Không bó hẹp ở việc kinh doanh quán trà, cà phê, Phúc Long muốn qua khách du lịch tiếp thị và hướng đến xuất khẩu |
Nhắm đến chinh phục thị trường lớn như Nhật, Mỹ thông qua các du khách đến Việt Nam là cách làm của Công ty Phúc Long.
Xuất khẩu qua khách du lịch
Trước khi đưa sản phẩm vào các nước Nhật, Mỹ, Indonesia, Philippines, Công ty Phúc Long thử sức mình bằng cách xâm nhập thị trường nước láng giềng Campuchia. Nhân viên khảo sát thị trường của Phúc Long sau khi ở Campuchia về đánh giá, việc thưởng thức trà và cà phê của người Campuchia không khác gì người Việt. Tuy họ có thói quen uống trà nhiều hơn cà phê, nhưng hầu hết trà, cà phê đều là hàng xô, đóng bao bố, không thương hiệu, giá rẻ. Đặc biệt, thị trường quốc gia này không có hàng cao cấp. Biết được "khoảng trống" đó, Công ty Phúc Long chọn sản phẩm mang nhãn hiệu Château đưa qua Campuchia đến các nhà hàng, khách sạn, siêu thị phục vụ cho giới thương gia người Campuchia và người nước ngoài đang làm ăn tại đây. Đây là các loại trà và cà phê đóng gói, khách hàng được nếm thử trước khi mua. Chỉ trong vòng ba tháng, trà và cà phê của Phúc Long đã tìm được nhà phân phối ở thủ đô Phnôm Pênh. Gần 10 siêu thị bán hàng lớn ở thành phố này đã bày bán trà, cà phê của Phúc Long. Sau ba đợt đưa hàng sang Campuchia, Công ty Phúc Long tung "chiêu" quyết định, mở chiến dịch quảng bá thương hiệu rầm rộ, quảng cáo trên các báo tiếng Campuchia và tiếng Hoa để mở rộng thị phần. Công ty còn tổ chức một tháng bán hàng khuyến mãi tại các siêu thị lớn ở Phnôm Pênh.
Có kinh nghiệm từ thành công tại Campuchia và để tiếp cận khách hàng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, Phúc Long nhắm đến chinh phục thị trường lớn hơn như Nhật, Mỹ bằng cách thông qua các du khách đến Việt Nam. Nghiên cứu sở thích, tâm lý của du khách, Công ty Phúc Long làm các túi xách nhỏ đựng cà phê được thiết kế mang tính nghệ thuật và đậm màu sắc dân tộc như: túi bằng vải thổ cẩm, túi nhựa có in hình cô gái Việt Nam mặc áo dài hoặc một số hình ảnh đặc trưng của danh thắng Việt Nam. Qua cách tiếp thị kiểu "xách tay" này, Phúc Long đã dần dần "xuất khẩu tại chỗ" trà và cà phê sang thị trường Nhật và Hoa Kỳ, tiến dần đến xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Lâm Bội Minh, Giám đốc Công ty Phúc Long, năm qua công ty cố gắng duy trì được ba thị trường lớn là Nhật bản, Philippines và Indonesia. Riêng xuất khẩu sang Campuchia thì giao cho các đại lý phụ trách.
Đối với người miền Nam, vùng trà ngon nhất là Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhưng ông Lâm Bội Minh lại nghĩ đến vùng trà Thái Nguyên nổi tiếng ở phía Bắc. Thực tế, trà Thái Nguyên có thế mạnh về hương vị, hình thức và chất nước đặc trưng. Tuy nhiên, cũng giống như các vùng trồng trà ở các địa phương khác, các cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên vẫn "chưa phù hợp tiêu chuẩn" để xuất khẩu. Nhận ra hạn chế này, Công ty Phúc Long đã đầu tư một nhà máy sơ chế tại Thái Nguyên, chở nguyên liệu đó về nhà máy ở Bình Dương để tái chế, đóng gói xuất khẩu ra các thị trường khó tính.
Ông Minh giải thích rằng, việc Phúc Long đặt nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu trà nổi tiếng của Việt Nam vừa giúp duy trì được "chất" trà Thái Nguyên, vừa hạn chế cách thu hoạch và chế biến trà theo kiểu thủ công truyền thống nhằm đảm bảo tốt việc quản lý chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, trong số hàng ngàn tấn trà thành phẩm xuất sang Mỹ của Công ty Phúc Long có một lượng lớn trà xuất xứ từ Thái Nguyên.
Anh Trương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty Vico, doanh nghiệp chuyên xuất hàng thực phẩm sang Mỹ, Úc nhận định rằng, trà Thái Nguyên của Phúc Long phát triển được tại thị trường Mỹ, ắt sẽ trụ được ở các thị trường khó tính trên thế giới.
(Theo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com