Ngày 7-4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) về những vướng mắc, khó khăn của DN. Hầu hết ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều cho rằng, vốn và lãi suất đã trở thành gánh nặng, nếu không tháo gỡ sớm sản xuất kinh doanh sẽ bị co lại.
Lãi suất đang là gánh nặng của doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG |
Lãi suất “ăn mòn” lãi gộp
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Quách Tố Dung, TP hiện có đến hơn 80% DN nhỏ và vừa (NVV) có đặc điểm vốn rất thấp, nhu cầu vay vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh rất lớn nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn là rất khó khăn. Hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN của Ngân hàng Phát triển VN còn mờ nhạt, chủ yếu tập trung cho các dự án công, dự án cải thiện môi trường, chưa chú trọng đến việc tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cũng cho rằng, đa số các DN trong hiệp hội đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Thủ tục giải ngân vốn vay dài hạn đầu năm 2010 phức tạp hơn vì ngân hàng yêu cầu quá nhiều chứng từ. Trong khi đó, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu, nên càng làm cho DN lúng túng. Với các DN vay được vốn thì phải chịu mức lãi suất quá cao, trở thành gánh nặng cho DN.
Thực tế, hầu hết nhà sản xuất, kinh doanh đang gồng mình chịu chi phí đầu vào, nhưng giá bán ra của sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp lại đang có chiều hướng giảm khá mạnh vì nhiều lý do.
Ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn chứng minh, hiện nay giá thành 1kg heo hơi là 32.000 - 33.000 đồng/kg nhưng giá bán ra cũng chỉ dừng ở mức này. Vấn đề này rất đáng lo ngại vì khi kinh doanh không có lãi, DN không thể mở rộng đầu tư. Do vậy nếu không có biện pháp giải quyết đầu vào một cách căn cơ thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị chựng lại.
Đại diện Saigon Co.op cũng cho rằng, trong bối cảnh Saigon Co.op đang tìm mọi cách để bình ổn giá, còn lãi suất của ngân hàng đang đứng ở mức cao ngất ngưởng, vô hình trung lãi suất đã và đang “ăn” hết lãi gộp của DN. Ông Nguyễn Quang Tiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành lo lắng khi cho rằng, với mức lãi suất lên tới 17% - 18%/năm thì tất cả các phương án đầu tư của DN khi đặt lên bàn cân đều chào thua!
Nên ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu
Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên ở cấp độ vĩ mô cần phải tính toán lại vì nếu lãi suất “nóng” quá, các ngân hàng chỉ cần cho vay vốn qua lại với nhau, vừa hiệu quả vừa an toàn. Điều này đồng nghĩa vốn sẽ không chảy vào các DN, kinh tế sẽ không có sức sống.
Các hiệp hội cũng cho rằng, đã đến lúc xem xét, điều chỉnh giảm dần mặt bằng lãi suất, lãi suất cho vay trung và dài hạn nên ở mức dưới 12%/năm. Cần ưu tiên dành tín dụng ưu đãi cho DN sản xuất hàng xuất khẩu và dành quỹ ngoại tệ cho DN xuất khẩu vay để nhập khẩu nguyên liệu, máy móc phục vụ sản xuất trong nước. Tăng cường hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DN của Ngân hàng Phát triển VN. Rà soát và đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn tại các ngân hàng. Điều quan trọng hơn cả là các giải pháp, quản lý điều hành tài chính, tiền tệ quốc gia nên mang tính chiến lược dài hạn hơn, tạo niềm tin cho người dân và cho DN.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các nội dung này sẽ được bóc tách cụ thể, ý kiến nào thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP sẽ được giải quyết ngay. Các kiến nghị thuộc các bộ, ngành sẽ được báo cáo tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP và các DN TPHCM với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ Tài chính, Công thương để giải quyết khó khăn cho DN vào ngày 10-4.
“Cùng với Chính phủ, TPHCM đang phải thực hiện cùng một lúc 2 nhiệm vụ chiến lược, vừa kiềm chế lạm phát vừa đảm bảo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định an sinh xã hội. Để thực hiện được nhiệm vụ này, lãnh đạo TP sẽ tổ chức các buổi làm việc trực tiếp tại các DN để nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời khó khăn về vốn, cơ chế chính sách cho DN. Nếu TP và DN có quyết tâm thì chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
“Bơm” vốn để kéo lãi suất xuống mức 14%/năm Tại cuộc họp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, hiện đã có 4 ngân hàng lớn (gồm Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Đầu tư Phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cam kết việc giảm lãi suất ở mức 14%/năm trong tuần tới. Trong trường hợp các ngân hàng khó khăn do thiếu vốn, Nhà nước sẽ bơm vốn với lãi suất 7,5%/năm. Với cách làm này, theo ông Hạnh sẽ tạo điều kiện cho các DN kéo thấp lãi suất xuống trong thời gian tới. Nhiều DN cho rằng, để tạo sự bình đẳng, Nhà nước nên bơm vốn cho tất cả các ngân hàng để tạo mặt bằng lãi suất cạnh tranh và như vậy các DN nhỏ và vừa mới có điều kiện tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp. |
(Theo Thúy Hải // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com