Mặc dù giai đoạn u ám nhất của khủng hoảng kinh tế đã qua, nhưng nhiều doanh nghiệp các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vẫn tỏ ra khá thận trọng về triển vọng sắp tới.
Đó là kết quả cuộc khảo sát mới nhất do PricewaterhouseCoopers (PwC) và Ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC năm 2009, ghi nhận từ hơn 350 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực, thực hiện trong vòng 3 tháng (tháng 8-11/2009) và được công bố tại Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC diễn ra ở Singapore vừa qua.
Theo đó, hơn nửa số doanh nghiệp được khảo sát (58%) tin rằng nền kinh tế toàn cầu đã qua giai đoạn u ám nhất của khủng hoảng và chỉ có 28% đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ với nhận định "trong 12 tháng tới, tình trạng thất nghiệp sẽ trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng".
Cái nhìn bi quan về tình trạng thất nghiệp cao nhất là ở khu vực châu Mỹ (21%) và thấp nhất trong khu vực Đông Bắc Á với 31% đồng ý hoặc đồng ý mạnh mẽ với nhận định trên. "Điều này thể hiện tâm lý chung là thời gian phục hồi sẽ còn kéo dài và dự kiến tình trạng thất nghiệp vẫn còn tiếp diễn." - báo cáo cuộc khảo sát dẫn giải.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng khủng hoảng có thể đẩy nhanh sự chuyển đổi cấu trúc quyền lực
kinh tế thế giới và vai trò lãnh đạo của Mỹ vẫn mang tính trọng yếu trong việc “đại tu” cấu trúc tài chính thế giới.
"Trong ngắn hạn, vai trò của đồng đô la Mỹ là loại tiền tệ dự trữ trên thực tế ít có khả năng bị thay đổi. Tuy nhiên, 47% đối tượng khảo sát kỳ vọng có loại tiền tệ thay thế trong 10 năm tới." - báo cáo cho biết.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nhận định các nền kinh tế mới nổi cùng với những nền kinh tế đã phát triển phải chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn do thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, phần lớn hệ thống tài chính của các nước mới nổi đã vượt thoát cuộc khủng hoảng tương đối vô sự và một vài nước trong số đó đạt được một môi trường kinh tế ổn định và mạnh mẽ hơn so với một số nước có nền kinh tế đã phát triển.
"Điều này thể hiện rõ trong cuộc khảo sát, khi 37% đối tượng khảo sát tin tưởng rằng phải mất từ hai đến ba năm để nền kinh tế thế giới hồi phục toàn diện," báo cáo cho biết.
Mặt khác, đa số các doanh nghiệp được khảo sát đồng ý rằng khu vực APEC (không tính Mỹ) nên cắt giảm thặng dư cán cân thanh toán bằng cách chi tiêu nhiều hơn. Ý kiến này nhận được nhiều ủng hộ nhất từ các nước Châu Mỹ (68%) và ít ủng hộ nhất từ khu vực Đông Bắc Á (44%).
"Trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, việc tái cân đối đòi hỏi các nhà lập chính sách và lãnh đạo các khu vực kinh tế tư nhân phải định hướng các chính sách công để tìm ra mức cân đối thích hợp giữa tiêu thụ và tiết kiệm đồng thời phải thích nghi với trật tự mới về chính trị và kinh tế toàn cầu," các doanh nghiệp nhìn nhận.
Các nền kinh tế thế giới cũng nên xem khủng hoảng này là cơ hội thúc đẩy thương mại toàn cầu. Các đối tượng khảo sát từ Châu Mỹ, đặc biệt trông đợi ở những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với những nền kinh tế chủ chốt trên thế giới nhằm tạo động lực thúc đẩy cho doanh nghiệp của họ (77%) trong khi các đối tượng khảo sát từ khu vực Đông Nam Á kỳ vọng những thỏa thuận song phương với các nền kinh tế trong khu vực nhằm thúc đẩy doanh nghiệp của họ (59%).
Đa số (72%) đối tượng khảo sát xem sự phát triển FTA trong khu vực APEC là quan trọng hoặc rất quan trọng đối với doanh nghiệp của họ. Điều này nhận được sự ủng hộ vượt bậc từ các đối tượng khảo sát trong khu vực châu Mỹ (93%).
Nhằm tạo sự bền vững cho cán cân thanh toán, việc phát huy thương mại trong khu vực được xác định là biện pháp quan trọng nhất (74%) theo các doanh nghiệp. Trong số đó, các doanh nghiệp từ châu Mỹ tin tưởng rằng "khích thích tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội" là quan trọng hơn "việc phát huy thương mại trong khu vực", trong khi doanh nghiệp vùng Đông Bắc Á xếp hạng "việc khuyến khích lưu chuyển đồng vốn và đầu tư trong khu vực" là định hướng hàng đầu mà khu vực APEC (không tính Mỹ) nên tập trung để giải quyết thặng dư cán cân thanh toán.
Gần như tất cả các đối tượng khảo sát (96%) kỳ vọng thương mại trong nội bộ khu vực APEC (không tính Mỹ) sẽ gia tăng trong tương lai gần, trong đó đối tượng khảo sát thuộc châu Mỹ là bày tỏ kỳ vọng cao nhất./.