Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tham vọng và triết lý của ông chủ DOJI TienPhong Bank

Là những doanh nhân đã thử lửa trên thương trường với nhiều lĩnh vực khác nhau, ông Đỗ Minh Phú, tân Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Anh Tú - tân Phó Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank, tư duy của hai ông cùng gặp nhau ở một điểm. Đó là đầu tư vào tài chính. Phong cách đầu tư thận trọng thường thấy ở ông chủ DOJI đã nhường chỗ cho sự quyết đoán trong cuộc chơi "kinh doanh rủi ro" nhưng cũng nhiều hứa hẹn.

 
 
Chiến thuật hỏa tốc

Ngay từ khi có ý định bán lại phần lớn cổ phần của Diana (một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ, tã giấy trẻ em, giấy vệ sinh) cho công ty Nhật Unicharm, trong bộ óc kinh doanh của hai anh em ruột, ông Đỗ Minh Phú và ông Đỗ Anh Tú, lập tức xuất hiện câu hỏi: Tiếp theo là gì? Là những doanh nhân đã thử lửa trên thương trường với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh, sản xuất đến dịch vụ, ông Đỗ Minh Phú, tân Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Anh Tú - tân Phó Chủ tịch HĐQT TienPhong Bank, có nghĩ đến một lĩnh vực kinh doanh mới? Tư duy của hai anh em, rốt cuộc, cùng gặp nhau ở một điểm. Đó là đầu tư vào một tổ chức tài chính. Thậm chí, có nguồn tin cho hay, đã có thời điểm hai ông từng tham gia vào đề án thành lập một ngân hàng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép thành lập mới ngân hàng nên dự án phải dừng lại.

Bán xong 95% cổ phần Diana vào tháng 10/2011, hai ông bắt đầu công cuộc tìm kiếm một ngân hàng phù hợp. Miếng bánh ngân hàng vẫn còn nhiều hấp dẫn, song không dễ tìm được một đối tác đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà DOJI đặt ra và mong mỏi.

Trong khi ấy, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại do NHNN chủ trì đang được triển khai, trong đó khuyến khích các ngân hàng tự nguyện hợp nhất và sáp nhập với nhau, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho từng ngân hàng, đồng thời lành mạnh hóa hệ thống.

Ngẫu nhiên vào thời điểm đó, các cổ đông sáng lập của TienPhong Bank cũng bắt đầu quá trình chọn lựa một đối tác phù hợp để trở thành cổ đông chiến lược, hỗ trợ TienPhong Bank tái cấu trúc và vượt qua khó khăn. Trước khi hai bên gặp được nhau, TienPhong Bank đã được đưa vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư khác. Thậm chí, một tập đoàn lớn (không tiện nêu tên) với số dư tiền mặt cực lớn đã đặt vấn đề muốn trở thành cổ đông chiến lược của TienPhong Bank, nhưng sau cùng cái bắt tay này đã không diễn ra. Mọi thông tin đều nằm trong "hộp đen".

Ông Phú kể lại: "Tháng 10/2011 chúng tôi bắt đầu tìm hiểu một số ngân hàng trong tầm ngắm và thích hợp về khả năng tài chính. Sau khi quan sát thị trường, chúng tôi nhận thấy, TienPhong Bank tương đối phù hợp với các tiêu chí mà DOJI đặt "ra". Phía DOJI bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán với TienPhong Bank. Hoàn toàn không có thông tin nào được tiết lộ ra bên ngoài. Thật ít có sự trùng hợp và giao dịch diễn ra (có vẻ) tự nhiên như thế, giữa thương trường. Chỉ hơn 3 tháng sau khi anh em ông Phú, ông Tú bắt đầu "cuộc đi săn", với "đạn" đầy túi, đến ngày 18/1/2012 quá trình đàm phán kết thúc. DOJI tuyên bố chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của TienPhong Bank sau khi mua 20% cổ phần hiện hữu trong ngân hàng này. Giá trị giao dịch có lẽ chỉ phía DOJI, các cổ đông sáng lập TienPhong Bank và bên tư vấn biết chính xác.

Nhưng ông Phú tiết lộ với Doanh Nhân: "Chúng tôi mua từ cổ đông nhỏ lẻ và việc tiết lộ giá cụ thể của cổ phiếu sẽ vi phạm thỏa thuận nội bộ. Nhưng có thể khẳng định, giá chúng tôi mua cao hơn giá trên thị trường OTC (TienPhong Bank chưa niêm yết) và trong thương vụ này các bên đều hài lòng".

Một câu hỏi được đặt ra đối với bên mua trong thương vụ này liên quan đến vấn đề rủi ro, khi họ quyết định mua cổ phần của một ngân hàng mới thành lập được 4 năm (6/6/2008), nhưng chỉ trong hơn một năm đã phải thay đổi tới hai tổng giám đốc? Việc này có thể làm dấy lên những nghi ngại, rằng năng lực điều hành của ban lãnh đạo cũ là có vấn đề. Ông Phú cho biết, ông đánh giá giá trị của TienPhong Bank nằm ở con thuyền chứ không phải người thuyền trưởng. Ông lý giải rằng, mới chỉ đi vào hoạt động hơn 4 năm, nhưng TienPhong Bank đã gây dựng được hạ tầng khá đáng kể với hệ thống sản phẩm, quy trình nghiệp vụ quy củ, đầy đủ.

Ở chiều ngược lại, ban lãnh đạo TienPhong Bank cảm thấy may mắn bởi ngân hàng của họ lại thu hút được sự quan tâm của một tập đoàn kinh doanh vàng bạc đá quý có doanh thu lên tới 30.000 tỷ đồng (năm 2011). Đặc biệt, ông chủ của nó có dòng tiền rất lớn sau khi thu về khoản thặng dư vốn được ước tính trị giá hơn 128 triệu USD từ vụ bán lại Diana cho đối tác Nhật. Nhưng, một câu hỏi khác lại nảy sinh: Liệu có rủi ro cho TienPhong Bank không khi từ nay họ sẽ được điều hành và quản lý bởi các ông chủ chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực được gọi là "kinh doanh rủi ro" này? Ông Phú giải thích: hầu hết các ông chủ ngân hàng hiện nay đều không phải là chuyên gia ngân hàng, song họ có tài quản trị. Và họ thành công.

Nhận diện điểm yếu

Doanh nhân Đỗ Minh Phú từng phát biểu rằng, chưa bao giờ ông thất bại trong kinh doanh. Ông cũng tin kinh nghiệm quản lý của ông tại các doanh nghiệp lớn như DOJI và Diana cũng sẽ mang lại thành công tương tự cho TienPhong Bank. Sự hoài nghi là có, nếu xét trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, kể cả tuổi đời và quy mô đều lớn hơn TienPhong Bank nhiều, hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn do nợ xấu, thanh khoản kém, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp, phụ thuộc quá nhiều vào kinh doanh tín dụng. Vậy ông Phú nhận định ra sao về chuyện này? Xét về độ rủi ro, theo ông, kinh doanh vàng miếng (lĩnh vực chủ chốt của DOJI) còn rủi ro cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, luôn luôn có những nguyên tắc để quản lý rủi ro. DOJI thành công bởi họ luôn tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc này và tránh được tình trạng say sưa tìm kiếm lợi nhuận quá đà dẫn đến rủi ro mất nghiệp.

Tương tự, mọi việc cũng sẽ không dễ dàng đối với kinh doanh ngân hàng, bởi lĩnh vực này luôn gắn liền với rủi ro. Hơn nữa hiện nay, kinh doanh tài chính, ngân hàng đang rơi xuống điểm đáy khi huy động vốn khó do áp lực cạnh tranh lớn. Cho vay cũng khó, nợ xấu tăng cao, đồng thời phải tuân thủ rất nhiều quy định quản lý ngặt nghèo của các cơ quan nhà nước nhằm ổn định thị trường. Trong khi đó chi phí kinh doanh của các ngân hàng lại cao, lương cán bộ ngân hàng luôn cao gấp rưỡi, gấp đôi những vị trí tương tự ở doanh nghiệp khác. Ông Đỗ Anh Tú chia sẻ rằng, nếu chỉ nhìn vào khó khăn trước mắt, có lẽ anh em ông không bao giờ bỏ một đồng vào ngân hàng. "Nhưng DOJI không coi đây là thương vụ ngắn hạn mà xác định là đầu tư lâu dài", ông Tú nói.

Thách thức còn đến từ những vấn đề nội tại của ngân hàng, như chính ông Phú thẳng thắn thừa nhận. Vị Chủ tịch HĐQT này nói với Doanh Nhân rằng, TienPhong Bank trước đây định vị là ngân hàng điện tử hàng đầu nhưng thực tế thì thời cơ chưa chín muồi trong khi mảng ngân hàng truyền thống lại chưa được đầu tư xứng đáng. Một điểm yếu khác cũng được ông Phú điểm ra là công tác quản trị điều hành chưa thống nhất và đồng bộ, đội ngũ nhân sự thường xuyên có sự xáo trộn không đáng có. Vì vậy, trách nhiệm của HĐQT mới ngay trong năm nay là phải tái cơ cấu cổ đông, cơ cấu quản trị, nguồn nhân lực và bổ sung tăng vốn. Theo ông Phú, triết lý kinh doanh của ông có thể ví von với hình ảnh cây tre Việt Nam, nghĩa là đề cao sự mềm dẻo, linh hoạt song vững chắc, đoàn kết. Tre mọc thành bụi với các cây rất cao cùng nhiều cây nhỏ quây quần phía dưới. TienPhong Bank sẽ phải xây dựng thế mạnh riêng biệt, tập trung vào hướng đi mũi nhọn, nhưng không ngừng đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm truyền thống.

Vài tháng qua, TienPhong Bank đã bắt đầu thực thi chiến lược kinh doanh mới. Lấy ví dụ, năng lực huy động vốn của ngân hàng trước đây chưa cao thì năm nay HĐQT lên kế hoạch tăng trưởng 55%. Mục tiêu này được cụ thể hóa với 2 nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Với khách hàng cá nhân mục tiêu, kế hoạch đề ra là phải duy trì số khách hàng hiện tại, mở rộng khách hàng là nhân viên các công ty cổ đông của TienPhong Bank và khách hàng mục tiêu của nhóm sản phẩm thế mạnh của ngân hàng. Xây dựng các sản phẩm huy động đa dạng, đóng gói sản phẩm huy động cùng với các sản phẩm khác để bán chéo, như bảo hiểm, đầu tư và quản lý tài sản cá nhân. Với khách hàng doanh nghiệp mục tiêu, TienPhong Bank duy trì nguồn huy động là cổ đông, các khách hàng hiện tại và mở rộng sang nhiều công ty có vốn lưu động lớn.

Tham vọng 2012 - 2014

Theo một số nguồn tin, sau khi tiếp quản TienPhong Bank, nhóm cổ đông mới DOJI đã bắt tay vạch ra những mục tiêu chiến lược quan trọng cho tương lai của ngân hàng. Theo đó, "Kế hoạch hành động 2012-2014" có vai trò tiên quyết trong giai đoạn bản lề 5 năm tới của ngân hàng. Ưu tiên hàng đầu mà kế hoạch này hướng tới là ổn định hoạt động và cơ cấu tổ chức bộ máy nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản, đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN. Hơn nữa, nhóm cổ đông mới DOJI yêu cầu phải cân đối tài sản có - tài sản nợ cân bằng, xây dựng nguồn khách hàng bền vững song song với khai thác mở rộng nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh tốt. Lộ trình dự kiến của kế hoạch này là: sau 2 năm nữa, 4 nhóm dịch vụ ngân hàng mũi nhọn gồm: kinh doanh vàng bạc; công nghệ cao và công nghệ thông tin; công nghiệp phụ trợ; dịch vụ E-banking và ngân hàng ưu tiên sẽ chiếm ít nhất 20 - 25% tỷ trọng dư nợ tín dụng/tổng tài sản, tương đương từ 1.500- 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2016, các lĩnh vực mũi nhọn này sẽ chiếm tối thiểu 50% tỷ trọng dư nợ tín dụng/tổng tài sản, đạt khoảng trên 5.000 tỷ đồng, nhằm tăng tỷ trọng dịch vụ và giảm dần lệ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Nguyên tắc quản trị kinh doanh của ông Đỗ Minh Phú khá trùng hợp với dự báo của giới phân tích ngân hàng, đó là đặt tính thanh khoản lên hàng đầu như là yếu tố sống còn của TienPhong Bank. Đây chính là điểm yếu của ngân hàng này trước kia, khi sức ép thanh khoản gia tăng do năng lực cho vay và huy động vốn chưa cao. Ban lãnh đạo mới sẽ tập trung xử lý triệt để điểm yếu này, đồng thời đi theo chiến lược kinh doanh mới mà ông Phú chủ trương. Đó là: phát triển một cách thận trọng, bền vững, nhưng không "sợ hãi". Vậy chỉ tiêu tăng trưởng của ngân hàng bao nhiêu phần trăm một năm là hợp lý? "Chúng tôi đang xây dựng bệ phóng chuẩn bị cho tương lai và mức tăng trưởng 40% mỗi năm là hợp lý trong ngắn hạn", ông Phú trả lời. Đây là một con số trong mơ đối với tất cả các doanh nghiệp, trong đó có cả các ngân hàng, trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó như hiện nay.

 

Sau khi có sự tham gia của DOJI TienPhong Bank dự kiến đạt 362 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2012

Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú không giấu tham vọng từ nay đến năm 2014 sẽ tích hợp dịch vụ kinh doanh vàng bạc vào dịch vụ ngân hàng. Với mức doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh vàng và trang sức đạt đến 30.000 tỷ đồng của DOJI, TienPhong Bank sẽ hướng tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành vàng bạc và cùng với 5 ngân hàng TMCP, gồm ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank và DongA Bank trong việc tham gia ổn định thị trường vàng. Trò chuyện với Doanh Nhân, ông Phú trích dẫn báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng năm 2011 do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố, theo đó Việt Nam xếp thứ 8 thế giới về mức tiêu thụ kim loại quý này, với tổng nhu cầu vàng năm 2011 đạt 100,3 tấn, tăng 23% so với năm 2010. Nhu cầu đầu tư vào vàng miếng tại Việt Nam năm 2011 đã tăng 30% so với năm 2010, lên 87,3 tấn. Trong năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 35-38 tấn vàng. Ông dự báo việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dành cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ đem lại cho TienPhong Bank một nguồn thu không nhỏ trong cơ cấu thu nhập giai đoạn hậu tái cấu trúc.

Nếu mọi việc diễn ra đúng như tính toán của ông Phú, 4 mảng dịch vụ nói trên sẽ là các mũi nhọn của TienPhong Bank trong cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới. Chưa rõ liệu với ông chủ mới và các nhà lãnh đạo mới, diện mạo của TienPhong Bank tương lai sẽ ra sao? Liệu hai anh em họ Đỗ có trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ngân hàng không, hay chỉ tham gia vạch chiến lược và giám sát/kiểm soát? Thông tin về việc một gương mặt mới, vốn là tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lớn, mới rời ghế tại ngân hàng cũ và được mời về đảm nhiệm vị trí tương tự ở TienPhong Bank đã xuất hiện dưới dạng chưa chính thức.

Dẫu sao, đường lối kinh doanh của ngân hàng đã được hoạch định khá rõ ràng. Có thể nhận ra các ông chủ mới của TienPhong Bank đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự đột phá của ngân hàng thông qua "Kế hoạch hành động 2012 - 2014" đầy tham vọng nói trên.

Nhưng kế hoạch và kỳ vọng là thế. Thực tế có thể khác, thậm chí khác xa. Chỉ thời gian mới đem lại câu trả lời chính xác cho những vấn đề trên.
 

Mục tiêu tài chính của TienPhong Bank năm 2012:

Hội đồng quản trị TienPhong Bank đã thống nhất mục tiêu kinh doanh tính đến thời điểm 31/12/2012, với các chỉ tiêu tài chính cụ thể dự kiến gồm: Tổng tài sản đạt 15.736 tỷ đồng; Vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; Huy động vốn tăng 55% so với năm 2011, đạt khoảng 9.500 tỷ đồng; Thu nhập thuần từ dịch vụ chiếm 5% tổng thu nhập thuần. Dự kiến thu nhập lãi thuần sẽ đạt 580 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 362 tỷ đồng.

Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI

có tiền thân là Công ty phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý. Doanh nghiệp này có các hoạt động từ khai thác mỏ, chế tác, cắt mài đá quý, cho đến sản xuất vàng trang sức, kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng và xây dựng hệ thống các trung tâm và cửa hàng trang sức cao cấp trên cả nước. Tính đến cuối năm 2011, DOJI có 6 công ty thành viên với tổng vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Doanh thu năm 2007 đạt 1.531 tỷ đồng; 2008: 5.258 tỷ đồng; 2009: 11.620 tỷ đồng; 2010: 15.000 tỷ đồng và năm 2011 đạt 30.000 tỷ đồng.

 
Bài: Thành Trung
Minh họa: Hà Phạm
Nguồn: DDDN

  • Bà chủ Tâm trà : Đặt chữ “Tâm” trên từng sản phẩm
  • Lương "siêu khủng" của CEO Việt
  • Người buôn xoài trở thành ông chủ Him Lam, LienViet PostBank
  • Bầu Đức: Quyền lực và bụi bặm
  • Tỷ phú từ... chuối
  • Chân dung ông chủ khu công nghiệp Amata tại Việt Nam
  • Nhà đầu tư Việt mua thị trấn Mỹ là ai?
  • Nữ soái Phạm Thị Loan: 'Người đàn bà thép' ưa chinh phục
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao