Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lập nghiệp từ chiếc máy xay rác

Chất phác, ít nói, những ai lần đầu gặp Mai Ngọc Hưng khó ngờ đó là một trong những điển hình tiên tiến được tuyên dương tại Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của miền Ðông Nam Bộ lần thứ 8. Năm nay 20 tuổi, Mai Ngọc Hưng (huyện Tân Phú, Ðồng Nai) là chủ cơ sở xử lý, chế biến rác thải có tiếng trong vùng.

Quê ở xã Phú Bình, huyện Tân Phú, nơi xa nhất của tỉnh Ðồng Nai về phía bắc, người dân hầu hết sống chủ yếu bằng làm rẫy, trồng lúa, nên cuộc sống hết sức vất vả. Hưng kể, nghề chế biến rác đến với anh hết sức ngẫu nhiên. Một người chú của anh ở TP Hồ Chí Minh về chơi cho biết có một số cơ sở chế biến nhựa ở thành phố đang rất cần nguồn nhựa tái chế để sản suất đồ nhựa.

Hưng tự hỏi "ở Ðồng Nai rác nhiều thế, nhất là các loại bao bì, đồ nhựa, nếu tận dụng được không chỉ giải quyết được kinh tế gia đình mà còn góp phần làm trong sạch môi trường". Từ đó Hưng nung nấu ý định nhặt rác để cung ứng cho các cơ sở ở thành phố.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đi lượm bao ni-lông, chủ yếu là bạt phơi thóc lúa về ra suối rửa sạch, phân loại rồi lâu lâu gom lại, đem bán cho các cơ sở chế biến đồ nhựa ở TP Hồ Chí Minh. Những chuyến xe tải chở rau củ quả từ Ðồng Nai lên thành phố cũng là phương tiện chuyên chở những bao ni-lông cho Hưng. 

Sau ba tháng lăn lộn với nghề tái chế rác, Hưng dành dụm được một số tiền và xin thêm gia đình mua chiếc máy xay rác. Chiếc máy này đã đặt nền tảng để Hưng mở cơ sở sơ chế nhựa. Với sự trợ giúp của chiếc máy mới, sản phẩm của Hưng làm tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước đó. Việc chế biến rác thuận lợi hơn khi anh tìm ra cách cơ giới hóa khâu phân loại rác thay thế cách làm thủ công bằng tay lâu nay. Từ chiếc máy phóng lúa mà người dân trong vùng dùng để gặt lúa, Hưng mày mò cải tiến công năng của máy tuốt lúa thành máy.... tuốt rác. Thay vì sử dụng bốn cánh quạt, Hưng sử dụng ba cánh để bao không bị quấn, thay dao nhỏ bằng dao lớn hơn. Với máy phóng bao này, cơ sở của Hưng có hẳn quy trình công nghệ sơ chế gần như khép kín.

Công việc càng nhiều, Hưng mạnh dạn thuê 25 người làm mỗi ngày, chủ yếu là bà con hàng xóm. Từ đó anh nảy sinh ý tưởng thành lập nhà máy xử lý rác. Cơ sở của anh sử dụng 5 sào đất của gia đình làm nơi chứa và phơi các loại bao ni-lông phế thải. Từ sáng kiến nhỏ ban đầu, Mai Ngọc Hưng có hẳn dây chuyền công nghệ sơ chế nhựa hiện đại. Công việc hằng ngày của người lao động là đi thu gom rác thải rồi đem về xử lý. Hưng chọn ra những rác thải sạch dùng hóa chất và vôi làm sạch đem đi bán. Còn lại rác bẩn quá không thể sử dụng được sẽ được chế biến làm phân hữu cơ. Bao ni-lông  thu gom về, được cho vào hố ủ để giảm mùi hôi. Sau đó, phân loại rồi đem đi tuốt để tách chất bẩn như đất, đồ ăn thừa, rồi đưa vào máy bằm. Hệ thống máy bằm có hẳn một hồ nước để rửa sạch bao. Nước rửa và nước đọng từ các hố ủ được dẫn ra tưới nước cho vườn cây.

Từ ý tưởng táo bạo đầu tư vào... rác, chỉ sau một thời gian Hưng đã khẳng định được sự đúng đắn trong bước đi của mình. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, giờ đây, Mai Ngọc Hưng đã trở thành ông chủ của một doanh nghiệp trẻ. Sau hơn hai năm khởi nghiệp, hiện tại trung bình mỗi ngày Hưng tiếp nhận từ một đến hai tấn rác "thô" và xuất ra khoảng hơn nửa tấn rác "sạch". Ðến nay, cơ sở của Hưng có quan hệ làm ăn thường xuyên với bốn điểm thu mua phế liệu ở Lâm Ðồng, ba điểm ở Bình Thuận và năm điểm ở trong tỉnh. Trung bình mỗi tuần, cơ sở này cho xe thu gom khoảng 20 tấn rác thải đem về xử lý, phân loại và bán lại cho các cơ sở chế biến đồ nhựa.

Không chỉ thu lợi nhuận, góp phần vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường và tận thu các loại ni-lông phế thải, Hưng còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 30 người dân trong xóm. Công nhân được cơ sở tổ chức ăn trưa và thu nhập một triệu đồng/tháng.

Hiện anh đang tìm nguồn vốn để mở rộng thêm cơ sở chế biến rác, đầu tư hệ thống máy tạo hạt nhựa, tái chế mủ để tự mình làm lấy các vật dụng từ rác sạch phục vụ cho xã hội. Anh tâm sự: "Tôi luôn nghĩ rằng, sắp tới sẽ phải mở rộng cơ sở, giải quyết việc làm cho các lao động trẻ ở địa phương, và góp phần bảo vệ môi trường...".

(Theo Nhân dân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao