Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CEO Coca-Cola: “Làm ăn ở Trung Quốc dễ hơn ở Mỹ”

picture
Ông Muhtar Kent, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đồ uống Coca-Cola.

Ông Muhtar Kent, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng đồ uống Coca-Cola nhận xét, môi trường kinh doanh ở Mỹ đang trở nên kém thân thiện hơn so với ở Trung Quốc. Theo ông Kent, rào cản chính trị và cấu trúc thuế lỗi thời là những lý do khiến thị trường quê nhà của Coca-Cola suy giảm sức cạnh tranh.

Phát biểu trên tờ Financial Times, ông Kent cho rằng, “trên nhiều phương diện”, Coca-Cola đang cảm thấy dễ thở hơn khi làm ăn ở Trung Quốc, đồng thời so sánh quốc gia này với một công ty được quản lý tốt. “Trung Quốc đang áp dụng chính sách một cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền các địa phương ở nước này thì đua nhau thu hút vốn đầu tư”, ông Kent nói.

Ông Kent còn lấy Brazil như một ví dụ điển hình khác về một kinh tế mới nổi tạo sức hút đầu tư theo cách mà nước Mỹ đã từng làm trước đây.

“Những nước này đang học hỏi rất nhanh, trong khi phương Tây đã quên mất những gì đem đến thành công 20 năm trước. Ở Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới, chúng ta thấy họ chú ý đến những chi tiết về công việc kinh doanh vận hành ra sao và tạo công ăn việc làm như thế nào”, lãnh đạo Coca-Cola phát biểu.

Ông Kent lập luận rằng, các tiểu bang ở Mỹ không cạnh tranh đủ mạnh với nhau để thu hút các doanh nghiệp, trong khi các tỉnh thành của Trung Quốc cạnh tranh gay gắt để hút vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài. Ông cũng cho rằng, những nguyên tắc về ngân sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã tạo sức hấp dẫn đối với các công ty ngoại.

Trung Quốc hiện là thị trường chiếm 7% doanh số toàn cầu của Coca-Cola. Trong 6 tháng đầu năm nay, hãng này đã tiêu thụ được hơn 1 tỷ sản phẩm ở thị trường Trung Quốc, tăng gấp đôi so với cách đây 5 năm. Mặc dù Coca-Cola không báo cáo lợi nhuận ở từng thị trường quốc gia, theo hãng phân tích Bernstein Research, Trung Quốc chiếm khoảng 6% lợi nhuận hoạt động hàng năm của hãng này. Trong khi đó, Mỹ chiếm khoảng 41% doanh thu hàng năm và 19% lợi nhuận hoạt động của Coca-Cola.

Những nhận xét của CEO Kent về thị trường Trung Quốc và Mỹ được đưa ra 1 tháng sau khi Coca-Cola tuyên bố sẽ rót thêm 4 tỷ USD vốn đầu tư vào Trung Quốc trong 3 năm tới. Đầu tuần này, Coca-Cola công bố sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào thị trường Nga trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, hãng cũng tiếp tục đầu tư ở thị trường Bắc Mỹ, với kế hoạch chi 1,3 tỷ USD vốn đầu tư tài sản cố định trong năm nay.

2 năm trước, Bộ Thương mại Trung Quốc từng “nói không” với thương vụ mua lại trị giá 2,4 tỷ USD mà Coca-Cola nhằm vào một hãng đồ uống hàng đầu của nước này là Huiyan, với lý do vụ sáp nhập giữa hai hãng này sẽ gây tác động bất lợi với các công ty nhỏ của Trung Quốc và khiến người tiêu dùng nước này không có nhiều lựa chọn.

Gần đây, phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc áp đặt quá nhiều hạn chế đối với các công ty nước ngoài. Tuần trước, tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Gary Locke, còn lên tiếng chỉ trích nước này định giá đồng Nhân dân tệ thấp hơn so với giá trị thực, đồng thời không mạnh tay đối với nạn xâm phạm bản quyền. Nhưng CEO Kent của Coca-Cola lại cho rằng, gánh nặng thuế má và sự phân cực chính trị của Mỹ đang tạo ra những bất ổn trong môi trưởng kinh doanh và ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động đầu tư.

“Tôi tin là nước Mỹ chưa đạt tới một chính sách thuế của thế kỷ 21 cho người dân và cả doanh nghiệp”, ông Kent nói. Vị CEO này trực tiếp phê phán các điều khoản chính sách thuế của Mỹ nhằm vào số tiền mà các công ty Mỹ chuyển từ nước ngoài về nước.

“Nếu nói về một công ty Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài cùng với các đối tác Trung Quốc, Nga, châu Âu hay Nhật Bản, rõ ràng chúng tôi đang ở thế bất lợi. Một công ty Trung Quốc hay Thụy Sỹ có thể làm bất kỳ việc gì họ muốn, với tiền họ kiếm được ở nước ngoài. Nhưng khi chúng tôi đem số tiền đó về Mỹ, chúng tôi sẽ phải nộp một khoản thuế lớn”, ông Kent phát biểu.

Theo vị CEO này, các nhà làm luật Mỹ, vốn đang ở trong thế bế tắc chính trị, cần thể hiện rõ hơn vai trò trách nhiệm khi bàn bạc các biện pháp để giải quyết khó khăn kinh tế. “Khi một quốc gia khó khăn, quy trình chính trị không thể phân cực. Các chính trị gia của Mỹ cần gắn kết”, ông Kent nói.

(vneconomy)

  • FamilyMart không từ bỏ thị trường Việt Nam
  • Các phó chủ tịch Coca-Cola lên tiếng về nghi án chuyển giá ở VN
  • Myanmar, “sàn đấu” mới của Coca-Cola và Pepsi
  • Bước chân Huawei tại Việt Nam
  • Hãng bia lớn nhất thế giới sắp vào Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao