Thoát khỏi định kiến về hình ảnh những sinh viên nghiên cứu khoa học kiểu ngồi nhà chép sách, những bạn trẻ mà chúng tôi gặp đã đi tận nơi, nhìn tận mắt thật sự trăn trở cùng nỗi vất vả của bà con vùng lũ để ấp ủ và cho ra đời đề tài nghiên cứu khoa học: Nhà nổi cho người dân vùng ĐBSCL.
“Căn nhà của người đàn ông ấy thật đặc biệt. Nó nhỏ xíu, chênh vênh đứng trên mấy cái chân ốm yếu, cong vênh như cái tổ chim cũ kỹ, như một người bệnh mà còn ham đi… cà kheo. Không phải nhà sàn, mà là nhà cọc. Tưởng tượng chỉ cần một cơn gió mạnh, một đợt triều cường cũng có thể thổi bay, cuốn phăng nó đi trong chớp mắt. Nội thất của chiếc “tổ chim” ấy cũng không bình thường. Phần quan trọng nhất bên trong là một cái gác sát mái với công dụng, theo chủ nhân của nó, là để leo lên trốn khi lũ về. Trong nhà có những chiếc cột, bức vách đổi màu. Mỗi một mùa lũ qua đi, tùy theo độ ngập mà từng chiếc cột sẽ mang từng ngấn nước khác nhau, màu sắc cũng đậm nhạt khác nhau… Nước dâng cao bao nhiêu, cọc cao lên bấy nhiêu. Hàng năm, cọc cứ thế mà cao lên mãi. Cuộc sống của người dân ĐBSCL cũng theo đó mà bấp bênh, chênh vênh hoài không dứt…”.
Nghe Hồ Thị Minh Hà kể chuyện, cảm nhận tình cảm mà cô dành cho người dân vùng sông nước, không ai nghĩ cô sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc công trình trường Đại học Kiến trúc TPHCM chưa một lần đặt chân tới ĐBSCL. Hà cũng chính là người đầu tiên trong nhóm nảy ra ý tưởng làm nhà nổi cho bà con vùng lũ.
Hà kể: “Ngay từ hồi học năm thứ nhất, tụi em đã muốn nghiên cứu khoa học nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Mãi đến khi gần bước sang năm học cuối, ý tưởng lập một nhóm nghiên cứu mới thực hiện được".
Nhóm nghiên cứu gồm 5 thành viên: Hồ Thị Minh Hà, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Nguyễn Hồng Hạnh. Ban đầu, một số thành viên của nhóm dự tính làm đề tài về nhà bằng đất. Lấy cảm hứng từ những căn nhà chình đất ở vùng núi cao Tây Bắc - những căn nhà hoàn toàn làm bằng đất, mùa đông ấm, mùa hè mát có lẽ sẽ hứa hẹn trở thành một đề tài độc đáo, tạo thành một thứ đặc sản thú vị khi xây dựng tại TPHCM.
Nhóm bạn trẻ nghiên cứu đề tài về nhà nổi. Từ trái sang: Hồ Thị Minh Hà, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Bảo Trân. |
Tranh cãi hoài vẫn không ngã ngũ, nhóm đăng ký cả hai đề tài để tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường với thỏa thuận: đề tài nào được duyệt sẽ làm đề tài đó. Ai dè cả hai đề tài đều được thông qua. Không thể ôm đồm nhiều thứ, phân tán lực lượng để chạy theo giải thưởng, cuối cùng, nhóm quyết định chọn đề tài nhà nổi với lập luận: Nhà nổi tuy không mới, không độc đáo và… lãng mạn như nhà đất nhưng lại cần thiết cho đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân ở vùng tâm lũ ĐBSCL. Đề tài này được thầy Giang Ngọc Huấn - giảng viên của trường hướng dẫn thực hiện.
Xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - khu vực ngập lụt thường xuyên và có mực nước lũ dâng cao nhất hàng năm được chọn làm địa bàn nghiên cứu. Do có người bà con có nhà ở gần khu vực này, Thanh Trúc nhận nhiệm vụ đi thực địa, thu thập hình ảnh, tiếp xúc với người dân để khai thác thông tin. Những tấm hình về những ngôi nhà cọc lênh khênh, những câu chuyện về nỗi khổ cực của người dân vùng lũ mà Trúc mang về như càng tiếp thêm tình cảm, sự quyết tâm hoàn thành thật tốt đề tài của nhóm.
Suốt nhiều tháng, các bạn trẻ bám trụ tại khắp các thư viện, nhà sách để tìm tài liệu. Có được thông tin, cả nhóm lại sôi nổi bàn luận để tìm cách làm tốt nhất. Giải pháp kiến trúc của nhóm đưa ra là xây dựng các mô hình nhà nổi 3 gian, 3 gian 2 chái và nhà nối đôi. Nhà này có hệ thống phao nổi có thể dễ dàng di chuyển theo phương đứng dọc theo 4 trụ định hướng khi nước lên. Nhóm cũng đề xuất phương pháp di dời và neo nhà tập trung, mỗi điểm neo khoảng 6 căn nhà tại khu vực trung tâm của xã để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho công tác cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Khi cần thiết, có thể “lai dắt” nhà bằng ca nô trên sông rạch đến neo đậu và cập nhà tại vị trí an toàn.
Phương án nhà nổi và cách thức cập nhà vào mùa lũ. |
Minh Hà tâm sự: “Nhiều khi đang làm ngon trớn, tụi em lại sực nhớ: Chết rồi, mình làm nhà như vậy người dân có tiền mua hông đây? Vậy là cả nhóm lại quay ra tính toán chi li từng chi tiết, tìm cách sử dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương như lá dừa nước, tranh, tre… làm sao cho giá thành thấp hết mức mà vẫn bảo đảm các tiêu chí về an toàn, tiện lợi. Tụi em cũng chia nhà ra làm nhiều bộ phận có thể tháo lắp dễ dàng. Trường hợp bà con nghèo quá, không đủ tiền mua nguyên căn, có thể trang bị trước nền nổi”.
Sau khi “thu vén” hết sức, mức giá mà các bạn đưa ra cho một căn nhà nổi hoàn chỉnh diện tích 7,2 x 7,2m là 90 triệu đồng (khung gỗ) và 120 triệu đồng (khung nhôm). Mùa lũ, nhà nổi trên sông. Mùa khô, tháo hệ thống phao ra, nhà trở thành nhà sàn trên đất. Đề tài về nhà nổi của nhóm đã nhận được giải nhì cuộc thi Holcim Prize 2010 và lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần thứ 12 năm 2010.
Hôm gặp chúng tôi, nhóm bạn trẻ thông báo một tin vui: Vừa có điện thoại của lãnh đạo một tỉnh miền Tây gợi ý nhóm chuyển giao ý tưởng để áp dụng vào thực tế. Các bạn chia sẻ: “Nếu có cơ hội, chúng tôi muốn được cùng tham gia thực hiện trong thực tế để có thể hoàn thiện thêm công trình. Mong ước lớn nhất của cả nhóm là đề tài nghiên cứu của mình sớm được ứng dụng để bà con vùng lũ giảm đi phần nào nỗi vất vả và có một cuộc sống an toàn hơn
(Theo MAI HƯƠNG - THANH HỢP/sggp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com