Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những doanh nhân Việt 'ngã ngựa' năm Nhâm Thìn

 

 

Năm 2012 không chỉ là một năm gian nan khó lường đối với nền kinh tế mà cũng là một năm đầy cam go, bất trắc đối với những doanh nhân lăn lộn trên thương trường. Năm Nhâm Thìn, vốn được coi là một năm đẹp theo văn hóa truyền thống, dù mới trôi qua hơn một nửa cũng đã ghi nhận nhiều doanh nhân tiếng tăm bậc nhất “ngã ngựa” giữa đường.

Đại gia thủy sản vỡ nợ

Ngay sau Tết Nhâm Thìn 2012, việc hàng trăm nông dân đến đòi nợ tại nhà riêng của nữ đại gia trong ngành thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền đã gây bất ngờ cho dư luận. Báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc đã phát hiện công ty CP thủy sản Bình An và bản thân bà Diệu Hiền đã nợ nần chồng chất và mất khả năng thanh toán với số tiền lên đến cả nghìn tỷ.

Khởi nghiệp cách đây 16 năm tại Sóc Trăng với nghề kinh doanh gỗ, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), nhanh chóng trở thành một trong những "đại gia" hàng đầu ở ĐBSCL và cũng nhanh chóng trở thành một trong những con nợ lớn nhất vùng này.

Đến khi khả năng thanh toán không còn, bị đòi nợ ráo riết, bà Diệu Hiền đã lẳng lặng sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền và là người được bà làm tổng giám đốc Bianfishco, đã liên tục vòng vo, hứa hẹn trả nợ, công bố các biện pháp cứu Bianfishco như bán nợ cho DATC, bán nhà máy cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, ngày qua ngày, số tiền trả nợ không là bao trong khi số nợ phải trả ngày càng phình to, bộc lộ những "mánh lới" mà bà Diệu Hiền đã sử dụng để vay nợ khắp các cá nhân và ngân hàng.

Có vẻ như các cơ quan chức năng cũng như tổ chức tài chính đã vào cuộc tích cực nhưng những chủ nợ của bà Hiền vẫn chưa thấy hy vọng tìm lại số tiền mình đã trót "gửi cho ác". Trong khi đó, theo nguồn tin báo chí, bà Hiền hiện đang điều hành công ty thủy sản do bà đầu tư cách đây nhiều năm tại Mỹ.

Ông trùm "thép" vào tù

Ngay đầu tháng 8 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, chủ tịch kiêm TGĐ công ty Thái Sơn về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Con trai ông Thụ là Phạm Hải Thanh, nguyên TGĐ công ty Thép Thái Sơn, cũng bị khởi tố cùng tội danh.

Từ một đại gia có tiếng trên thị trường sắt thép, nay cả hai cha con ông vướng vào vòng lao lý. Thông tin này khiến nhiều đại gia làng sắt thép Hải Phòng thấy buồn. Bởi lâu nay ông được tiếng là "làm ăn đàng hoàng".

Năm 1995, ông Thụ thành lập công ty Thái Sơn chuyên kinh doanh sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông Thụ mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản... Sản lượng bán hàng của công ty khoảng 10-20 nghìn tấn/tháng, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm.

Năm 2011, công ty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng. Ở cái thời hoàng kim đó, Thái Sơn được nhiều ngân hàng "săn đón" cấp lượng vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm mạnh tới 50% cùng với việc không bán được hàng, công ty Thái Sơn lâm vào khó khăn.

Đến năm 2011, tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể các chi phí), công ty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Kể từ đó, số nợ của công ty không ngừng tăng lên. Tính đến trước khi bị bắt, tổng số nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng.

Câu chuyện của cha con ông Thụ là bài học đắt giá với doanh nghiệp phải vay quá nhiều tiền ngân hàng để kinh doanh, trong khi lãi vay quá cao...

Năm hạn của bầu Kiên


Mới đây nhất, giới kinh doanh và dân thể thao trong nước bất ngờ trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, doanh nhân nổi tiếng với biệt danh "bầu Kiên" đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tạm giữ để điều tra về những sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế.

Ông Kiên là người sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) năm 1994, cùng các ông Trần Mộng Hùng, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang. Ông đã nắm giữ những vị trí quan trọng tại ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam này, trước khi rút khỏi Hội đồng quản trị, chuyển thành Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB. Ông có cổ phần tại ít nhất 6 ngân hàng là ACB, Eximbank, Kiên Long, Vietbank, Đại Á, Techcombank.

Mặc dù có cổ phần trong nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn nhưng ông không nắm một vị trí đứng đầu nào. Việc điều hành các doanh nghiệp và ngân hàng không phải là mục tiêu của bầu Kiên. Xu hướng đầu tư của ông cho thấy ông thích nắm cổ phần lớn trong ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo. Nói chính xác, bầu Kiên là dạng nhà đầu tư thầm lặng phục vụ bản thân và một số cổ đông lớn có tiềm lực tài chính, có thể can thiệp vào các doanh nghiệp khi cần thiết để doanh nghiệp đó làm ăn tốt hơn. Tại các thị trường phát triển trên thế giới, đó là một nghề. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi nhà đầu tư phải hội đủ nhiều yếu tố như tầm vóc và tầm nhìn, năng lực tài chính, kiến thức và uy tín.

Là một doanh nhân quyền lực, nhưng ông Kiên chỉ thực sự gây chú ý cho dư luận khi có hàng loạt những phát biểu, hành động gây cách mạng cho bóng đá Việt Nam từ giai đoạn cuối năm 2011. Ông Kiên là người khởi xướng sự thành lập của Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Ông Kiên bị bắt ngày 20/8 với tội danh kinh doanh trái phép theo điều 159 của Bộ Luật hình sự. Hiện những sai phạm cụ thể của ông Kiên với tội danh này chưa được công bố. Được biết, ông Kiên sinh năm 1964, năm Giáp Thìn. Nhiều người bình luận năm nay là năm tuổi của ông và cũng là năm ông 49 tuổi (tính theo lịch âm), ứng với câu nói dân gian "49 chưa qua, 53 đã tới".

Nửa cuối năm "hồi hộp"


Ngoài 3 tên tuổi kể trên, thời gian qua cũng có một loạt lãnh đạo doanh nghiệp, công ty chứng khoán đã bị vướng vào vòng pháp luật. Đầu tháng 8, ông Phan Minh Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Cao Su (RUBSE), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao Su Việt Nam (RFC) đã bị bắt tạm giam vì hành vi "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" khi còn là Tổng giám đốc RFC.

Trước đó, ông Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Chứng khoán Liên Việt, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch Chứng khoán SME, cũng đã bị bắt tạm giam liên quan đến những hành vi sai phạm về tài chính.

Với triển vọng kinh tế vẫn u ám, tình trạng nợ xấu đang làm tắc nghẽn hoạt động kinh doanh, nửa cuối còn lại của năm Nhâm Thìn là sẽ là một thử thách lớn đối với giới doanh nhân. Hy vọng sẽ không còn sự bất ngờ đáng thất vọng nào bởi bất kỳ thông tin tiêu cực nào cũng sẽ gây tác động không nhỏ đối với thị trường cũng như niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay.

(Theo VnMedia)

 

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao