Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp sống nhờ bảo hộ đang chết dần

Lắp ráp đồ điện tử ở Công ty Tiến Đạt, TPHCM. Ảnh: LÊ TOÀN.

Kết quả đáng kể nhất mà Việt Nam gặt hái được sau khi trở thành thành viên WTO, là gia tăng xuất khẩu và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ góc nhìn của các doanh nghiệp, thì thuận lợi từ sự gia nhập WTO không thật sự rõ ràng, thậm chí có những ngành còn khó khăn hơn trước rất nhiều.

Thuận lợi có, nhưng khó khăn cũng không ít

Ở góc độ ngành, có lẽ các doanh nghiệp dệt, may xuất khẩu là được nhiều thuận lợi nhất từ quy chế thành viên WTO. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, nói: “Thuận lợi nhất của ngành dệt, may là xuất khẩu vào thị trường thế giới không còn bị giới hạn bởi hạn ngạch”. Đây là yếu tố để ngành dệt, may vươn lên trở thành lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu ngay cả khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Trong khi đó, các lĩnh vực sản xuất khác như nhựa, chế biến gỗ, da giày, tuy cũng có bước tăng trưởng khá mạnh về xuất khẩu trong năm 2010, nhưng theo nhận định chung của các nhà doanh nghiệp thì kết quả này không hẳn do tư cách thành viên WTO mang lại.

Ông Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Công ty Lotus Chemical, doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu, khẳng định: “WTO hầu như chẳng tạo thêm thuận lợi gì cho hoạt động xuất khẩu của ngành nhựa”. Ông giải thích: “Lâu nay xuất khẩu của ngành này không bị kiểm soát bởi hạn ngạch. Thuế nhập khẩu của các thị trường chủ chốt như châu Âu, Mỹ... đối với hàng nhựa Việt Nam cũng không cao và hầu như không thay đổi gì so với trước khi gia nhập WTO, nên lợi ích từ quy chế thành viên này mang lại chẳng có gì rõ ràng”.

Tình hình của các ngành chế biến gỗ, da giày cũng tương tự như vậy. Riêng ngành da giày, sau khi Việt Nam gia nhập WTO thậm chí còn khó khăn hơn, do Việt Nam không còn được châu Âu xếp vào danh sách các nước được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi và còn bị đánh thuế chống bán phá giá giày mũ da. Sự khởi sắc về xuất khẩu của các ngành này trong năm 2010 chủ yếu là do kết quả sự hồi phục của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi, WTO gây ra nhiều khó khăn thách thức cho doanh nghiệp trong nước. Ông Diệp Thành Kiệt nhận xét: “Vào WTO nghĩa là chúng ta phải chấp nhận luật chơi của WTO. Trước hết, Việt Nam phải xóa bỏ dần chế độ bảo hộ bằng thuế quan. Đồng thời, Chính phủ cũng không thể áp dụng những chính sách hỗ trợ, trợ cấp trái với quy định của tổ chức này”.

Đối với ngành dệt may, cái giá phải trả để được các nước mở rộng cửa vào thị trường là phải xóa bỏ hoàn toàn rào cản thuế quan ở thị trường trong nước. Đồng thời, việc hỗ trợ tài chính để khuyến khích phát triển sản xuất nguyên vật liệu cũng bị hủy bỏ. Nhưng theo ông Kiệt, với ngành này, thuận lợi vẫn nhiều hơn khó khăn. “Chúng ta mở cửa thị trường nhỏ của mình, nhưng bù lại được thoải mái xuất hàng vào thị trường rộng lớn của thế giới. Ngoài ra, chính sách trợ giúp của Chính phủ lâu nay hầu như chỉ rơi vào doanh nghiệp nhà nước, còn khu vực tư nhân rất khó tiếp cận”.

Nhưng khó khăn nhất có lẽ là doanh nghiệp điện tử trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên lắp ráp. Ông Lê Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Ca, cho biết Sơn Ca đã ngưng hoạt động sản xuất và giờ đây gần như chỉ còn tập trung vào nghiên cứu và sản xuất phần mềm. Các công ty khác cũng đã đóng cửa nhà máy và chuyển sang làm thương mại. Một số doanh nghiệp xuất thân từ nhà nước, nhờ có mặt bằng nhà xưởng rộng, thì chuyển sang làm địa ốc. Những doanh nghiệp còn lại cũng chỉ hoạt động lây lất.

Nói đúng ra, WTO cũng mang lại cơ hội phát triển cho công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung, nhưng là với các công ty đa quốc gia chọn Việt Nam làm căn cứ sản xuất cho thị trường toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Vina, nói: “Chỉ sau một năm khai trương nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới của Samsung ở Bắc Ninh, tập đoàn Samsung đã quyết định đầu tư để hình thành ở Việt Nam một khu phức hợp, gồm 5-6 nhà máy lớn để sản xuất không chỉ điện thoại di động, mà cả máy tính xách tay, máy in, camera kỹ thuật số... để bán đi toàn thế giới”.

Không chỉ có Samsung, nhiều tập đoàn khác, như Intel, Canon, Hoya... cũng đã chọn Việt Nam để xây dựng căn cứ sản xuất cho mình, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử. Ông Đạo cho rằng, sau khi gia nhập WTO, môi trường pháp lý Việt Nam trở nên minh bạch hơn, nên nhà đầu tư nước ngoài yên tâm vào đầu tư.

Hết thời làm ăn chụp giựt

Có thể khẳng định, sự suy vong của nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước là do sai lầm về chiến lược phát triển của ngành này nhiều năm trước. Thông qua chính sách bảo hộ, thay vì phải khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì Việt Nam lại muốn tự sản xuất từ đầu đến cuối sản phẩm, thể hiện qua các mức thuế ưu đãi dành cho doanh nghiệp có tỷ lệ linh kiện sản xuất trong nước cao. Chính sách này chẳng những không giúp ích gì cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, mà nó còn kích thích doanh nghiệp làm ăn theo kiểu cơ hội. Đó là đầu tư số tiền nhỏ để mở xưởng sản xuất với những dây chuyền lắp ráp đơn giản, nhằm tận dụng lợi thế từ hàng rào bảo hộ bằng thuế quan. Khi lợi thế này không còn, thì doanh nghiệp đóng cửa nhà máy và chuyển sang nhập hàng về bán.

Kết cục của ngành điện tử trong nước rồi cũng sẽ xảy ra với công nghiệp lắp ráp ô tô, khi Việt Nam phải hạ dần mức thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do ký với các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng tác động tích cực nhất của WTO là giúp thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông nói: “Trong môi trường cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, cộng với xu hướng toàn cầu hóa, các công ty, tập đoàn phải tính toán rất kỹ để đặt cơ sở sản xuất ở đâu có lợi nhất”. Chính vì vậy, việc các tập đoàn như Sony, Toshiba... bỏ Việt Nam để chọn Malaysia, Indonesia, Thái Lan... nơi họ đã đầu tư rất lớn trong nhiều năm trước đây, là việc làm phù hợp và bình thường. Ngược lại, những tập đoàn khác, gồm Samsung, Canon, Intel... lại chọn Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở Việt Nam có quyền chọn lựa tập trung đầu tư sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, họ cũng có thể nhập khẩu để kinh doanh những sản phẩm mà các công ty khác ở nước ngoài có lợi thế hơn. “Trước đây chúng tôi sản xuất và xuất khẩu rất nhiều tivi, màn hình máy tính, nhưng gần đây chúng tôi nhường phần sản xuất màn hình máy tính cho một công ty khác của Samsung và tập trung vào xuất khẩu tivi”, ông Đạo cho biết. Ngoài ra, ông còn tiết lộ sắp tới Samsung Vina còn tăng cường sản xuất cụm linh kiện điện tử, là sản phẩm trước đây Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, để xuất ra thị trường thế giới.

Nhập hàng hay sản xuất?

Cuối tháng 11-2010, trong một buổi giới thiệu về sản phẩm và chiến lược kinh doanh nhắm vào năm nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, ông Shigenori Tokumitsu, Phó chủ tịch Công ty Visual Products Company thuộc tập đoàn Toshiba, cho TBKTSG biết, 80% khả năng hãng này sẽ dời nhà máy sản xuất tivi LCD từ Việt Nam sang Indonesia.

“Tất nhiên là chúng tôi vẫn đang nghiên cứu xem đâu là nơi tốt nhất ở ASEAN mà Toshiba có thể đặt cơ sở sản xuất. Hiện chúng tôi đã có một nhà máy sản xuất (tivi LCD) tại Indonesia. Tôi nghĩ việc tập trung sản xuất tại một nhà máy sẽ là giải pháp tốt để giảm chi phí. Và từ nơi tập trung này chúng tôi sẽ phân phối ra các nước ASEAN khác. Có thể chúng tôi sẽ chuyển sản xuất từ Việt Nam sang Indonesia”, ông Tokumitsu nói.

Công ty sản phẩm tiêu dùng Toshiba Việt Nam (có nhà máy tại quận Thủ Đức, TPHCM) là cơ sở duy nhất sản xuất tivi LCD và đầu máy DVD Toshiba tại Việt Nam. Công ty bắt đầu hoạt động từ năm 1996, sản phẩm chủ yếu được phân phối tại thị trường Việt Nam.

Dù Toshiba khẳng định chưa có quyết định cuối cùng, nhưng nếu công ty này ngưng dây chuyền tivi LCD và tập trung sản xuất tại Indonesia thì cũng không có gì khó hiểu.

Trước đó, năm 2008, khi Sony ngưng sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam và tập trung vào việc nhập khẩu, đã có nhiều chuyên gia dự báo về làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ra đi. Mới đây, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết có hiện tượng này, rõ nhất là mặt hàng điện tử.

Hiện, phần lớn tivi LCD Toshiba tiêu thụ ở thị trường Việt Nam được nhập khẩu từ Indonesia. Các sản phẩm tivi LCD khác trên thị trường, phần lớn cũng nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia, chỉ một phần lắp ráp tại Việt Nam.

Sở dĩ có hiện tượng trên là do tác động của hội nhập kinh tế, nhất là với các nước trong khu vực.

Từ năm 2006, Việt Nam đã cắt giảm hầu hết các dòng thuế đối với sản phẩm nhập từ các nước ASEAN, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0-5%. Theo Tổng cục Hải quan, hiện tivi các loại nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng mức thuế ưu đãi 5%, theo lộ trình cắt giảm thuế của AFTA.

Sản phẩm chỉ cần có 40% hàm lượng xuất xứ từ ASEAN là được giảm thuế, nên các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở khu vực ASEAN có thể xuất hàng qua Việt Nam với thuế suất thấp hơn nên sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

(Thu Nguyệt)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vincom chi 3.700 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng khu tứ giác Eden
  • Nhật Bản sẽ xây nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam
  • Hyundai Thành Công rầm rộ khuyến mại
  • Toát mồ hôi với hải quan điện tử
  • Năm nay doanh nghiệp liệu có "khóc" ở Tân Thanh?
  • Khi InnovGreen xin trả lại đất “nhạy cảm”
  • Facebook là nơi tốt nhất để làm việc
  • Khánh thành dây chuyền ống nhựa lớn nhất nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao