Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp dệt may: Không dễ mở thị trường mới

Làm hàng xuất khẩu tại Công ty may 10 - tinkinhte.com
Làm hàng xuất khẩu tại Công ty may 10

Sụt giảm nhập khẩu của những thị trường truyền thống do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải tìm đến các thị trường mới hoàn toàn chưa có hoặc mới thưa thớt bóng dáng hàng dệt may Việt Nam.

Đó là một nỗ lực quan trọng nhằm vượt qua những khó khăn do sụt giảm nhập khẩu của nhiều thị trường truyền thống - một hệ quả tất yếu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Mở thị trường mới

Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã chính thức khai trương tổng đại lý đầu tiên của mình tại Campuchia hồi cuối tháng 10 vừa qua. Ông Phan Văn Kiệt - Phó Tổng giám đốc Việt Tiến cho hay, qua nghiên cứu thị trường, công ty đã nhận ra rằng Campuchia đang phát triển và có nhu cầu về hàng may mặc cho giới văn phòng gần giống ở Việt Nam vài năm trước. Cùng với việc mở tổng đại lý đầu tiên, Việt Tiến sẽ đưa hàng vào Campuchia với các thương hiệu ở đủ các phân khúc: trung cấp như nhãn hiệu Việt Tiến hiện tại; giá rẻ dành cho những người thu nhập thấp như thương hiệu mới sắp được ra mắt là Việt Long; đồng thời có cả các mặt hàng giá thật cao như Sanciaro, Manhattan.

20 USD cho 1 kg là mức thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Nga.

Bên cạnh Campuchia, ông Kiệt cũng cho hay, trong năm nay Việt Tiến sẽ mở  thêm tổng đại lý của mình tại Lào và tiếp đó là  Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan trong năm 2010. Sự có mặt của Việt Tiến, một trong những doanh nghiệp được xem là đầu đàn của ngành may mặc, tại Campuchia và sắp tới là các nước khác trong khối ASEAN có thể xem là một đột phá đáng kể với thị trường khu vực này. Tuy vậy, ông Nguyễn Sơn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường khu vực ASEAN không lớn, do thuế thời gian gần đây đã giảm nhiều. Trên thực tế, việc mãi đến tận thời điểm này các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới bắt đầu chú ý tới các thị trường “láng giềng” cũng cho thấy sức hấp dẫn của các thị trường này là chưa lớn.

Thậm chí, ngay cả các thị trường như Nga hay châu Phi bấy lâu vẫn được ngành dệt may nhắc tới như một lối thoát nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt trong giai đoạn nhập khẩu của các thị trường truyền thống giảm sút, cũng không phải dễ dàng.

Nhà máy Nguyễn Thị Minh Khai tại Thủ đô Vientiane của Lào

Theo ông Sơn, do Nga chưa phải là thành viên của WTO nên khi xuất khẩu vào Nga, hàng dệt may của ta vẫn phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn so với các thị trường khác, tới 20 USD/kg sản phẩm. Đó là chưa kể việc thanh toán không qua ngân hàng khiến doanh nghiệp muốn vào đây phải chấp nhận những rủi ro khá lớn. Điều đó đã khiến những doanh nghiệp dệt may lớn, có năng lực, có tên tuổi ngại ngần. Trong khi đó, với các doanh nghiệp nhỏ hơn thì do vốn và tiềm lực cũng hạn chế nên lại càng không dám mạo hiểm.

Riêng với châu Phi, dù nhu cầu của thị trường này rất lớn, nhưng ông Sơn cũng cho rằng rủi ro rất cao bởi phần lớn bán hàng chịu chứ đối tác không có tiền thanh toán ngay, hoặc bán hàng thu bằng nội tệ của bạn rồi đổi sang ngoại tệ để mang về cũng có nhiều hạn chế. Tất nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, nhìn từ một góc độ khác, việc chưa mặn mà với các thị trường mới như Nga, châu Phi thì ngoài lý do hiệu quả kinh tế không cao, còn có lý do tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự “dư dả”.

Không quên chăm chút các thị trường truyền thống

Không đặt nặng việc tìm kiếm các thị trường mới để thay thế các thị trường truyền thống, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho rằng, nên quan tâm nhiều hơn tới các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản để gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngay từ chính các thị trường này.

Theo bà Huyền, mọi người vẫn nói nhiều tới câu chuyện khủng hoảng là phải tìm thị trường mới, nhưng phải nhìn thấy rằng ở các thị trường phát triển nhất hàng dệt may Việt Nam đã có mặt và các thị trường còn lại như châu Phi được xem là chưa phát triển. Nếu cứ lao vào các thị trường lạc hậu thì làm sao nâng cao được chất lượng của sản phẩm và sản xuất! “Đã kém phát triển thì người tiêu dùng chi tiêu cũng hạn chế” - bà Huyền nói.

Nhận xét này không phải là không có cơ sở, bởi thực tế tuy có tiếng là “đã vào được thị trường Hoa Kỳ” nhưng không phải hàng may mặc Việt Nam đã có mặt ở tất cả các bang của Hoa Kỳ. Đối với thị trường châu Âu cũng vậy. Dù đã khai phá gần hai chục năm nhưng cho tới nay hàng dệt may Việt Nam cũng mới xuất khẩu tập trung vào một số nước EU “cũ” như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan chứ chưa phải là toàn bộ các nước trong khối này, trong khi giờ đây thị trường EU được mở rất rộng với các thành viên mới. Còn thị trường được xem là “khó tính” như Nhật Bản, tuy số lượng có nhỏ hơn hai thị trường kia nhưng lại sẵn sàng trả giá cao cho các yêu cầu cao (mà chưa nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng được).

Trên thực tế, sự hồi phục hiện nay của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ hay việc có hiệu lực của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) mới đây đã ngay lập tức tác động tới sự tăng trưởng về đơn hàng lẫn kim ngạch của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Đã có những doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín cao không hồ hởi chấp nhận tất cả mà chỉ lựa chọn những đơn hàng tốt, có giá trị cao để làm.

(Theo Hương Anh // Báo Doanh nhân)

  • Apple “lên giá” sau tin đồn về máy tính bảng Tablet
  • Thêm một thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới đã có mặt tại VN
  • Vietnam Airlines đạt vị thế cạnh tranh tại Hàn Quốc
  • Nhà máy thép Thái Hưng - Hải Dương: Dân có bắt tay cùng DN?
  • Hãng phát thanh hàng đầu của Mỹ xin bảo hộ phá sản
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tiếp tục tạm ngừng hoạt động
  • Lạc Việt giới thiệu giải pháp quản trị chi phí thấp
  • Google - Apple: Cuộc chiến mới của làng công nghệ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao