Không chỉ khối tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước cũng nợ đìa với tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu trung bình là 1,71 (theo Bộ Tài chính) - Ảnh minh họa. |
“Những sự thay đổi rất thú vị...”
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương tỏ ra đầy ẩn ý khi được hỏi về nhận định nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2013: “Hiện nay, tôi không dám đoán gì cả nhưng tôi tin kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến những sự thay đổi rất thú vị, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2013”.
Trên thực tế, tiếp nối tình trạng khó khăn năm 2011, từ đầu năm 2012 đến nay, những con số quá khiêm tốn vẫn tiếp tục được đưa ra: tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,38% so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng của toàn bộ nền kinh tế hầu như không tăng trưởng, hơn 30.000 doanh nghiệp bị giải thể hay tạm ngừng hoạt động tính đến hết tháng 7.
Những kết quả đáng thất vọng này xuất phát từ bối cảnh khó khăn chung ở trong và ngoài nước và cũng từ những chiến lược phát triển non kém của các doanh nghiệp Việt trong một thập kỷ trở lại đây. Câu chuyện này đã được mổ xẻ một cách khách quan tại Hội nghị đầu tư 2012 với tên gọi “Căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam” do Nhịp cầu Đầu tư tổ chức ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội vào trung tuần tháng 8.
Nô lệ của vốn ngân hàng
Bệnh đầu tiên được “thăm khám” là tình trạng lệ thuộc vốn ngân hàng của doanh nghiệp nội địa. Ông Võ Trí Thành tỏ ra e ngại về cơ cấu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng tới 30% lợi nhuận để tái đầu tư, còn doanh nghiệp Việt Nam thì con số này rất thấp; họ chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu qua cuộc khảo sát 647 doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán trong quý 2/2012 (đã loại trừ các ngân hàng và các công ty tài chính) là 1,53, cao hơn rất nhiều so với các công ty niêm yết tại Mỹ và Trung Quốc, với tỉ lệ lần lượt là 1,2 và 1,06.
Tình trạng vay nợ quá nhiều này đã diễn ra rộn ràng ngay từ đầu những năm 2000. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã trở thành con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp. Một mặt, nó góp phần gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp nếu khoản đầu tư có hiệu quả nhưng cũng sẽ xói mòn lợi nhuận nếu kinh doanh đi xuống. Đến khi Việt Nam đối mặt với khủng hoảng, mặt trái của đòn bẩy tài chính đã bộc lộ. Gánh nặng lãi vay, trong khi sản xuất đình đốn đã khiến một loạt các doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, hình thành những xác chết lâm sàng, mà tiêu biểu gần đây là Công ty Thủy sản Bình An.
Theo thống kê của ông Xuân Thành, những ngành kinh doanh có tỉ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu cao là xây dựng và bất động sản, năng lượng, nguyên vật liệu. Thấp nhất là ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp và hàng tiêu dùng. Đây là minh chứng rõ nét cho chu kỳ kinh tế Việt Nam vừa qua gắn liền với cơn mê muội bất động sản.
Không chỉ khối tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước cũng nợ đìa với tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu trung bình là 1,71 (theo Bộ Tài chính). Đáng chú ý là những tập đoàn, tổng công ty lớn lại là những doanh nghiệp có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khá cao như tập đoàn điện lực Việt Nam (tỉ lệ: 4,26), Sông Đà (8,85), Tập đoàn HUD (6,36), Petrolimex (6,29), Vinalines (4,27).
Và như một tất yếu, để đáp ứng nhu cầu vốn quá lớn của các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng đã không ngừng bành trướng về cả số lượng lẫn quy mô. Tính đến cuối năm 2011, quy mô vốn điều lệ của khối ngân hàng Việt Nam đã tăng hơn 9 lần so với cuối năm 2004. Tỉ lệ dư nợ tín dụng ngân hàng/GDP của Việt Nam trong các năm qua cũng tăng lên ở mức chóng mặt. Tỉ lệ này đã tăng từ mức thấp khoảng 40% vào những năm 2000 lên mức hơn 130% vào năm 2010; quá nhanh so với Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Nguồn vốn dễ dãi cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp nội địa đầu tư đa ngành vào những ngành nhiều rủi ro, nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán và đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi các lĩnh vực này đóng băng.
Và khi doanh nghiệp nguy khốn thì ngân hàng cũng lao đao. Dù trên báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu vẫn không cao nhưng theo ông Xuân Thành, các khoản mục nợ xấu đã được ngân hàng che giấu và chuyển sang các hạng mục khác như khoản phải thu, tài sản khác và nợ khác, khiến cho các hạng mục này tăng lên rất nhanh (dựa trên so sánh báo cáo tài chính năm 2011 và 2010 của 37 ngân hàng).
Tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu theo ngành kinh doanh
Đa ngành tốt hay xấu?
Trong khi ông Xuân Thành lưu ý về đầu tư đa ngành không hiệu quả như là lý do để các doanh nghiệp phải vất vả ngày hôm nay thì ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), lại đưa ra một cách nhìn cụ thể. Ông nói: “Hiện tượng đầu tư đa ngành diễn ra ở đa số các doanh nghiệp. Rất nhiều công ty lớn đầu tư vào ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Trong vòng 2 năm tới, theo tôi, có đến 90% công ty chứng khoán sẽ phải đóng cửa, chỉ có 5-7 công ty tồn tại lâu dài”.
Một ví dụ điển hình về hiệu quả hoạt động được ông Sơn đưa ra là hai công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Chứng khoán Sacombank (SBS) - trực thuộc ngân hàng Sacombank. Trong khi SSI tập trung vào các năng lực cốt lõi của mình là quản trị rủi ro, tự doanh, quản lý tài sản, dịch vụ ngân hàng đầu tư, đội ngũ nghiên cứu mạnh, môi giới cho khách hàng cá nhân lẫn tổ chức thì SBS lại làm ngược lại. Hệ quả là dù thị trường có khó khăn nhưng lợi nhuận của SSI không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, SBS đã bị lỗ và công bố lỗ cả ngàn tỉ đồng kể từ cuối năm 2011.
Ví dụ thứ hai là công ty Kinh Đô và Vinamilk. Kinh Đô do đầu tư vào bất động sản thiếu hiệu quả nên sức phát triển đã bị giảm đáng kể trong những năm gần đây. Ước tính từ năm 2007 đến nay, Kinh Đô đã rót khoảng 13% tổng tài sản vào các dự án bất động sản. Hiệu quả sử dụng vốn thể hiện qua chỉ số lợi nhuận/vốn (ROE) của Kinh Đô hiện chưa tới 10%, xấp xỉ mức của năm 2007. Trong khi đó, tính từ năm 2007 đến nay, chỉ số này của Vinamilk đã tăng gấp đôi, gần 40%.
Ông Nam Sơn cho rằng, sai lầm do đầu tư đa ngành bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là Hội đồng Quản trị và Ban điều hành hoạt động thiếu hiệu quả do thiếu kinh nghiệm và kiến thức, lạm quyền và chưa có tính độc lập khi ra các quyết định. Thứ hai là không vạch ra được chiến lược đầu tư và tài chính dài hạn, không am hiểu thị trường mình kinh doanh.
Một góc nhìn nhỏ để chứng minh cho luận điểm trên là khi ông Nam Sơn so sánh mô hình Hội đồng Quản trị tiêu biểu của Công ty Capital Land (Singapore) với đa số các công ty Việt Nam. Dễ thấy là những người lãnh đạo Capital Land từ Chủ tịch cho tới Tổng Giám đốc đều hơn 60 tuổi. Họ hầu hết đều có bằng cấp trung bình là Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ kinh tế đồng thời có nhiều năm làm việc cho các tập đoàn toàn cầu như Shell, ngân hàng Goldman Sachs, Deutsche Bank. Trong khi đó ở Việt Nam, hầu hết các thành viên lãnh đạo đều ở độ tuổi trung bình là 32, chưa có kinh nghiệm làm việc ở môi trường tài chính toàn cầu hoặc tốt nghiệp những ngành không liên quan đến tài chính và làm việc nhờ ưu thế người thân của lãnh đạo cấp cao.
Đó là chưa kể đến việc ban quản trị thiếu chiến lược tài chính và chiến lược thị trường dài hạn. “Không nhiều doanh nghiệp vạch ra kế hoạch kinh doanh dài hạn từ 5 năm đến 10 năm mà chỉ 1 năm”, ông Nam Sơn nhận xét.
Tuy vậy, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty DOJI, người sở hữu 6 công ty con và hoạt động đa ngành khá thành công trong các lĩnh vực trang sức, nhà hàng, khoáng sản, khu công nghiệp, thương mại, băng vệ sinh lại cho rằng, vấn đề không phải có nên đầu tư đa ngành hay không mà là phải chọn cách thức đầu tư đa ngành hợp lý để tạo hiệu quả kinh doanh cao nhất. Vì thế, ông cho biết khi bước vào lĩnh vực nào, ông cũng đều khá thận trọng. Ông Minh Phú chia sẻ rằng chưa bao giờ có ý định sẽ dùng tiền của ngân hàng Tiên Phong (một ngân hàng mà ông và em trai đã mua lại gần đây) để tài trợ cho các công ty con khác. Và với các công ty của mình, ông cũng không có ý định biến chúng thành công ty gia đình.
“Tôi không tán thành chuyện mua ngân hàng để dùng nó vào các mục đích đầu tư khác. Điều này vô cùng rủi ro về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, nếu để tình trạng xảy ra sở hữu chéo giữa các công ty và ngân hàng, có thể chúng ta sẽ đối mặt với nhiều kết cục bi thảm”, ông Minh Phú nói.
Dù vậy, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, vẫn cho rằng Việt Nam nên xem xét cách làm của Hàn Quốc. Đó là những ông chủ đã sở hữu ngân hàng không được phép sở hữu những doanh nghiệp khác.
Bất động sản sẽ chết trong vòng 2 năm tới
Phần lớn các công ty hoạt động đa ngành đều dính đến bất động sản và đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị. “Trong vòng 2 năm tới, đa số các công ty bất động sản sẽ bị phá sản”, ông Nam Sơn dự báo.
Điển hình của sự khốn khó là thị trường nhà ở. Các căn hộ cao cấp liên tục được các chủ đầu tư hạ giá nhưng vẫn không có người mua. Tình trạng này buộc nhiều chủ đầu tư phải trì hoãn các dự án đang thực hiện, như dự án Saigon Residences, Saigon - M&C và New Pearl. Và không chỉ thị trường nhà ở mà cả thị trường văn phòng cũng vô cùng ảm đạm. Trong 2 năm gần đây, nguồn cung mỗi năm tại thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội luôn cao hơn mức 30%/năm. Ước tính đến năm 2014, nó sẽ đạt con số 2 triệu m2 và tỉ lệ diện tích trống sẽ hơn 40%, dù thị trường có hấp thụ tốt đến đâu đi nữa. Giá thuê văn phòng cũng giảm liên tục trong 11 quý gần đây.
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ sẽ khó hồi phục nhanh. “Chu kỳ lạm phát những năm gần đây cho thấy, độ trễ từ khi lạm phát và lãi suất giảm xuống còn dưới 10% cho đến khi thị trường căn hộ hồi phục là 6 tháng”, ông Townsend nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cơ điện REE, cho rằng bất cứ doanh nghiệp ở lĩnh vực nào nếu muốn làm bất động sản đều phải có hiểu biết về ngành này. Đất đai ở Việt Nam do được cấp theo cơ chế xin-cho nên doanh nghiệp nào “chạy” nhiều thì được nhiều. Tăng trưởng nóng cùng với tín dụng khá dễ dãi đã dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã đứng trước những rủi ro lớn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty bất động sản Việt Nam là 120%, so với mức trung bình 45% của doanh nghiệp cùng nghề trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, hệ số nợ/lợi nhuận trước thuế và lãi vay của một số doanh nghiệp ngành này đã ở mức 10 lần như các doanh nghiệp Phát Đạt, Sacomreal, Quốc Cường Gia Lai, Đầu tư Kinh Bắc. Trong khi đó, rủi ro phá sản nếu thị trường diễn biến xấu với chỉ số này là khoảng 6 lần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp lỡ dính vào bất động sản cần phải rút nhanh ra khỏi thị trường này.
Theo ông Nam Sơn, phải giảm giá bán thêm 50% nữa để bằng với mức giá chung của các nước châu Á. Nghiên cứu của ông ở thị trường Việt Nam cho thấy, giá bán căn hộ chỉ nên từ 60.000 - 100.000 USD/căn. Chủ đầu tư cũng phải giảm chi phí xây dựng, trang thiết bị phải đẹp và phải giảm diện tích căn hộ. Nhìn sang thị trường Bangkok sẽ thấy hơn 90% số căn hộ mới xây đều có diện tích nhỏ hơn 50 m2.
Rất có thể 5 năm nữa thị trường bất động sản mới phục hồi và 2 năm tới là khoảng thời gian khó khăn nhất. Theo ông Townsend, để giải phóng hàng tồn, các chủ đầu tư cần phải bán tháo.
“Tại Bangkok có nhiều dự án phải treo với thời hạn lên đến 10 năm và các dự án của Việt Nam cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ rằng cách để chủ đầu tư bất động sản thoát nhanh khỏi các dự án là treo biển bán tháo và bán càng nhanh càng tốt”, ông nói. Tuy nhiên, không phải dễ dàng để bán tháo. Rất nhiều chủ dự án ở Việt Nam vẫn còn nặng tâm lý “bán là thất bại” hay mất thể diện, nên chưa thực sự thoải mái khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư hay các đơn vị môi giới. Vì thế, cách cuối cùng để thoát khỏi thị trường hiện nay là không làm gì cả. “Hãy đi du lịch hoặc chơi golf. Thời gian này là không thuận lợi để kinh doanh bất động sản và chắc chắn lợi nhuận cũng không còn cao”, ông nói bông đùa.
Vốn ơi, khó quá!
Khi căn bệnh được đưa ra, phương thức nào sẽ chữa được bệnh? Ông Dominic Price, Tổng Giám đốc JP Morgan Việt Nam, khuyến nghị: trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn non trẻ (quy mô giao dịch khoảng 25-30 triệu USD/ngày) cộng với việc hạn chế tăng trưởng tín dụng trong nước thời gian qua, huy động vốn quốc tế là một trong các giải pháp tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Biểu hiện tích cực đầu tiên có thể thấy là từ các thương vụ mua bán và sáp nhập năm ngoái với hơn 260 vụ, tổng giá trị gần 3,7 tỉ USD. Các ngành nhộn nhịp nhất là công nghiệp chế biến (chiếm tỉ lệ 24% năm 2011), hàng tiêu dùng nhanh (20%), nguyên vật liệu (16%), ngân hàng (15%) và bất động sản (8%).
Hai là, các doanh nghiệp trong nước có thể huy động vốn quốc tế thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu, phát hành trái phiếu chuyển đổi, vay vốn có bảo lãnh và không bảo lãnh hoặc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Ông Trương Đình Tuyển, cũng đồng ý với giải pháp doanh nghiệp nên tìm vốn quốc tế. Nhưng cùng với ông Võ Trí Thành, ông dự báo sẽ có rất ít doanh nghiệp tìm được vốn theo cách này vì thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước chưa hình thành, việc phát hành trái phiếu ra quốc tế còn phụ thuộc vào uy tín quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp. Vingroup chỉ là số ít các doanh nghiệp đã thành công khi phát hành trái phiếu tại Singapore.
Để xây dựng một thị trường trái phiếu trong nước thành công, theo ông Thành, cần phải kiên nhẫn và thực hiện từng bước, với thời gian từ 7-10 năm.
Đứng ở góc độ vĩ mô để phân tích vốn doanh nghiệp, ông Tuyển cho rằng, với thói quen xem vốn ngân hàng là chủ yếu thì các doanh nghiệp cần hiểu rằng tín dụng tiếp tục không đi ra được nền kinh tế, một phần là do nhu cầu giảm. Ngược lại, những doanh nghiệp có khả năng tiếp tục kinh doanh thì nợ xấu lớn nên chắc chắn cũng sẽ không tiếp cận được vốn.
(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com