Công nhân một công ty nhựa ở TPHCM đổ hạt nhựa vào máy ép. Nếu bị cúp điện toàn bộ số nguyên liệu này chỉ còn cách bỏ đi. Ảnh: Uyên Viễn. |
Việc cúp điện đột xuất, cúp luân phiên hoặc cúp thường xuyên… đã trở thành chuyện thường ngày của các doanh nghiệp vào mỗi dịp hè. Cúp điện, quy trình sản xuất bị xáo trộn, máy móc trục trặc, sản phẩm hư hao, phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp…
Nỗi khổ chung Một buổi sáng, trong lúc công nhân của Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Mỹ Ngọc, quận 5, TPHCM, chế biến sắp xong mẻ nhân của các loại bánh trứng nướng, bánh pía, kẹo thèo lèo… thì đột nhiên điện bị cúp. Hơn một trăm lao động của công ty ngao ngán ngồi chờ điện. “Hàng trăm ki lô gam nhân bánh pía làm bằng đậu xanh, sầu riêng, thịt mỡ… chuẩn bị cho vô lò nướng thành phẩm phải đình lại. Nếu hơn nửa tiếng nữa mà chưa có điện trở lại thì nhân bánh sẽ bị chua, hư hết lô hàng”, người đại diện công ty cho biết. Từ đầu mùa hè đến giờ, khoảng một tháng nay, chuyện điện cúp đột xuất ở Công ty Mỹ Ngọc diễn ra gần như thường xuyên. Công ty có năng lực sản xuất trung bình 1,2 tấn bánh/ngày, nhưng thời điểm này thường rơi vào thế bị động, sản lượng bánh không đủ cung ứng cho khách. Cũng theo đại diện của Công ty Mỹ Ngọc, điều khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn là việc cúp điện không có một lịch trình cụ thể. “Khi họ thông báo cúp cả ngày thì chỉ mới nửa ngày đã có điện, lúc này không thể huy động đủ số công nhân đến làm việc, năng suất bị giảm một nửa. Lúc khác họ thông báo cúp điện nửa ngày nhưng mãi đến gần 4 giờ chiều mới có điện trở lại khiến mọi việc bị đình trệ. Chỉ mới trong tuần rồi, điện cúp liên tục trong hai ngày 2 và 5-6, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều”, người này nói. Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, điện bị cúp đến ba ngày trong một tuần, khiến công ty bị giảm đến 50% công suất. Theo một thành viên trong ban giám đốc công ty, việc cúp điện khiến khâu chế biến suất ăn công nghiệp, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản các loại của Cholimex bị hư hao nhiều trong quá trình chế biến, trữ đông. Ông Nguyễn Văn Nhựt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt-Nhật, cho biết lúc trước nhà đèn còn có thông báo trước, nhưng nay muốn cúp là cúp, có hôm cúp nửa ngày, có hôm cúp nguyên ngày. Những hôm bị cúp điện đột xuất, doanh nghiệp phải chạy khắp nơi để gom đá về để bảo quản hàng hóa, chất lượng sản phẩm qua đó cũng giảm theo. “Hiện đơn hàng của công ty khá nhiều, với tình hình điện cúp liên tục và không có thông báo trước như hiện nay, công ty sợ không kịp tiến độ giao hàng theo hợp đồng cho khách, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Ước tính thiệt hại do cúp điện trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm tuần rồi của công ty khoảng 69 triệu đồng/ngày, chưa tính đến lượng hàng hóa bị hao tổn”, ông Nhựt nói. Tương tự, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Phát Thành (Fataco), than thở: đôi khi nhà đèn có thông báo trước nhưng cũng không đúng như thế. Fataco chuyên sản xuất đồ dùng bằng melamine. Do đặc thù của ngành này, khi đã pha chế xong nguyên liệu, nếu chưa kịp vô khuôn hay đã vô khuôn mà điện bị cúp thì số nguyên liệu đó chỉ còn cách bỏ đi. Mỗi lần như vậy doanh nghiệp thiệt hại vài chục triệu đồng, chưa kể việc doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo suất ăn, lương cho 1.000 lao động như bình thường… Khi bị cúp điện, nhiều doanh nghiệp chọn cách cho công nhân nghỉ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp có nhiều hợp đồng, nhất là hợp đồng với đối tác nước ngoài sắp đến hạn giao hàng, họ buộc phải dùng máy phát điện để duy trì sản xuất, giữ uy tín với đối tác. Giá điện bình quân là 1.200 đồng/kWh, trong khi dùng máy phát điện tính ra giá là 3.000 đồng/kWh nên không hiệu quả. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất thương mại May Sài Gòn, cho biết trước đây thông thường một tuần điện cúp một ngày, nhưng hai tuần gần đây, một tuần cúp đến hai lần, thường cúp từ sáng đến 1 giờ chiều. Việc điện cúp thường xuyên khiến giờ giấc làm việc tại doanh nghiệp bị xáo trộn, năng suất giảm đáng kể. Bình thường công nhân làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Gặp những hôm cúp điện nửa ngày, doanh nghiệp phải điều chỉnh giờ làm việc từ 1 giờ chiều đến 8 giờ tối, tức chỉ còn 6-7 tiếng/ngày. Đã vậy, để động viên người lao động làm việc ngoài giờ cho kịp tiến độ giao hàng, doanh nghiệp buộc phải có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng, khiến chi phí sản xuất tăng lên. “Nếu bên điện lực cúp điện đúng theo thông báo trước đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được thời gian để sắp xếp giờ làm việc cho phù hợp, giảm thiểu thiệt hại”, ông Hùng nói. Sống chung với cúp điện Ở TPHCM và khu vực miền Đông Nam bộ mùa mưa đã bắt đầu, những tưởng tình hình cúp điện sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ đã được thông báo lịch cúp điện sắp tới từ hai đến ba ngày trong tuần. “Tuần này chúng tôi lại cho công nhân nghỉ việc vào ngày 9 và 12-6 vì điện cúp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều”, đại diện Công ty Sản xuất bánh kẹo Mỹ Ngọc than thở. Đối với Công ty cổ phần Vĩnh Tiến, quận 8, tình hình dường như có vẻ “dễ chịu” hơn. Theo ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc kinh doanh, rút kinh nghiệm chuyện cúp điện từ những năm trước, năm nay công ty đã trang bị đầy đủ máy phát điện dự phòng ở các phân xưởng sản xuất giấy, văn phòng phẩm ở TPHCM và Đà Nẵng. “Chúng tôi chấp nhận gia tăng chi phí, năng suất chỉ đạt 50-60% so với sử dụng lưới điện quốc gia, công nhân phải làm việc trong điều kiện nhiều tiếng ồn và chịu sự ô nhiễm từ khói thải”, ông Trung nói. Để sống chung với tình hình điện cúp như hiện nay, dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, ông Trần Vinh Quang, Phó giám đốc kinh doanh của Xí nghiệp Chế biến - Kinh doanh rau quả (thuộc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan), cho rằng giải pháp tốt nhất là tổ chức lại quy trình sản xuất một cách khoa học hơn. “Do hoạt động chế biến rau củ quả của đơn vị diễn ra vào ban đêm, hoàn toàn thủ công, xí nghiệp đã nghiên cứu rất kỹ các thao tác của công nhân và việc họ cần bao nhiêu ánh sáng là đủ. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn giám sát nghiêm ngặt hơn quy trình bảo quản sản phẩm, hạn chế mở cửa các kho trữ lạnh thực phẩm để ổn định nhiệt độ”, ông Quang cho biết. Chuyện cúp điện thường xuyên suốt hai tháng qua đã gây thiệt hại lớn đến quy trình sản xuất của các doanh nghiệp. Trước tình hình này, khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, chế biến thực phẩm, nhà hàng, văn phòng cho thuê, sắt thép, trung tâm dữ liệu... đã chọn thuê máy phát điện để tạm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Tô Bửu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Máy phát điện Trí Kỹ Thuật, quận 6, TPHCM, nếu trước đây ba tháng giá cho thuê máy phát điện có công suất 100 KVA là 2 triệu đồng/ngày và khoảng 10 triệu đồng/tháng, nay do nhu cầu tăng lên gấp đôi, gấp ba lần nên giá cho thuê trên thị trường từ 3,5-4 triệu đồng/ngày, thuê một tháng giá 18-20 triệu đồng. Đối với loại máy có công suất từ 250-500 KVA, giá cho thuê hiện nay khoảng 8 triệu đồng/ngày, 23-25 triệu đồng/tháng. “Trước đây ba tháng nếu khách hàng ký hợp đồng dài hạn thuê máy phát điện công suất 250 KVA, giá chỉ 17 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm đó chúng tôi miễn toàn bộ chi phí vận chuyển, lắp đặt, hướng dẫn vận hành. Còn bây giờ trong giai đoạn cao điểm của mùa cúp điện, khách muốn thuê máy cũng không có, chi phí lại tăng lên gấp ba lần. Cho đến nay, khách hàng thuê máy phát điện của công ty xa nhất là ở tỉnh Khánh Hòa, gần hơn là khu vực miền Đông Nam bộ”, ông Trí nói. Tại khu vực đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, các cửa hàng và doanh nghiệp kinh doanh máy phát điện đều cho biết dạo này không có máy để cho khách thuê, hoặc tạm ngưng cho thuê để bán máy phát điện thu hồi vốn đầu tư bỏ ra trước đây một hai năm. Ông Tuấn Linh, chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Tuấn Linh (593-595 Lý Thường Kiệt), cho biết do nhu cầu thuê máy tăng đột biến nên cửa hàng cũng đưa ra các giải pháp linh hoạt dành cho khách thuê hoặc mua máy. “Trong mùa cao điểm cúp điện, chi phí cho thuê máy cũng tăng gấp đôi. Hiện chúng tôi không cho thuê máy phát điện dài hạn. Khách thuê máy ngắn hạn trong một hai ngày, công suất 100-150 KVA, giá 3 triệu đồng/ngày, nếu cho thuê tháng giá chỉ 1,5 triệu đồng/ngày. Đó là chưa tính chi phí cử người đến giám sát vận hành máy, giá 150.000 đồng/người/ngày. Theo dõi thời sự, tôi thấy tình hình cúp điện sẽ còn diễn ra dài dài, có thể trong thời gian tới chúng tôi sẽ hạn chế cho thuê và đẩy mạnh phần bán máy phát điện”.Nhu cầu thuê máy phát điện tăng đột biến
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com