Hiện các DN chế biến tôm xuất khẩu khu vực ĐBSCL đang thiếu trầm trọng tôm cho sản xuất, dù đang là mùa thu hoạch cao điểm, nhiều nhà máy chế biến tôm XK đang phải hoạt động 30- 40% công suất. Các nguyên nhân gây thiếu tôm nguyên liệu đã kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Đạo- GĐ Cty Thủy sản Gò Đàng tại Tiền Giang cho biết hầu hết các DN chế biến tôm XK khu vực ĐBSCL - vùng sản xuất chủ lực tôm cả nước hiện phải tranh mua tôm nguyên liệu với giá cao nhất từ trước tới nay nhưng vẫn không có để mua.
Tranh mua
Một DN chuyên chế biến tôm tại Sóc Trăng - tỉnh chế biến tôm lớn nhất ĐBSCL cho biết nhìn chung, vấn đề giá tôm nguyên liệu tăng cao không phải là vấn đề lo lắng lớn nhất của DN. Vấn đề lo ngại lớn nhất là do thiếu và không ổn định được nguyên liệu nên các DN sản xuất cầm chừng trong tình trạng thất thường, khó đảm bảo việc làm cho người LĐ, bị hao hụt về năng suất, khó hoạch định kế hoạch. Hiện nhìn chung các nhà máy chế biến tôm XK chỉ hoạt động từ 30- 50% công suất. Việc không bảo đảm chắc chắn về sản lượng còn gây khó khăn trong đảm bảo hoàn thành các đơn hàng, thậm chí có thể bị bồi thường hợp đồng... Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng là do thiếu nguyên liệu nên xảy ra tranh mua, xảy ra tình trạng “cò” nên thực lãi của hai lực lượng sản xuất chính của ngành tôm XK là DN chế biến và người nuôi tôm không cao, mà bị rơi vào túi thương lái nhỏ lẻ không có lợi cho sản xuất
Nguyên nhân từ lâu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), có nhiều nguyên nhân gây thiếu nghiêm trọng tôm nguyên liệu, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do diện tích thả nuôi tôm năm 2010 giảm khoảng 5,2% so cùng kỳ năm 2009, hiện còn khoảng 555.000 ha ao nuôi trong đó chỉ có khoảng 20.000 ha nuôi công nghiệp năng suất cao.
Đại diện DN chế biến tôm tại Sóc Trăng cũng cho biết: nguyên nhân còn do dịch bệnh đã kéo dài nhiều năm và hiện cũng chưa khắc phục triệt để. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đang có khoảng 5.000 ha ao hồ nuôi tôm đang bị nhiễm bệnh ký sinh trùng, chủ yếu tại hai huyện Vĩnh Châu và Trần Đề.
Một nguyên nhân cũng đã xảy ra nhiều năm nay là trong khi diện tích nuôi tôm tăng rất chậm, thậm chí những năm gần đây bị giảm thì lại xảy ra nghịch lý là ngành chế biến tôm XK không ngừng đầu tư mở rộng công suất, xây dựng thêm nhà máy chế biến, làm tình trạng thiếu nguyên liệu càng trầm trọng hơn. Dẫn chứng là nhiều năm qua, kim ngạch XK tôm mỗi năm mỗi tăng, cụ thể 6 tháng đầu năm 2010 kim ngạch XK tôm đã tăng 27,1% so năm 2009.
Giải pháp chưa đồng bộ
Để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL đa dạng hóa các hình thức chăn nuôi như thâm canh, bán thâm canh... khuyến khích các hộ chăn nuôi liên kết nuôi đúng thời điểm. Bộ NN-PTNT cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương tạo điều kiện cho DN ổn định nguồn vốn để cam kết thu mua tôm lâu dài. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là cam kết của các cơ quan chức năng
Vì vậy, theo các DN, khi cho phép tăng công suất, hoặc xây dựng thêm nhà máy chế biến tôm XK, ngành chức năng mỗi tỉnh phải đánh giá nguồn cung ứng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, cũng như vùng lân cận nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động. Việc chấm dứt dịch hại tôm nằm ngoài khả năng của DN và nông dân, do vậy ngành chức năng phải có các biện pháp phòng ngừa và chữa trị hiệu quả. Hơn thế, Vasep phải thể hiện vai trò là hiệp hội của các DN XK thủy sản lớn của VN trong việc giữ ổn định giá nguyên liệu cũng như giá XK tôm để từ đó đảm bảo một vùng nguyên liệu phát triển bền vững.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com