Hiện 20 DN chế biến thủy sản ở Đà Nẵng đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nguyên nhân là do nguồn hải sản biển trong nước khan hiếm trong khi đó DN thủy sản không thể nhập khẩu nguyên liệu do thuế vẫn còn ở mức cao tới 30%.
Lượng cá vào bờ giảm 30%
| |
| Công ty TNHH Bắc Đẩu phải cắt giảm lao động vì thiếu nguyên liệu. (ảnh: CTV) |
Chợ cá Thọ Quang - một trong những chợ thủy sản lớn ở miền Trung, việc mua bán hàng thủy sản cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và khai thác Cảng cá Thọ Quang cho biết: Những tháng gần đây, trung bình chỉ khoảng gần 700 lượt tàu thuyền ra vào cảng mỗi tháng, giảm đến hơn 200 lượt so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng nói là lượng hải sản qua cảng giảm đến gần 30% so với những năm trước, chỉ còn hơn 100 tấn/ngày (trước đây 150 – 180 tấn/ngày). Các chủ tàu cho rằng: xăng dầu vẫn tăng giá, trong khi ngư dân không còn được hỗ trợ như trước nên nhiều tàu không có điều kiện để ra khơi đánh bắt xa bờ.
Bà Vũ Thị Luận, một chủ vựa cá lớn, chuyên thu gom nguyên liệu cho các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn thừa nhận: Chúng tôi luôn cháy hàng vì sản lượng khai thác thời gian qua giảm mạnh. Mỗi ngày chúng tôi chỉ thu gom được 1 - 1,5 tạ mực để cung cấp, giảm một nửa so với thời gian trước, nên nhiều đơn vị phải đặt hàng thủy sản trước đó cả tuần mới được.
Công nhân nghỉ chờ việc
Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết: Nguồn thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng hầu như đã cạn kiệt, không bảo đảm được nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các DN. Từ đầu năm, công ty đã chủ động nhập nguyên liệu (tôm) từ Thái Lan nhưng tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn diễn ra thường xuyên do đòi hỏi về chủng loại, kích cỡ ở mỗi hợp đồng khác nhau.
Năm 2009, Công ty cổ phần Thủy sản và thương mại Thuận Phước đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu bằng năm 2008 (khoảng 33 triệu USD). Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2009, doanh số mới chỉ đạt tổng giá trị xuất khẩu 13 triệu USD. Cũng theo ông Lĩnh, lý do nữa khiến DN thủy sản lao đao là do thuế nhập nguyên liệu quá cao.
“Nhà nước ban hành nhiều cơ chế thông thoáng cho các DN nhập khẩu nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên việc đánh thuế vẫn còn ở mức cao (30%). Nhiều DN chế biến, xuất khẩu thủy sản mới chỉ nghĩ đến sản xuất và bán sản phẩm mà không nghĩ đến mua nguyên liệu. Vùng nguyên liệu mới chỉ tập trung nội địa khiến các DN không có tính chủ động cao.
Tại sao chúng ta lại không đẩy mạnh nhập nguyên liệu? Đây cũng chính là cách giúp kích thích sản xuất và bảo vệ tiêu dùng. Cần bỏ quan niệm lâu nay, chúng ta cứ sợ nhập cá từ nước ngoài sẽ khiến cho đánh bắt cá trong nước không có ai mua” – ông Lĩnh nói.
Tương tự, tại Công ty TNHH Bắc Đẩu (quận Sơn Trà) chuyên chế biến, xuất khẩu thủy sản không còn cảnh nhộn nhịp như những năm trước nữa. Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu buồn bã nói: “Chưa năm nào tình hình thiếu nguyên liệu thủy sản lại trầm trọng như 6 tháng đầu năm nay.
Lượng nguyên liệu mỗi ngày chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu, khiến công ty hoạt động cầm chừng nhiều tháng qua. Công ty Bắc Đẩu đã phải cắt giảm từ 400 lao động thường xuyên xuống chỉ còn chưa đầy 100 công nhân. Nhiều hợp đồng xuất khẩu phải hủy bỏ do không chủ động được nguồn nguyên liệu. Tính ra từ đầu năm đến nay, Công ty Bắc Đẩu mới chỉ xuất được 30 tấn thủy sản thành phẩm cho Đài Loan...
Được biết, hiện có gần 20 DN chế biến thủy sản trên địa bàn Đà Nẵng đều rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty Thương mại tổng hợp Phước Tiến cũng phải cho hoạt động cầm chừng một số dây chuyền chế biến cá bò xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc. Tình trạng thiếu nguyên liệu khiến doanh thu xuất khẩu của công ty một tháng gần đây giảm đến 50%, chỉ đạt khoảng 2 triệu USD. Hậu quả đó dẫn đến việc các DN thủy sản đã cho tới hơn 2.000 công nhân nghỉ việc.