Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, 3 tháng đầu năm, có 76 dự án FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo được cấp chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD. Nếu tính cả 200 triệu USD của 30 dự án tăng vốn, thì cả vốn đăng ký và cấp mới trong lĩnh vực này của quý đầu năm nay là khoảng 1,55 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong vòng 3 tháng qua.
Quan trọng hơn, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng qua, vốn FDI giải ngân vẫn rất tích cực, đạt 2,54 tỷ USD, cao hơn cả con số 2,37 tỷ USD vốn đăng ký.
"Nhiều người lo vốn FDI đăng ký mới không cao, nhưng bù lại, vốn giải ngân vẫn rất tích cực. Khi các dự án trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đi vào hoạt động, sẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất, tạo hàng hóa cho thị trường Việt Nam", GS- TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 10,457 tỷ USD (tính cả dầu thô) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đang xuất siêu gần 1 tỷ USD (nếu không tính dầu thô, vẫn nhập siêu 588 triệu USD). Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước đã nhập siêu tới gần 4 tỷ USD.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, cuối năm ngoái, Bộ Công thương đã đánh giá cao xu hướng xuất siêu của các doanh nghiệp FDI. Khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khối này đã dần đi vào thực chất hơn. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã khẳng định, các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, đặc biệt là trong nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến.
“3 tháng đầu năm, nhập siêu của Việt Nam đã giảm dần so với trước, trong khi Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn của thế giới lại bắt đầu nhập siêu. Đây là một chiều hướng rất tích cực và có sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Theo phân tích của GS-TSKH. Nguyễn Mại, thì Việt Nam đang nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nên nếu khuyến khích các doanh nghiệp FDI và cả trong nước đầu tư sản xuất những mặt hàng đó thì sẽ giảm dần được nhập siêu.
Trên thực tế, đây cũng là điều được nhắc tới lâu nay. Không chỉ nhập hàng tiêu dùng, Việt Nam đang phải nhập khẩu rất lớn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Và nguyên nhân, đó là vì Việt Nam chưa hề có công nghiệp phụ trợ.
Thiếu công nghiệp phụ trợ, nên dù chỉ 1 tháng trước đây, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) hồ hởi thông báo đạt mốc xuất khẩu 2 tỷ USD và đang hướng tới con số 3 tỷ USD trong năm nay, song dư luận luôn băn khoăn về giá trị ròng của các lô hàng xuất khẩu này. Và khi các nhà sản xuất điện thoại di động khác, như Foxconn, hay Nokia đi vào hoạt động, chắc chắn những câu hỏi tương tự cũng sẽ được đặt ra.
Liên quan tới vấn đề này, một thông tin rất đáng chú ý, đó là có thể, tháng 5 tới, nhà đầu tư Emerson (Mỹ) sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). ÔngĐoàn Duy Linh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đã xác nhận thông tin này với Báo Đầu tư.
Kịch bản lạc quan là, khi nhà máy trị giá 20 triệu USD của Emerson, nhà sản xuất đang chiếm lĩnh 40% thị phần thế giới các loại pin điện thoại, máy tính..., đi vào hoạt động, sẽ góp phần giảm lượng linh kiện mà các nhà đầu tư khác phải nhập khẩu.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com