Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rơi mà không mất!

Hàng trăm người đã tìm lại được CMND, bằng tốt nghiệp ĐH, sổ đỏ, thẻ ATM, bằng lái xe... bị mất thông qua vanphongdothatlac.com của anh Nguyễn Giang Nam.

Anh Nguyễn Giang Nam (SN 1976) đang ôm một đống việc: Chủ đại lý gạo khá lớn ở Hà Nội, trưởng phòng một công ty truyền thông, chủ CLB billiards và thành viên ban giám đốc một công ty du lịch. “Chuyện làm ăn lúc thăng lúc trầm nhưng từ ngày lập ra Văn phòng Đồ thất lạc và đem lại niềm vui cho hàng trăm người, bố mẹ mình ở quê mới được mở mày mở mặt về con trai” - Nam cười, khoe. Mỗi tháng anh phải chi tiền túi gần 10 triệu đồng để duy trì hoạt động của văn phòng phi lợi nhuận này.

Từ một lần mất giấy tờ
 
Cơ duyên để Nam mở Văn phòng Đồ thất lạc đến rất tình cờ. Năm 2004, khi đang lang thang trên vịnh Hạ Long với chiếc ống nhòm và được rất nhiều du khách hỏi “mượn”, Nam nảy ý tưởng cho thuê ống nhòm.
 
Mỗi khách hàng khi thuê ống nhòm với giá 5.000 đồng/giờ phải đặt cược lại 500.000 đồng và giấy tờ tùy thân. Rất nhiều người đã bỏ quên hoặc làm rơi giấy tờ tại quầy hàng của Nam. Trở về Hà Nội, Nam lần tìm địa chỉ và trả lại những giấy tờ đó cho khách khiến họ rất vui và ngạc nhiên.
 
Website www.vanphongdothatlac.com có rất nhiều thông tin nhờ tìm lại của rơi.

Năm 2006, Nam bị mất chiếc cặp, trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng. Anh phải nhờ vả những chỗ thân quen để làm lại, suốt mấy tháng mới xong. “Giấy tờ đối với người nhặt được thường có giá trị ít nhưng với người mất thì rất phiền toái. Và thế là tôi quyết tâm xây dựng cầu nối miễn phí để khắc phục tình trạng đó” - anh kể. Đến tháng 10-2008, khi việc kinh doanh gạo tiến triển tốt, Nam mạnh dạn đăng ký tên miền và website vanphongdothatlac.com ra đời, có văn phòng hoạt động hẳn hoi.
 
Anh thuê sinh viên phát tờ rơi tại những nơi đông người để giới thiệu website này. Nhiều người Hà Nội tìm tới văn phòng, nhìn Nam dò xét. Thấy văn phòng to đẹp và nghe Nam trình bày suy nghĩ “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, ai cũng gật gù.
 
Nhiều người không ngại ngần cung cấp thông tin về những đồ vật, giấy tờ họ đã nhặt được trước đây, nay vẫn cất kín trong tủ mà chưa biết cách trả lại người mất...
 
Kết nối niềm vui
 
Hai năm qua, Nguyễn Giang Nam đã gặp không ít phiền toái vì không ít người nghi ngờ công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của anh. “Nhiều người cho rằng mình hoạt động chui, không đúng pháp luật nhưng có ai cấm việc thiện, giúp người nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất đâu” - Nam phân trần.
 
Cũng vì thế, văn phòng của Nam không dám nhận “ký gửi” những vật dụng có giá trị lớn mà chỉ làm trung gian kết nối người nhặt được và người mất để họ trực tiếp trao trả cho nhau dưới sự chứng kiến của nhân viên văn phòng.
 
Anh Nguyễn Giang Nam, chủ Văn phòng Đồ thất lạcẢnh: Đỗ Du
 
Những người nhặt được hoặc bị mất đồ gọi điện thoại đến văn phòng đều được nhân viên ở đây ghi lại cụ thể tên tuổi, địa chỉ, đồ vật nhặt được hay bị thất lạc. Bên cạnh việc đưa thông tin lên website, Văn phòng Đồ thất lạc dựa vào địa chỉ trên giấy tờ để gửi thư về địa phương nhờ giúp đỡ, xác minh. Nam tâm sự: “Đó cũng là việc nghĩa, từ đó mở ra biết bao niềm vui trong cuộc sống”.
 
Nam kể cách đây chưa lâu, anh nhận được điện thoại của một phụ nữ tên Thủy ở quận Hà Đông - Hà Nội sụt sùi kể về việc đánh rơi bản hợp đồng trị giá hàng trăm triệu đồng của công ty; nếu không tìm được chị sẽ bị đuổi việc, thậm chí phải bồi thường thiệt hại.
 
Ngay lập tức, những thông tin về bản hợp đồng của chị được đăng tải lên trang web vanphongdothatlac.com. Khoảng một tuần sau, chị Thủy nhận lại được bản hợp đồng từ tay nhân viên bảo vệ của một cửa hàng nơi chị từng ghé mua. Mới đây, người của một công ty bảo hiểm ở phố Đội Cấn (Hà Nội) tìm tới văn phòng trao lại 8 CMND và 2 cuốn sổ tiết kiệm mà khách hàng đã bỏ quên ở công ty.
 
Xúc động nhất là những trường hợp tìm được kỷ vật. Đó là một chàng trai tìm lại được chiếc bật lửa - kỷ vật của người cha đã hy sinh trong kháng chiến; đó là một cô giáo sau khi nhận lại cuốn nhật ký viết cho con trai đã mất ở Gia Lâm - Hà Nội bỗng bật khóc nghẹn ngào...

Ngày càng lan tỏa

Văn phòng Đồ thất lạc có địa chỉ tại phòng 903, nhà CT3, tòa nhà Vimexco, đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy - Hà Nội.
 
Số điện thoại tiếp nhận thông tin báo mất giấy tờ, đồ đạc: 0915.070505; 04.39953874; website: www.vanphongdothatlac.com.
 
Đến nay, website này đã có trên 400.000 lượt truy cập, hơn 3.200 người đã gọi điện tới văn phòng báo mất đồ và hơn 1.000 người gọi tới báo nhặt được của rơi cần trả lại.
 
Nhân viên của văn phòng đã giúp cho hơn 300 người nhận lại giấy tờ, đồ vật bị mất...

Hiện không chỉ ở Hà Nội mà người dân ở các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Bình... cũng gọi điện báo đánh rơi hoặc nhặt được đồ nhờ văn phòng hỗ trợ.

(Theo Phùng Kha/nld online)

  • Về Sóc Trăng bán bún nước lèo
  • 'Kiếm' hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi thỏ
  • Chàng giám đốc 'né'... trường đại học
  • Vương Thùy Hương: Khởi đầu nhỏ cho niềm tin lớn
  • Trở thành tỷ phú từ nuôi... côn trùng
  • Chủ tịch Sacomreal: “Trung thực, trung thành phải được xếp đầu”
  • Nữ sinh khẳng định mình từ 'thương trường vỉa hè'
  • Tổng giám đốc đi lên từ nhân viên khuân vác
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao