Bianfishco, thời gian qua đã tìm được lối thoát cho mình nhờ kịp thời áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp |
Trong hàng loạt giải pháp để giải cứu các DN hiện nay, có một giải pháp được bàn đến rất nhiều đó là chuyển nợ thành vốn góp. Trên thực tế, không ít DN đã được cứu sống kịp thời nhờ áp dụng biện pháp này. Nhưng cũng không ít DN vì giải pháp này mà đang đứng trước những lựa chọn vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Tại phiên họp của Ủy ban kinh tế ngày 26/4/2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện đang có 72 nghìn DN của ta đang trong tình trạng ốm yếu, doanh số chỉ bằng 30% so với năm trước. Những con số này giải thích vì sao tình trạng nợ nần giữa các DN với DN, DN với ngân hàng, DN với người lao động lại đang diễn ra phức tạp như vậy.
Vấn đề lớn với DN: khan tiền mặt
Bianfishco, Sadico Cần Thơ, Mía đường Kon Tum… là các DN thời gian qua đã tìm được lối thoát cho mình nhờ kịp thời áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp. Việc chuyển nợ thành vốn góp đã giúp các DN mắc nợ trút được gánh nặng, khả năng thanh toán được cải thiện. Thêm nữa, với lý lịch tài chính sạch hơn thì DN cũng dễ tiếp cận các nguồn vốn vay mới để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đối với các DN ngập chìm trong nợ nần thì lợi ích mà giải pháp này mang lại có lẽ không cần bàn quá nhiều. Thế nhưng, đứng từ phía các DN là chủ nợ thì vấn đề không chỉ đơn giản là việc thay đổi một bút toán trên sổ sách. Mà đó còn là một quyết định đầu tư liên quan đến chiến lược của DN, định hướng sản xuất, kinh doanh…
Ngoài ra, với những DN đang gặp vấn đề về tiền mặt thì đây là cả một vấn đề lớn. Bởi họ có thể không có tiền để trang trải chi phí, thanh toán các khoản nợ phải trả khác. Hơn nữa, việc đầu tư vốn vào một DN đang mất khả năng thanh toán là một quyết định rất mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế đầy bất trắc như hiện nay. Đó là lý do vì sao chuyển nợ thành vốn góp là một giải pháp tài chính được bàn đến nhiều như vậy trong thời gian vừa qua.
Thế nhưng, con số các DN áp dụng biện pháp vẫn rất khiêm tốn và rất nhiều DN đang đau đầu cân nhắc và tính toán trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Cân nhắc giải pháp
Đó cũng là lý do vì sao trong chương trình Chìa khóa Thành công - CEO số 17 với chủ đề “Quản trị tài chính - Giải pháp tài chính thời khủng hoảng” phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 16/6/2013 trên VTV1. Vấn đề này đã được các doanh nhân đặc biệt quan tâm và nỗ lực đi tìm giải pháp.
Theo CEO của chương trình, trước khi tính toán phương án chuyển nợ thành vốn góp, DN có thể cân nhắc đến việc giới thiệu một đối tác kháccùng ngành với con nợ của mình để góp vốn. Thứ hai, DN vẫn không góp nhưng sẽ cùng với đối tác tập trung giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy bán hàng để thoát khỏi khó khăn.Cuối cùng, nếu các giải pháp trên không khả thi thì DN mới nên áp dụng biện pháp chuyển nợ thành vốn góp. Các thành viên HĐQT cho rằng, DN nên xem xét đến giải pháp chuyển nợ thành vốn góp sau một thời gian bán lại và rút ra. Hoặc có thể cho vay một phần, góp một phần. Nếu góp vốn DN phải xem xét lại chiến lược của công ty. Về dài hạn, HĐQT cho rằng, DN cần phải rà soát lại hoạt động quản trị tài chính của mình, quản lý công nợ chủ động và có kế hoạch hơn. Bên cạnh đó, DN nên cân nhắc việc thuê chuyên gia hay một đơn vị tư vấn tài chính chuyên nghiệp để quản trị tài chính tốt hơn trong khủng hoảng.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com