Trần Thu Hằng và cháu gái bên tác phẩm của mình |
Tốt nghiệp khoa hội họa trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội năm 2009, nhưng đam mê điêu khắc và yêu thích búp bê từ nhỏ đã khiến Trần Thu Hằng chọn con đường khởi nghiệp với nghệ thuật art doll (búp bê nghệ thuật). Từ những khối gỗ nhỏ, Hằng đã biến chúng thành những tác phẩm art doll rất chân thực và sống động.
Hằng nói: “Từ nhỏ mình đã thích búp bê gỗ của Nhật Bản. Sau khi xem một triển lãm búp bê Nhật Bản, mình đã rất thích và thử làm chơi, mình thấy đây là một sự dung hòa giữa cả hội họa và điêu khắc nên càng làm mình càng đam mê và quyết tâm theo đuổi. Mình phát hiện ra trên thế giới đã có một dòng búp bê art doll như vậy nên càng cảm thấy tự tin hơn trong lĩnh vực này”.
Ra trường, không đủ kinh tế để nuôi dưỡng nghệ thuật, nhưng Hằng vẫn quyết tâm theo đuổi nghệ thuật art doll bởi Hằng “không muốn vì đồng tiền mà đánh đổi ước mơ, đam mê trong cuộc sống”. Với quyết tâm đó, Hằng đang khẳng định được giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần từ những sản phẩm mình làm ra.
Hiện tại, Hằng đang làm 3 dòng sản phẩm bao gồm búp bê sáng tác, búp bê đặt hàng và búp bê cổ tích. Tại Việt Nam, đây là những mặt hàng đồ chơi còn khá mới mẻ, nhưng số lượng khách hàng quan tâm đến những sản phẩm này đang tăng lên và có thể nó sẽ tạo ra một xu hướng mới trong thị trường đồ chơi Việt Nam.
Thổi hồn cho gỗ
Từ những khối gỗ nhỏ và những con dao cắt, Hằng đã mày mò, tìm hiểu và biến chúng thành những tác phẩm art doll rất chân thực và sống động. Hằng chọn làm búp bê với chất liệu gỗ vì đây là chất liệu khó làm trong nghệ thuật art doll, Hằng tỉ mẩn cưa, cắt, gọt, rũa, tỉa từng chi tiết để tạo hình cho nhân vật.
Hằng luôn chọn đề tài là trẻ em khi thể hiện tác phẩm, bởi theo Hằng: "Trẻ em là đề tài bất tận, chúng rất trong sáng và hồn nhiên. Chính điều đó làm nên cái hồn trong những tác phẩm của tôi".
Mới làm được một vài tác phẩm Hằng biết nó mang tính sáng tác nhiều, không mang kinh tế lâu dài ổn định. Chính vì vậy, Hằng đã làm thêm công việc minh họa truyện tranh cho các nhà xuất bản để ‘lấy ngắn nuôi dài’. Với thu nhập gần 10 triệu đồng/truyện, cộng thêm các sản phẩm từ đơn đặt hàng, Hằng đã có vốn đầu tư cho kế hoạch dài hơi.
Khi cháu gái được 3 tháng tuổi, Hằng đã làm một búp bê chân dung cháu bằng chất liệu cilycon, khoảng 15 cm. Chính sự bất ngờ của mọi người vì nhìn rất giống cháu bé, rất sinh động và đáng yêu đã tạo cho Hằng một ý tưởng kinh doanh mới là nhận đặt hàng làm chân dung con trẻ - đó là hình ảnh thu nhỏ sống động của các em bé thật ngoài đời.
Những búp bê này có trạng thái và cảm xúc, sẽ đánh vào nhu cầu của một số gia đình, nhất là những gia đình khá giả. Hằng cho biết: “Khi phụ huynh đặt hàng búp bê hình con của họ, mình đề nghị đến tận nơi để chơi với em bé, chụp thật nhiều ảnh, ký họa lại, để có được khoảnh khắc thú vị nhất của bé và biết được nét đặc trưng của từng bé”.
Sau khi bắt được thần thái của nhân vật, Hằng tìm cách thể hiện sao cho có hồn nhất, những chi tiết bé tí xíu như những ngón chân đều rất chân thực. Sự cầu kỳ, kỹ tính khiến các sản phẩm của Hằng luôn sống động, vì vậy khách hàng tìm đến đặt hàng ngày một nhiều hơn. Giá của loại búp bê này khoảng 10 triệu đồng, khách hàng chủ yếu là những gia đình khá giả và những người muốn đặt làm chân dung mình.
Nặn búp bê cổ tích Việt Nam
Từ việc vẽ hình minh họa cho truyện cổ tích, Hằng đã nghĩ ra cách kinh doanh mới, đó là việc nặn chính những nhân vật ấy để làm thành những tác phẩm.
Hằng cho biết: “Ở Việt Nam, dòng búp bê dân tộc được bán rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết những con búp bên này đều thiếu cá tính, chỉ là manơcanh mặc trang phục dân tộc, không có biểu cảm, rất thô cứng, làm đồ lưu niệm bày ra nhìn trang phục dân tộc, chứ không phải đồ chơi”. Vậy nên Hằng có ý định mở công việc của mình theo một hướng mới là khai thác từng trang, từng phân cảnh những hành động, trạng thái và trang phục của nhân vật chuyện cổ tích Việt Nam. Như vậy sau khi nhìn nhân vật bằng búp bê người xem sẽ được đọc câu chuyện về nhân vật ấy, họ sẽ thấy thú vị hơn.
Dòng búp bê cổ tích đang được Hằng bắt tay vào làm. Những nhân vật đã được thiết kế và tạo hình, công đoan đổ khuôn và sản xuất hàng loạt sẽ được thực hiện trong đầu năm tới. Sản phẩm sẽ được bán tại các cửa hàng lưu niệm, tại sân bay. Khách hàng hướng tới là khách du lịch nước ngoài.
Mong muốn art doll có chỗ đứng
Hiện tại, Hằng đang ấp ủ dự định sẽ mở một triển lãm cá nhân giới thiệu các sản phẩm của mình, để người xem biết đến nhiều dòng búp bê hơn. Đặc biệt, Hằng dự kiến sẽ mở một cửa hàng đồ chơi thông minh với những ứng dụng đơn giản.
Về kế hoạch sắp tới, Hằng cho biết, hai tháng tới, Hằng sẽ cho ra mắt bộ sản phẩm về búp bê cổ tích và tung ra thị trường thông qua các cửa hàng lưu niệm ở sân bay, phố cổ.
Nghệ thuật art doll vẫn còn mới lạ và không được đánh giá cao tại Việt Nam. Theo Hằng “Búp bê hoàn toàn có thể là một bộ môn nghệ thuật. Nếu qua búp bê của mình mà art doll được nhiều người biết tới, tìm hiểu nhiều hơn thì mình sẽ tiếp tục đi theo và phát triển môn nghệ thuật này”. Quả thực Hằng đang là một họa sỹ art doll duy nhất ở Việt Nam.
Để tạo ra những tác phẩm art doll, Hằng không tránh khỏi những tai nạn lao động. Bàn tay Hằng nhiều lần bị dao cắt chảy máu, cũng nhiều lần thức trắng đêm khiến đôi mắt thâm xì, Hằng bảo “thực hiện được những ý tưởng là niềm vui và hạnh phúc của mình”.
Hiện tại rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến môn nghệ thuật này tìm đến Hằng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Hằng hy vọng trong tương lai sẽ tạo ra một sân chơi, một xu hướng mới cho giới trẻ tìm hiểu và theo đuổi nghệ thuật art doll. Đồng thời tạo cho thị trường Việt Nam đồ chơi dành cho người lớn, vì trong môi trường hiện đại nhu cầu thẩm mỹ và giá trị cảm xúc ngày càng quan trọng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com