Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nuôi cá dĩa, làm chơi lời thật hàng trăm triệu

Mỗi thùng từ 30 - 40 con, giá mỗi con khoảng 200.000 đồng, tương đương 800 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, ông Lãng thu lời gần 400 triệu đồng mỗi tháng.
 
Cá dĩa (còn gọi cá đĩa), được cho là vua các loài cá cảnh bởi màu sắc đẹp, biết tự nuôi con bằng sữa bố mẹ… Việc sản xuất giống cá dĩa thành công đã mở ra tiềm năng phát triển mới cho ngành cá cảnh TP.HCM.

Làm chơi thu lời thật

Trong căn nhà rộng chừng 50m2 trên đường Tân Hàng (phường 10, quận 5), ông Nguyễn Văn Lãng - Chủ tịch Câu lạc bộ Cá cảnh TP.HCM có hơn 40 hồ kiếng thả nuôi cá dĩa. Bên bể nuôi khoảng 2.000 chú cá dĩa trưởng thành, chuẩn bị chờ xuất khẩu, ông Lãng hào hứng khoe: "Cá dĩa nuôi chơi nhưng mà khi bán cũng thu được bạc triệu, không thua kém ngành kinh doanh nào".

Cá dĩa (tên khoa học là Symphysodon Aequifasciata) được tìm thấy trên sông Amazone cách đây gần 60 năm với màu sắc rực rỡ, sống hiền lành theo bầy đàn. Người nuôi cá đặc biệt thích cách cá dĩa bố mẹ thay nhau cho con bú trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, việc nhân giống cá gặp nhiều khó khăn, khiến giá cá con luôn ở mức cao.

"Ngay cả những nước nuôi nhiều cá dĩa như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… vẫn chưa nhân được giống cá này. Còn ở Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển và nếu nuôi và cho loài cá này sinh sản được thì người nuôi sẽ có thu nhập rất lớn" - ông Lãng cho biết.

Hiện nay, mỗi tháng ông Lãng đều xuất khẩu sang các nước trên dưới 100 thùng cá dĩa. Mỗi thùng từ 30 - 40 con, giá mỗi con khoảng 200.000 đồng, tương đương 800 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, ông Lãng thu lời gần 400 triệu đồng mỗi tháng.

"Tất cả mọi việc từ tuyển chọn, đóng gói, sục khí oxy cho cá thở, làm thủ tục thú y… đều chỉ do vợ chồng tôi làm, mỗi lần mất 2 - 3 tiếng đồng hồ, khoảng 3 lần/tuần. Nói thế để chứng minh rằng không cần diện tích đất lớn, không cần nhiều nhân công vẫn có thể nuôi và làm giàu với cá dĩa" - ông Lãng giải thích.

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàng Nhân -giáo viên một trường trung học cơ sở ở Long An cho biết: Mỗi ngày anh chỉ dành khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ chăm sóc đàn cá dĩa gần 1.000 con trong căn phòng chỉ rộng chừng 20m2. Mỗi tháng anh Nhân có thể xuất bán gần 200 con cá dĩa, lợi nhuận thu về hơn 20 triệu đồng. "Công việc đơn giản là cho cá ăn ngày 2 lần, thay nước cho cá và kiểm tra các điều kiện sống khác như nhiệt độ, độ pH… Cá bột sau 4 tháng là có thể xuất bán và thả cá mới" - anh Nhân giải thích.

Hy vọng cho ngành cá cảnh

Trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước vừa được nghiệm thu "Sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá dĩa và cá neon" do Viện Hải dương học (Viện KHCN Việt Nam) chủ trì, ông Lãng đã chứng minh được giá trị của loài cá cảnh có nhiều tiềm năng này.

Ông chỉ ra rằng, chỉ với diện tích 50m2, nuôi từ 5 - 10 cặp cá dĩa bố mẹ, người nuôi có thể thu về 10.000 cá dĩa con, bán với giá ít nhất là hơn 100 triệu đồng.

"Nếu nuôi đến nơi đến chốn, 10.000 cá dĩa con đó cầm chắc giá 700 triệu đồng. Khi chuyển giao công nghệ tới cho nông dân, chỉ cần họ làm thành công được 1/10 so với đề án thôi cũng chấp nhận được rồi" - ông Lãng khẳng định.

Trong Chương trình phát triển cá cảnh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 - 2015, thành phố phấn đấu đạt sản lượng 100 triệu con, xuất khẩu 20 - 30 triệu con, kim ngạch khoảng 30 - 40 triệu USD vào năm 2015 và sẽ hình thành trung tâm giao dịch hoặc siêu thị cá cảnh.

Hiện tại, cá dĩa cũng đã được gây nuôi nhiều ở khu vực TP.HCM như: Củ Chi, Bình Chánh, quận 8, quận 12 và các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang. Tuy nhiên, người nuôi cá hầu hết chỉ coi đây là "nghề làm chơi", nhỏ lẻ, manh mún nên số lượng cá không nhiều.

Một đại diện Câu lạc bộ Cá cảnh TP.HCM cho biết, những đơn hàng số lượng lớn, trên vài ngàn con trong thời gian vài tuần liên tục CLB đều phải từ chối do không gom đủ nguồn hàng. Ngoài ra, kỹ thuật nuôi cá của người dân còn chưa cao khiến màu cá không đẹp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu hoặc phải bán giá thấp hơn so với các nước khác.

"Câu lạc bộ cá cảnh đã thành lập trung tâm nuôi giữ và phát triển các giống cá dĩa ở Củ Chi để dễ dàng nhân rộng ra cho các hộ nuôi tại đây và trên cả nước. Những năm tới, con cá dĩa sẽ mang lại khởi sắc mới cho ngành nuôi cá cảnh cả nước" - ông Lãng hy vọng.

Theo DV

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao