Việc bao cấp nguyên - nhiên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón đang dẫn đến nhiều hậu quả xấu đối với sản xuất nông nghiệp, thiệt hại cho người nông dân và khiến thị trường cạnh tranh không lành mạnh...
Bao cấp nguyên - nhiêu liệu sản xuất phân bón khiến nhiều DN sản xuất, trung gian hưởng lợi, thay vì nông dân. Ảnh: Đại Dương. |
Đó là cảnh báo của các nhà quản lý và nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh phân bón tại diễn đàn chuyên đề về phân bón diễn ra gần đây tại TPHCM.
Giá đầu vào thấp: Sản xuất siêu lợi nhuận
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính), cho biết, Nhà nước vẫn bao cấp giá những nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng trong lĩnh vực sản xuất phân bón và có một số ưu đãi về thuế suất đối với phân bón sản xuất trong nước.
Than cho sản xuất phân bón (khoảng 672.000 tấn/năm) đang được bán thấp hơn giá thị trường trong nước, bằng khoảng 55% đối với than cục 2b, 65% đối với than cục 1a và 82% đối với than cám. Theo đó, nếu tính đúng, tính đủ giá bán than cho sản xuất phân bón (ở mức thấp hơn 10% so với giá xuất khẩu theo quy định), với mặt bằng giá hiện nay trong nước và giá than xuất khẩu thì giá than cục 2b bán cho sản xuất phân lân phải tăng 82%, giá than cục 1a bán cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% và giá than cám 4b phải tăng 21%.
Đối với giá khí bán cho sản xuất phân bón, ông Thỏa cho biết: Với khoảng 500 triệu m3/năm (20.000 tỷ BTU) khí từ mỏ Nam Côn Sơn bán cho sản xuất đạm Phú Mỹ, giá bình quân năm 2011 khoảng 4,59 USD/triệu BTU, thấp hơn giá của mỏ khí PM-3 (7,5 USD/triệu BTU).
Đó là chưa kể phí vận chuyển từ miệng giếng đến Nhà máy Điện Cà Mau là 1,17 USD/triệu BTU; đồng thời cũng thấp hơn nhiều so với mức giá khí bán cho khách hàng công nghiệp (10-14 USD/triệu BTU). “Với mặt bằng về giá, về các yếu tố chi phí hiện tại (trong đó có các yếu tố chưa tính đúng, tính đủ như trên), giá vốn phân bón sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với giá vốn phân bón nhập khẩu”, ông Thỏa khẳng định.
Cụ thể, giá vốn nhập khẩu hiện tại quy tiền Việt Nam là khoảng 10.277 đồng/kg. Trong khi đó, giá vốn đạm urê sản xuất trong nước (chưa có thuế) là 4.348 đồng/kg đối với đạm sản xuất dùng khí và 7.860 đồng/kg đối với đạm sản xuất dùng than.
Theo ông Thỏa, nếu xóa bỏ bao cấp qua giá đầu vào, tính đủ các yếu tố chi phí thì giá vốn hiện tại của các loại phân bón phải tăng 24,25% đối với đạm urê dùng than để sản xuất, 22,32% đối với đạm urê dùng khí để sản xuất và 20% đối với phân lân dùng than để sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch, TGĐ Công ty CP Vật tư Nông sản (Apromaco), tính toán: Giá thành sản xuất đạm urê trong nước dùng khí chỉ 4,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá nhập khẩu urê về đến Việt Nam là 450 USD/tấn, tương đương trên 10 triệu đồng/tấn.
“Khoảng cách từ 4,5 triệu đến 10 triệu đồng/tấn là quá xa, doanh nghiệp nhập khẩu không thể cạnh tranh và thị trường không có sự bình đẳng”, ông Dũng nhận định. Đương nhiên, doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước và cả những khâu trung gian hưởng siêu lợi nhuận, ông Dũng nói.
Thị trường méo mó, nông dân chịu thiệt
“Để chiếm lĩnh thị trường, giá phân bón sản xuất trong nước thường bán thấp hơn giá phân nhập khẩu, nhưng nghịch lý là giá thấp này không đến được tay nông dân do phải qua nhiều tầng nấc trung gian”, ông Thỏa bức xúc.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Giá, ngoại trừ một số ít DN tổ chức được mạng lưới phân phối đến tay nông dân, phần lớn còn lại có mạng lưới chồng chéo, vòng vèo, thậm chí rối loạn, không kiểm soát được.
Điều này đẩy chi phí lưu thông lên cao; trong khi cơ chế kinh doanh ngành hàng kém minh bạch nhiều khi khiến thị trường cạnh tranh bị lũng đoạn.Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá chưa được kiểm soát..., ông Thỏa nói.
Theo ông Thỏa, việc bao cấp giá nguyên-nhiên liệu đầu vào dẫn đến nhiều hậu quả. Đó là làm méo mó hệ thống giá của cả đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm phân bón, gây khó khăn cho việc cân đối của ngành sản xuất nguyên liệu cung ứng cho sản xuất phân bón, nhất là ngành khai thác than; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh về giá thị trường. Các DN nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thương vụ kinh doanh.
Ông Dũng cho rằng, nếu xóa bỏ bao cấp nguyên-nhiên liệu đầu vào, các DN sản xuất phân bón trong nước vẫn có được sản phẩm với giá tốt hơn giá nhập khẩu. Trên thế giới, người ta cũng sử dụng công nghệ, nguyên-nhiên liệu như chúng ta, nhưng để đưa về đến Việt Nam thì phải mất chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm rất lớn.
Trong khi chúng ta sản xuất và cung ứng tại chỗ nên không phải mất những chi phí kể trên; đó là chưa kể theo quy định, dù có bỏ bao cấp thì giá nguyên-nhiên liệu đầu vào của sản xuất phân bón tối đa cũng chỉ bằng 90% giá xuất khẩu, ông Dũng nói. Do đó, nhà sản xuất hoàn toàn có đủ điều kiện để bán với giá tốt hơn và người nông dân thực sự sẽ mua được giá tốt nhất bởi có sự bình đẳng trong việc cạnh tranh trên thị trường phân bón.
Ông Dũng cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ nông dân qua giá thu mua nông sản, làm sao để họ có lãi thì tốt hơn là bao cấp giá nguyên liệu đầu vào.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, Nhà nước sẽ thực hiện lộ trình xóa bao cấp để thực hiện cơ chế giá thị trường đối với kinh doanh phân bón. “Sẽ chọn thời điểm thích hợp để thực hiện và làm từng bước để tránh xáo trộn”, ông Thỏa nói. Tuy không xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của lộ trình xóa bỏ bao cấp, nhưng ông cho biết: Để thống nhất mức giá bán khí cho sản xuất phân bón, từ năm 2012 sẽ hòa đồng mức giá khí của mỏ Nam Côn Sơn và mỏ PM-3, lúc đó giá khí bán cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ là 6,43 USD/triệu BTU (tăng 40%) và mỗi năm cũng tăng thêm 2% trượt giá cho giai đoạn 2012-2015. |
(Theo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com