Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế chính sách của DN và Hiệp hội không những góp phần cùng với Nhà nước xây dựng môi trường thể chế, luật pháp của quốc gia hoàn thiện, nghiêm minh, lành mạnh, mà còn giúp cho chính các DN chủ động tạo ra sân chơi thông thoáng, thuận lợi cho sự phát triển của chính DN.
DN cần chủ động tham gia góp ý ngay từ khi cơ chế chính sách đang được soạn thảo và lấy ý kiến
Đối với Nhà nước, việc Hiệp hội cùng các DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế chính sách là góp phần xây dựng môi trường thể chế, luật pháp của quốc gia hoàn thiện, nghiêm minh, lành mạnh, là nhân tố then chốt để quản lý tốt nền kinh tế-xã hội, và là điều kiện để đất nước hội nhập và phát triển bền vững, ổn định.
Chúng ta đều biết rằng, một môi trường pháp lý đầy đủ, rõ ràng và phù hợp với thực tế khách quan là cơ sở để Nhà nước quản lý nền kinh tế và xã hội hiệu quả, công bằng và minh bạch. Nhờ vậy nó tạo ra sự ổn định và trật tự trong xã hội và là điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững. Trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến sự khiếm khuyết, sự thiếu rõ ràng, cũng như sự không phù hợp thực tế của một số chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính... khiến cho những chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính đó không triển khai được, hoặc triển khai không hiệu quả; tạo ra các khó khăn trong hoạt động kinh tế, trong khi đó lại tạo ra những kẽ hở cho các hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật v.v...
Trong những năm gần đây, với sự cải cách trong công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, môi trường pháp lý của VN đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn trong các hoạt động kinh tế, đầu tư của DN, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thị trường chứng khoán... Vì vậy môi trường thể chế luật pháp của chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, để tạo hành lang pháp lý ổn định và thuận lợi cho kinh tế đất nước nói chung và DN nói riêng phát triển.
Đối với các DN, việc các DN tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế chính sách là chủ động tạo ra sân chơi thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của chính mình, cho doanh nghiệp mình và cho xã hội.
Các DN hơn ai hết là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ chế chính sách, hàng ngày hàng giờ phải đưa ra các quyết định quản lý và kinh doanh phù hợp với các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, DN là người hiểu rõ hơn ai hết về những thuận lợi, khó khăn do cơ chế chính sách tạo ra đối với DN mình, đối với ngành, lĩnh vực hoạt động của mình, và nhiều khi hiểu rõ và sâu hơn cả những người viết ra cơ chế chính sách đó. Vì vậy, DN cần phải nêu ra những khó khăn, bất cập của cơ chế chính sách, các kiến nghị cải tiến cơ chế chính sách trong lĩnh vực hoạt động của mình để tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, nhằm cải tiến cơ chế chính sách cho phù hợp hơn với thực tế cuộc sống và thuận lợi hơn cho hoạt động của DN.
Đối với các cơ chế chính sách đã ban hành, việc cải tiến thường khó khăn và mất thời gian hơn vì cần có một thời gian trải nghiệm thực tế, tổng kết, rút kinh nghiệm, trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung... Trong khi đó, các DN có thể ngay lập tức phải chịu tác động của cơ chế chính sách từ khi nó ban hành và có thể phải chịu thiệt hại do cơ chế chính sách đó gây ra. Chính vì vậy, cách tốt nhất đối với các DN là chủ động tham gia góp ý ngay từ khi cơ chế chính sách đang soạn thảo và lấy ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội.
Đối với hiệp hội, việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế chính sách là phát huy vai trò đại diện cho DN; thực hiện chức năng cầu nối giữa DN và Nhà nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của các DN hội viên; Nâng cao vai trò và vị thế của hiệp hội trước hội viên và trước các cơ quan chính quyền của Nhà nước.
Hiệp hội là tổ chức đại diện cho các DN hội viên, vì vậy, tiếng nói của hiệp hội là tiếng nói tập thể, mang tính khách quan và có sức mạnh hơn nhiều so với tiếng nói của một DN riêng lẻ. Việc các DN góp ý kiến thông qua hiệp hội thể hiện tính tổ chức cao, sự đồng thuận và nhất trí chung của nhiều DN, không phân biệt ý kiến của một doanh nghiệp riêng lẻ nào.
Hiệp hội có thể tập hợp ý kiến của nhiều DN hội viên trong cùng một ngành nghề, về cùng một vấn đề. Do đó ý kiến của hiệp hội sẽ sâu và chính xác, khách quan hơn. Hiệp hội cũng có thể tập hợp ý kiến các DN từ nhiều ngành nghề khác nhau, về nhiều vấn đề khác nhau. Vì vậy, ý kiến của hiệp hội toàn diện, bao quát hơn ý kiến của từng DN do nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau và có xét đến sự liên quan giữa các vấn đề với nhau.
Mặt khác, Hiệp hội có Ban chuyên môn và chuyên gia chuyên nghiên cứu, phân tích và tư vấn các vấn đề về luật pháp (một điều không phải DN riêng lẻ nào cũng có được). Vì vậy ý kiến tổng hợp từ các DN sẽ được nghiên cứu, phân tích đầy đủ và được đưa ra cùng với những lý lẽ thuyết phục và những bằng chứng xác đáng. Vì vậy các ý kiến góp ý của hiệp hội có thể dễ dàng được các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách chấp nhận.
(Hoàng Long Quang - Chủ tịch HĐQT - TCty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hà Nội (HBA))
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com