chủ tịch Levi’s thích Việt Nam
Bay thẳng từ Bangkok sang Việt Nam, ông John Anderson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Levi Strauss & Co đã tới Ninh Bình thăm nhà máy sản xuất quần jean duy nhất của hãng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong trang phục quần jean, áo sơ mi, ông tự quảng cáo: “Đây là trang phục hằng ngày của tôi. Tôi thích mặc nó cả trong và ngoài giờ làm việc”.
Việt Nam có một đội ngũ người trẻ đông đảo và luôn theo kịp thời trang thế giới. John Anderson, Chủ tịch Levi Strauss & Co |
Ngoài việc đi thăm nhà máy, một việc quan trọng của ông tại đây là tham gia Ngày cộng đồng, một hoạt động thường niên của công ty trên phạm vi toàn cầu diễn ra vào ngày 5-5. Ông đã tới thăm Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Ninh Bình và khai trương hệ thống xử lý nước do đội ngũ nhân viên tình nguyện của công ty và Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WATERCOD) phối hợp thực hiện nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 150 cư dân và nhân viên của trung tâm. Ông nói: “Công ty chúng tôi luôn đề cao việc đóng góp cho các cộng đồng xung quanh nơi chúng tôi hoạt động”.
“Vì sao nhà máy sản xuất quần jean Levi’s được đặt tại Việt Nam?”- chủ tịch Anderson tự hỏi và trả lời luôn: “Chúng tôi cuối cùng đã chọn Việt Nam vì lực lượng lao động trẻ dồi dào và khéo léo. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia lân cận với các thị trường lớn của châu Á và các châu lục khác. Thị trường châu Á đã đóng góp khoảng 17 % doanh số bán hàng toàn cầu của công ty trong năm tài chính 2010. Hơn nữa, Việt Nam có một đội ngũ người trẻ đông đảo và luôn theo kịp thời trang thế giới”.
Trước khi trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành Levi Straus & Co, ông Anderson đã từng là Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty trong 8 năm. Chắc chắn ông rất hiểu thị trường này.
Chia tay, ông vẫn nhắc lại với tôi: “Việt Nam có nhiều công nhân khéo tay”. Ông cũng tự hào vì Công ty giữ gìn môi trường tốt: “Những gì chúng tôi lấy từ sông ngòi sẽ trả lại nguyên vẹn cho sông ngòi” - ông nói.
Tính đến 27-2-2011, công ty Levi Strauss & Co điều hành 482 cửa hàng tại 31 quốc gia. Lợi nhuận riêng của công ty trong năm tài chính 2010 là 4,4 tỷ USD. Chiếc quần jeans lâu đời nhất thế giới mang nhãn hiệu XX được cho là sản xuất vào năm 1879. Hiện nay được cất giữ trong một chiếc két sắt chống cháy tại trụ sở của cĩng ty ở San Francisco, California, Mỹ. Giá trị ước tính hơn 150.000 USD. |
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com