Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

10 sự kiện doanh nghiệp năm 2010

VnEconomy điểm lại 10 sự kiện tiêu biểu trong hàng loạt sự kiện của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2010.

1. Tái cơ cấu Vinashin

Việc cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ một loạt lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Vinashin và sau đó Chính phủ tiến hành các hoạt động tái cơ cấu tập đoàn này có thể xem là sự kiện tiêu biểu nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2010.

Tiêu biểu là vì Vinashin là một tập đoàn nhà nước lớn và đã nhận được nhiều ưu ái của Chính phủ nhưng lại kinh doanh không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ nặng nề và đứng trước nguy cơ phá sản, trước khi được “tái cơ cấu” để tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả khi được tái cơ cấu cũng như tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi mới, các khó khăn và thử thách rõ ràng vẫn đang còn chờ đợi tập đoàn này.

Vinashin cũng tiêu biểu bởi vì vượt ra khỏi giới hạn của một vụ việc cụ thể, đây có thể coi là điểm nhấn quan trọng để nhìn lại chính sách quản lý và phát triển các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung. Khi đã có một bài học rõ ràng, các chủ trương, chính sách liên quan đến khối doanh nghiệp này cần được rà soát lại một cách tổng thể để tránh được hoặc hạn chế bớt các thiệt hại từ những “Vinashin” khác trong tương lai.

2. Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh

Báo cáo cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2010 công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam mới đây ghi nhận sự lạc quan về triển vọng kinh doanh từ các doanh nghiệp trong nước.

Có đến 76% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra lạc quan hơn khi 80% cho biết về dự định này. Các doanh nghiệp ngành dịch vụ như công nghệ thông tin, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, luật… lạc quan hơn hẳn khi có gần 83% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới trong khi đối với các doanh nghiệp sản xuất là 73%.

Cơ sở cho các nhận định này là có tới 68% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam là thuận lợi và 59% doanh nghiệp cho rằng thị trường trong nước và khu vực sẽ tăng trưởng tốt.

Kỳ vọng lạc quan là một yếu tố hết sức quan trọng để tạo ra động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới. Điều này cho thấy ngay cả trong bối cảnh khó khăn còn chất chồng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có được sự chuẩn bị tích cực cho việc nắm lấy các cơ hội mới sau khủng hoảng để bước vào một giai đoạn phát triển mới.

3. Đề án 30 và sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp

Đề án 30 về cải cách hành chính (Đề án 30) được khởi động và nhanh chóng đem lại kết quả cụ thể ngay trong năm 2010 là một điểm nhấn quan trọng của năm 2010 từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. Lần đầu tiên, có một sự “ra quân” mạnh mẽ trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

Đáng nói là, việc thực hiện Đề án 30 không chỉ là công việc của các cơ quan Chính phủ, mà có sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Sự tham gia góp ý, phản biện của các hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp rất lớn cho thành công bước đầu của Đề án 30, thể hiện qua việc cắt bỏ hoặc đơn giản hóa hàng loạt thủ tục đã và đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi là liệu các kết quả của Đề án 30 sẽ được hiện thực hóa ra sao cũng như sẽ được “bảo vệ” như thế nào trong thời gian tới. Những bài học còn nóng hổi trong cuộc chiến với “giấy phép con” trong hàng chục năm qua sẽ là tham khảo cần thiết cho các giai đoạn tiếp theo của Đề án 30.

4. Doanh nghiệp tự in hóa đơn

Là một phần trong kết quả chung của Đề án 30, nhưng việc doanh nghiệp được tự in hóa đơn là một điểm đáng chú ý trong năm 2010.

Đây là bước ngoặt thực sự trong việc cải cách hành chính của ngành thuế, cho thấy thái độ cầu thị và hội nhập trong vấn đề hóa đơn. Theo quy định mới, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong vấn đề in và sử dụng hóa đơn, một việc từng lấy đi khá nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn, sử dụng hàng chục ngàn tờ hóa đơn mỗi năm.

Hiện tại, các công việc chuẩn bị của cộng đồng doanh nghiệp cho việc sử dụng hóa đơn tự in đã và đang hoàn tất. Dù đây đó còn những vướng mắc mang tính kỹ thuật như quá tải về in, các doanh nghiệp lúng túng về sử dụng… nhưng có thể thấy kết quả đạt được là rất ấn tượng.

5. Doanh nghiệp bất động sản gặp rắc rối với thay đổi chính sách

Các doanh nghiệp bất động sản đã trải qua một năm mỏi mệt với các thay đổi chính sách liên quan đến lĩnh vực này. Các thông tin liên quan đến quy hoạch được công bố và thay đổi liên tục, điển hình là thông tin về quy hoạch Hà Nội và việc phát triển “trục Thăng Long” đã khiến nhiều doanh nghiệp “rối” với các kế hoạch kinh doanh của mình.

Tiếp theo đó, cũng về vấn đề quy hoạch Hà Nội, việc tạm dừng một số dự án cũng khiến cho chủ đầu tư khốn đốn. Đáng nói là trong các câu chuyện này, quan điểm không nhất quán giữa các cơ quan quan lý nhà nước, cụ thể là Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, sau đó là Bộ Xây dựng với Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đã khiến cho các doanh nghiệp bất động sản thực sự lúng túng.

Có cảm nhận là thị trường bất động sản chịu sự quản lý của quá nhiều tầng nấc “quản lý nhà nước” và chịu tác động của quá nhiều văn bản hành chính, chưa thật sự dựa trên hệ thống quy định pháp luật, quy hoạch, kế hoạch hoàn chỉnh và đầy đủ.

6. Siết “làm giá” chứng khoán và tác động nhiều chiều đến doanh nghiệp

Việc bắt giữ và khởi tố ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông về hành vi thao túng giá chứng khoán được xem là cảnh báo cho việc các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay hơn với các tội danh về tài chính chứng khoán, điều ít thấy trong thời gian qua.

Tính điển hình của vụ việc không nằm ở quy mô mà là ở tính chất, khi ông Lê Văn Dũng là người đầu tiên bị khởi tố về tội danh này. Thông điệp từ cơ quan quản lý là rất rõ ràng và các doanh nghiệp đã và đang trở thành công ty đại chúng, đặc biệt là những công ty đang và sẽ niêm yết sẽ phải nhìn lại chính mình.

Tình trạng các doanh nghiệp có thể "làm xiếc" với giá chứng khoán có thể còn kéo dài, nhưng tác dụng “răn đe” từ vụ việc này là rất đáng kể. Vụ việc cũng cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh thị trường chứng khoán vốn đang chịu nhiều điều tiếng trong thời gian qua.

7. Doanh nghiệp thủy sản và rào cản thương mại quốc tế

Việc Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào “danh sách đỏ” cho thấy cuộc chiến với các rào cản trong thương mại quốc tế là hết sức phức tạp và sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho dù về lý thuyết thì với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tham gia vào một thị trường rộng lớn trên tinh thần tự do thương mại.

Sự việc cũng đặt lại vấn đề phối kết hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bốn năm gia nhập WTO cần được xem là trải nghiệm đáng kể để có được ứng xử nhanh nhạy, mạnh mẽ và thích hợp hơn trong các sự việc tương tự sau này.

8. Khởi động cuộc chiến chống chuyển giá của doanh nghiệp FDI

Việc khởi tố khách sạn Equatorial tại Tp.HCM về hành vi chuyển giá được xem là "phát súng lệnh" đầu tiên cho cuộc chiến với hành vi này của các doanh nghiệp FDI.

Từ lâu, chuyển giá được coi là hành vi phạm pháp và các văn bản pháp quy của Việt Nam đã có các điều khoản để điều chỉnh, tuy nhiên chống chuyển giá mới chỉ là việc hô hào chung chung. Nhưng với các động thái của cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, cũng như sự vào cuộc của cơ quan an ninh, câu chuyện chuyển giá đang bước sang một giai đoạn mới.

Trên 8.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đa phần là doanh nghiệp sản xuất, đang đối mặt với các đợt thanh kiểm tra của cơ quan thuế trong thời gian tới. Cuộc chiến với chuyển giá được dự báo là sẽ hết sức cam go khi nó đụng chạm trực tiếp đến “túi tiền” của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2011 có thể sẽ chứng kiến một loạt các doanh nghiệp bị xử phạt hoặc truy tố về tội danh này.

9. InnovGreen và chuyện giao đất rừng

Nhà đầu tư nước ngoài này gặp rắc rối với các dự án trồng rừng của mình khi vấn đề giao đất ồ ạt của các địa phương cho các nhà đầu tư được công luận đặt câu hỏi, thậm chí chủ đề này đã làm nóng cả diễn đàn Quốc hội.

Các vấn đề được quan tâm là giá thuê đất của nhà đầu tư quá thấp, việc triển khai dự án chậm và, nghiêm trọng hơn, liệu nhà đầu tư có mục đích nào khác ngoài chuyện thuê đất trồng rừng hay không khi mà nhiều dự án được thực hiện trên các khu vực “nhạy cảm” về an ninh quốc phòng.

Tranh cãi chắc chắn sẽ còn tiếp tục khi mà mới đây, InnovGreen trong một nỗ lực nhằm chứng minh sự “trong sáng” của mình đã có đề xuất về việc trả lại các khu đất “nhạy cảm” bằng việc nhận các khu đất mới để tiếp tục các dự án trồng rừng. Tuy nhiên, tương lai của các dự án cũng đang là dấu hỏi khi mà các địa phương sẽ phải cẩn trọng hơn trong các quyết định tiếp theo trước sức ép của công luận. Sự việc cũng đặt ra những câu hỏi mới về quá trình phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương, vấn đề bảo vệ và đối xử với nhà đầu tư nước ngoài…

10. Thông tư về quản lý giá và cuộc tranh cãi chưa có hồi kết

Thông tư 122 về quản lý giá và cuộc tranh cãi bất tận xung quanh văn bản này cũng xứng đáng được lựa chọn là một sự kiện tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp năm nay.

Tiêu biểu là vì văn bản này khi mới ở hình thức dự thảo đã bị phản đối mạnh mẽ nhưng cuối cùng vẫn được ban hành, và mặc dù đã ban hành và có hiệu lực rồi vẫn bị yêu cầu bãi bỏ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng giá cả là một yếu tố tối quan trọng trong hoạt động kinh doanh, vì vậy nó phải được “điều tiết” bởi cung cầu thay vì hành chính hóa. Hơn nữa, việc phải kê khai và báo cáo định kỳ về giá cả có thể ảnh hưởng tới bí mật kinh doanh, điều mà thông lệ quốc tế không cho phép.

Trước sức ép của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến phản hồi và trong thời gian tới Luật về giá sẽ được xây dựng để thay thế cho Pháp lệnh Giá hiện hành.

(Theo Vneconomy)

  • Xây nhà máy đầu tiên tại trung tâm điện lực lớn nhất miền Tây
  • Samsung Electronics năm 2011 dự kiến đầu tư 38 tỷ USD
  • Petrovietnam dừng phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế
  • Hợp nhất ba tổng công ty thủy sản
  • 10 năm Luật Doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân đang ở đâu?
  • Doanh nghiệp tại TP.HCM cần hơn 2 vạn cuốn hóa đơn đỏ
  • Cổ phần hóa 6 công ty con thuộc Tổng công ty Tập đoàn Sông Đà
  • Khan hiếm xăng, dầu: Đầu mối nói đủ, đại lý kêu thiếu!?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao