Giải pháp mới đã tận dụng được nguồn tinh bột vốn là nguồn nguyên liệu dồi dào ở nước ta đồng thời không gây ô nhiễm môi trường.
Báo động bao bì nhựa
Th.S Trương Phước Nghĩa cho biết: Lâu nay, người dân đã quen sử dụng bao bì nhựa để đựng đồ mỗi khi đi siêu thị mua sắm hay trong sinh hoạt hàng ngày.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau sự tiện lợi của những chiếc túi nhỏ là một vấn nạn về môi trường do phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm chúng mới phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên.
Ở Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng nửa triệu tấn chất dẻo để làm bao bì nhựa và con số này ngày một tăng.
Theo thống kê, lượng tiêu thụ chất dẻo (polymer) trên thế giới đã lên tới khoảng 170 triệu tấn trong năm 2005 tăng 4-5% trong khi mức tăng trưởng GDP là 2-3%.
Do có trọng lượng nhẹ hơn so với các nguyên liệu làm bao bì truyền thống khác nên bao bì chất dẻo thường làm cản trở hệ thống thoát nước và dễ gây úng ngập.
Thời gian qua, các nhà khoa học trên thế giới đang tìm loại vật liệu thay thế và một số nhà nghiên cứu đã đưa ra sản phẩm bao bì tự phân rã theo phương pháp sinh học.
Biện pháp để đối phó với vấn đề này là phải biến các chất dẻo thành các sản phẩm dễ phân hủy, chuyển hóa thành các sản phẩm phụ không độc hại và không gây ô nhiễm môi trường .
Hiện nay có một số phương pháp để xử lý chất dẻo mà không gây ô nhiễm môi trường như: Thiêu hủy, chôn lấp, làm nhiên liệu và để tự phân hủy...
Tuy nhiên, các phương pháp trên đều có nhược điểm như diện tích đất dùng cho mục đích chôn lấp rất hạn chế, phế thải đô thị thường có chứa vinyl gây ăn mòn các lò đốt rác khi thiêu hủy.
Do đó, phương pháp phân hủy được xem là an toàn nhất và là một lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, những sản phẩm phân hủy sinh học này lại có giá thành cao.
Sản xuất hàng loạt
Các nhà khoa học của khoa Khoa học Vật liệu trường ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM đã nghiên cứu tạo ra một loại bao bì tự phân hủy sinh học để ứng dụng trong thực tế.
Nhóm đã sử dụng hỗn hợp tinh bột nhiệt dẻo và nhựa PVA có khoáng sét Montmorillonite phân tán ở kích thước nanomét, cùng một số phụ gia biến tính để làm ra sản phẩm bao bì có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn và nhanh chóng, không gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên qua thực tế thực hiện, Th.S Trương Phước Nghĩa, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Tinh bột nhiệt dẻo vốn là nguồn nguyên liệu dồi dào ở nước ta, nhưng tinh bột nhiệt dẻo lại có hạn chế là tính cơ lý thấp, hút ẩm mạnh, phân hủy quá nhanh.
Để khắc phục hạn chế này, cả nhóm đã nhiều đêm mất ngủ để đi tìm lời giải là nhựa PVA và một số phụ gia biến tính. PVA cũng là một trong số ít polymer có khả năng tự phân hủy sinh học thực sự trong môi trường đất tạo thành nước và CO2.
Sản phẩm của nhóm nghiên cứu có thể chế biến thành túi đựng hàng hoá, túi đựng rác, túi đựng phế thải hữu cơ, tạp dề; túi đựng phân động vật được thu gom ở công viên, vườn hoa; túi lót thùng rác; găng tay; túi đựng quần áo giặt là ở bệnh viện; tấm chất dẻo ứng dụng trong nông nghiệp và làm vườn, màng chất dẻo dùng bọc báo và tạp chí, túi đựng bánh mì, màng bọc bao thuốc, chai đựng và cốc uống nước, v.v...
Ngoài ra, loại chất dẻo này còn một số ưu điểm khác như: Khá bền dai, không chứa những thành phần biến đổi về mặt di truyền học, không phát thải metal, không có clo hữu cơ, an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, bền ở nhiệt độ thấp và có thể giữ được một thời gian lâu ở nhiệt độ dưới 00C nên rất lý tưởng đối với thực phẩm đông lạnh.
Điều khác biệt của sản phẩm này còn nằm ở chỗ giá thành không cao hơn các loại bao bì nhựa hiện nay. Th.S Nghĩa cũng cho biết: Hiện nhóm đang tiến hành chuyển giao công nghệ này để đưa vào sản xuất hàng loạt trong thực tế .
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com