Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên. Anh đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao anh trở thành sinh viên khoa Vật lý (Đại học Tổng hợp).
Thời ấy, xin việc tại các cơ quan nhà nước đúng với nguyện vọng không dễ dàng gì và Đỗ Quang Hiển đã chọn bến đỗ đầu tiên sau ngày ra trường là Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình (Đài Phát thanh Hà Nội).
Thời gian đầu, anh kỹ sư trẻ gặp không ít khó khăn khi phải đối diện với công việc thực tế. “Mình đi học thì chỉ biết có sách vở, đâu có nghĩ gì đến va chạm xã hội và cũng chưa được chuẩn bị tâm lý khi ra trường. Chỉ biết được đi làm là thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, vì như vậy là mình đã trưởng thành rồi. Thế nhưng, chuyện đâu có đơn giản như vậy, trong khi lương thì thấp mà còn biết bao nhiêu thứ va chạm khác khiến cho mình nhiều lúc cảm thấy như kiệt sức. Mình thấy thấm thía, bởi trong lúc gia đình nghèo khó mà bố mẹ vẫn tần tảo cóp nhặt từng đồng lo lắng cho các con”, anh Hiển chia sẻ.
Được một thời gian, Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình sáp nhập vào công ty Điện tử Hanel – tạo thêm nhiều cơ hội mới để chàng kỹ sư trẻ khẳng định tài năng của mình.
Nhưng cũng chẳng được bao lâu, ông chủ của T&T lại đi đến một quyết định mới: Gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia. Mơ ước từ thuở còn miệt mài với sách vở giờ mới thực sự trở thành hiện, anh tự nhủ với mình rằng rồi đây sẽ “xuất bản” nhiều công trình mang tầm quốc gia. Kiến thức học được qua sách vở, thu lượm từ những bài giảng và thực tế cuối cùng đã có đất để thực sự “dụng võ”.
Bước ngoặt định mệnh
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển kể rằng, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thời đó có thể nói là môi trường làm việc tương đối tốt so với nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp khác. Nhưng suy cho cùng, tình trạng chung của các cơ quan nhà nước lúc đó đều khó khăn, nên không thể đầu tư nhiều cho khoa học. Vì vậy, anh quyết định nghỉ cái công việc ngày 8 tiếng bàn giấy để thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T và chú trọng ngay tới các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…
Mười năm trời lăn lộn kinh qua qua các lĩnh vực, môi trường khác nhau tạo nên một Đỗ Quang Hiển chín chắn, quyết liệt. Bằng sự nhanh nhạy và quyết đoán, ông chủ của T&T nhanh chóng gây dựng được uy tín. Đó là tiền đề để các hàng điện tử danh tiếng của Nhật Bản như: Panasonic, Mitsubishi, National... chọn T&T làm đại lý độc quyền cung cấp các sản phẩm trên thị trường Việt Nam.
Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió, nhưng đúng là “thương trường như chiến trường” - vào cái lúc mà chẳng ai ngờ tới thì một chuyện động trời xảy ra.
Năm 1998, công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã tuồn vào thị trường Việt Nam khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… khiến nhà nước thất thu gần một nghìn tỷ đồng. Số hàng này đủ khiến cho thị trường điện tử - điện lạnh trong nước bị khuynh đảo, T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng.
Nhớ lại “khoảng lặng” trong nghiệp kinh doanh của mình, Chủ tịch Tập đoàn T&T không hề che giấu cảm xúc: “Người ta nhìn vào thành quả của T&T giờ đây có thể nghĩ rằng tôi thành công lắm rồi. Nhưng, ai đó quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử mới thấy rằng có rất nhiều rủi ro. Quả thực, tôi đã từng trải qua cảm giác chán nản, mệt mỏi vô cùng. Hàng hoá lúc đó chất đống trong kho, làm sao mà cạnh tranh được với hàng lậu, nợ ngân hàng thì ngày càng nhiều lên. Nếu nói T&T phá sản thì hơi ngoa, nhưng tình thế lúc ấy cũng gần như vậy, may là sau đó cơ quan pháp luật đã vào cuộc và phá được đường dây này”.
Bí quyết tồn tại giữa muôn vàn kẻ mạnh
Thời điểm T&T ra đời, kinh doanh hàng điện tử - điện lạnh đang "hot" và có không ít doanh nghiệp cũng kinh doanh các mặt hàng điện tử - điện lạnh, ấy là còn chưa kể có vô số cửa hàng cỡ lớn đang chiếm lĩnh thị trường theo từng khu vực nhất định. Bài toán đặt ra với ông chủ của T&T là làm thế nào chen chân vào thị trường béo bở này?
Anh Hiển bật mí: “Tôi từng học ngành Vật lý nên rất thích mọi thứ phải bám sát thực tế. Khó khăn lớn nhất của T&T lúc ấy là phát triển thị trường, tôi cùng với các anh em cán bộ làm việc triền miên như cái máy suốt mấy tháng trời và quyết tâm phải tạo ra sự khác biệt. Tôi luôn tâm niệm, hàng bán chạy chưa phải đã thành công, mà cái quan trọng là T&T phải gây ấn tượng thật tốt với mọi khách hàng”.
Khi T&T đã vững vàng trên thị trường điện tử - điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện “tấn công” sang thị trường xe máy. Nghĩ là làm, ông chủ của T&T bỏ ra 3,5 tỷ đồng đầu tư vào dây chuyền lắp ráp xe máy.
Nước cờ này của Đỗ Quang Hiển có thể coi là rất táo bạo tại thời điểm đó và nó cũng cho thấy anh có khả năng dự liệu trước sự phát triển của một mảng thị trường nhiều tiềm năng sắp bùng nổ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, đầu tư vào mảng lắp ráp xe máy nhanh trở thành “cơn sốt” của gần 60 doanh nghiệp.
Một miếng bánh mà có quá nhiều người giằng xé đã khiến cho việc kinh doanh của T&T gặp rất nhiều khó khăn. Cạnh tranh ở thị trường thành phố đã khó, nhưng ở các tỉnh lẻ cũng chẳng ra gì do sự đổ bộ ào ạt của các doanh nghiệp nước ngoài. Hàng sản xuất ra bị tồn đọng, trong khi những khoản chi cho lương nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao máy móc vẫn tiếp tục phải duy trì.
Thất vọng, chán nản, mệt mỏi, gần như đã tính tới chuyện ngừng dây truyền sản xuất này, rồi lại coi đây như một bài học lớn, Đỗ Quang Hiển thể hiện tính cách đặc biệt của mình bằng việc vạch ra kế hoạch cứu bằng được những gì đã đầu tư.
Anh lý giải: “Tôi thích làm những việc người khác cho là không thể và phải đi tới cùng. Tôi nghĩ, lúc khởi sự cả vốn và kinh nghiệm của mình đều yếu mà còn làm được, huống hồ khi đã đứng vững rồi mà gục ngã thì buồn lắm. Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ”. Thế rồi, cuối cùng, Đỗ Quang Hiển một lần nữa thành công lớn với việc đầu tư sản xuất xe máy, thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường châu Phi.
Có thể nói rằng, Đỗ Quang Hiển đã đi một nước cờ quyết định mà ở vào thời điểm đó những doanh nghiệp ngang tầm như T&T không dám làm. Giờ đây, T&T đã trở thành một tập đoàn hùng mạnh với bốn lĩnh vực đầu tư chính là: Bất động sản, Tài chính, Công nghiệp và Thể thao. Quan trọng hơn, nỗ lực không ngừng của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.
Gần đây nhất, Đỗ Quang Hiển lại đi một nước cờ mới là mua lại phần lớn cổ phần, sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB. Thời đó, có khá nhiều đại gia đi xe xịn đến đàm phán mua cổ phần (SHB lúc ấy đặt trụ sở tại Cần Thơ), Đỗ Quang Hiển chỉ đi một mình bằng taxi nhưng lại chiếm được cảm tình từ phía các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này. Người ta bảo rằng, sở dĩ anh làm được điều đó là bởi anh rất có duyên trên thương trường.
Hoạt động tài chính luôn ẩn chứa rất nhiều rủi ro, nó không phải là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp đã thành công ở một thị trường riêng biệt như T&T. Có thể với nhiều người khi đã ở cái tuổi ngoài tứ tuần thì sự lựa chọn an toàn nhất là an phận với những gì đang có, nhưng Đỗ Quang Hiển thì ngược lại, cái điều mà người khác e ngại thì anh lao vào với tất cả nhiệt huyết như thời trai trẻ. Và tới nay, SHB đã có vốn điều lệ gần 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 51.000 tỷ đồng, hơn 100 điểm giao dịch trên toàn quốc, trở thành một trong những ngân hàng có dịch vụ tốt nhất trong 3 năm trở lại đây.
Theo GDVN
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com