Các khách mời gặp gỡ nhau ở quan điểm thử thách là cơ hội cho doanh nghiệp |
Giờ đây, cụm từ “đương đầu với khủng hoảng” đã dần được thay thế bằng “đón đầu hậu khủng hoảng”. Doanh nghiệp đang dần lấy lại tâm thế chủ đông hơn để bứt lên.
Cơn mưa chiều ập xuống khiến các ngả đường của Hà Nội giờ cao điểm nghẹn ứ. Nhưng ở một không gian khác, khu nhà Thái học tại Văn Miếu, Câu lạc bộ CEO Việt Nam chọn cách kỷ niệm một năm tuổi bằng việc tổ chức bàn tròn với chủ đề “Đón đầu cơ hội cạnh tranh khi nền kinh tế phục hồi”. Không gian được hâm nóng với những kiến giải về tình hình kinh tế hiện nay, dự báo cũng như hành động của doanh nghiệp.
Lạc quan và cẩn trọng
Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện cấp cao Quỹ tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam - diễn giải chính của buổi tọa đàm tạo một sự khởi đầu khá thu hút khi đưa ra nhận định có phần tươi sáng. Chia sẻ điều đó, ông Hubert Colaris - Trưởng bộ phận kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam dự báo: Hiện tốc độ suy giảm kinh tế toàn cầu đã dịu lại, cuối năm 2009 sẽ tăng trưởng dương và cuối năm 2010 sẽ hết khủng hoảng. Nhưng không hẳn những thông tin tốt đã vội tạo nên sự lạc quan thái quá. Bởi qua cơn bão, con người bao giờ cũng cẩn trọng hơn.
Lúc này, các nền kinh tế trên thế giới dường như đã chạm đáy khủng hoảng và đang lấy đà bật trở lại. Tuy nhiên, sự lên, xuống của các thị trường chứng khoán từ Mỹ đến Âu đến Á đều cho thấy, thời kỳ khó khăn nhất từ trước đến nay của nền kinh tế toàn cầu chưa phải đã qua đi bình yên. “Virus xấu từ hệ thống tài chính Mỹ” đã lan tràn thành đại dịch và không dễ để tìm ra vacxin giải quyết. Tuy nhiên, điều đáng nói, cuộc tọa đàm thu hút đông đảo các thành phần, từ đại diện Quốc hội, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho tới các chuyên gia, và tất cả đều có cùng một hướng nhìn - khủng hoảng chính là một cơ hội để phát triển, là cuộc thử sức cho các doanh nghiệp.
Nền kinh tế thế giới chắc chắn thay đổi, mỗi doanh nghiệp không thể không cơ cấu lại chính mình |
Thái độ ứng xử với khủng hoảng thế nào là điều quyết định rất nhiều đến việc vượt qua khủng hoảng đến đâu. Sự lạc quan là cần thiết nhưng không vì thế mà bỏ qua những cân nhắc cẩn trọng. Tuy nhìn nhận kinh tế thế giới vẫn bất định, không chắc chắn và khó dự đoán nhưng TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI vẫn khẳng định, chiến lược kinh tế của mỗi quốc gia sẽ phải đặt trong bối cảnh bất định đó. Có một điều chắc chắn, kinh tế thế giới trước đường hầm và sau đường hầm sẽ khác nhau. Chính vì vậy nền
kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đến sau sẽ có cơ hội khi nền kinh tế thế giới cấu trúc lại.
Đặc biệt, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có sự khác biệt với các nền kinh tế khác bởi có sức chịu đựng bền bỉ. Ông dẫn chứng thuyết phục từ việc: “Khi người lao động ở Việt Nam thất nghiệp họ có thể về nông thôn tiếp tục sinh sống và làm việc. Điều đó có nghĩa là “đệm an toàn của chúng ta ở khu vực nông thôn rất lớn. Đó là sức bền của chúng ta trong cuộc khủng hoảng này”.
Thống nhất hành động Lúc này là lúc cần tính đến đón đầu cơ hội hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, sẽ không thể thành công nếu chỉ có nỗ lực từ một phía doanh nghiệp hay cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu chèo thuyền vượt bão, người thuyền trưởng không thể không tạo nên sự đồng thuận của cả đội tàu. Tương tự, khi biển yên, các thủy thủ đoàn cũng không thể thiếu sự thống nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Phi - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, trong suy giảm kinh tế, mới thấy sức mạnh của doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhưng dù doanh nghiệp nhận biết thời cơ mà thiếu vai trò “bà đỡ” của Nhà nước thì cũng không thể xoay chuyển thời cuộc.
Ông đưa ra kiến nghị: “Sự hỗ trợ của Nhà nước lúc này là rất cần thiết nhưng phải được duy trì và ổn định. Hiện doanh nghiệp đang rất cần vốn trung và dài hạn. Các tập đoàn và doanh nghiệp nên có sự liên kết nhau lại để giải quyết những vướng mắc, khó khăn để cùng đứng vững và phát triển”. Quả thật, môi trường kinh doanh thông thoáng ổn định là điều mà doanh nghiệp mong mỏi vào lúc này. Nói như ông Huỳnh Dư An - Tổng giám đốc Công ty Euro Auto, thật khó mà tính bài toán dài hơi khi chỉ trong 2 năm, thay đổi chính sách thuế của ngành này đến 8 lần, mà đáng nói hơn là lần cuối lại trở về đúng điểm xuất phát!?
Để nền kinh tế phục hồi, ông Benedict Bingham khuyến nghị, cần có thời gian để các chính sách kích cầu phát huy tác dụng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần có sự đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Và muốn làm được việc này, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh tính liên kết. Bà Đỗ Thị Kim Liên - Tổng Giám đốc Bảo hiểm AAA thu hút sự chú ý khi nêu lên sáng kiến, công ty của bà và ngân hàng Việt - Nga đã quyết định liên kết với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nuôi trồng thủy sản để cùng hỗ trợ bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đẩy mạnh thương hiệu thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới. Cách liên kết này sẽ góp phần củng cố sức mạnh của “bước đệm nông thôn” như kiến giải của TS Vũ Tiến Lộc. Và chính sự liên kết lúc này sẽ góp phần tăng sức mạnh, biến nhỏ thành to như lời ông Đặng Hồng Quang, đại diện Quỹ Vinacapital bổ sung thêm.
Đưa ra cái nhìn lạc quan, Việt Nam sẽ phục hồi kinh tế vào khoảng tháng 4-2010, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Saigon Invest kiêm Chủ tịch CEO Việt Nam không quên lưu tâm đến vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động đón đầu cơ hội. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, vốn, tài chính để khi có cơ hội thì sẵn sàng để phát triển. Giải pháp các doanh nghiệp cần chú ý đến là cơ cấu lại hoạt động của chính doanh nghiệp cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế hậu suy thoái, tập trung vào những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; sử dụng triệt để những cơ hội cả trong nước và quốc tế.
Ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội lắng nghe tọa đàm rất chăm chú. Và bên lề sự kiện, ông chia sẻ: “Đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam rất chủ động và có nhiều sáng tạo. Điều đáng ghi nhận là họ tồn tại không chỉ vì chính họ mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng”. Và ông tin, khi kinh tế thế giới trở lại trạng thái bình thường, doanh nghiệp sẽ nhập cuộc chủ động, vững vàng hơn, tham gia mạnh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.