Ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay mỗi lít xăng bán ra ở thời điểm này vẫn thấp hơn giá đầu vào gần 5%, tức 1.000 đồng/lít.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) cũng nói rằng nếu tính theo giá bình quân 30 ngày (đảm bảo hàng tồn kho theo quy định) thì với mỗi lít xăng bán ra hiện nay doanh nghiệp đang lỗ khoảng 500 đồng, chưa tính hoa hồng cho đại lý.
Các doanh nghiệp này giải thích, giá thế giới có những thời điểm giảm sâu trong gần 3 tuần qua, tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước không phải được tính tương ứng với giá thế giới ở thời điểm hiện tại mà tính theo giá bình quân 30 ngày.
Cách tính này nhằm phù hợp với độ trễ của hàng hóa xuất nhập khẩu (giá tính theo ngày xuống hàng) và lượng hàng tồn kho đảm bảo trong 30 ngày như quy định.
Nhưng các doanh nghiệp cho rằng, khả năng tăng giá sẽ khó xảy ra vì nhiều lý do khách quan dù mức chênh lệch này đủ điều kiện để doanh nghiệp tự điều chỉnh theo quy định của Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Cũng theo các doanh nghiệp, hiện nay tình hình bán lẻ xăng dầu đã trở lại bình thường khi mức chiết khấu dành cho đại lý đã được tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cách đây 3 tuần, lúc giá thế giới lập kỷ lục với mức trên 120 đô la Mỹ/thùng xăng RON92.
Ông Sang của Saigon Petro khẳng định, mức chiết khấu cho đại lý hiện nay đã lên mức 500 - 600 đồng/lít. Theo ông Sang đây là mức chiết khấu hợp lý.
Theo TBKTSG, chủ một số đại lý bán lẻ xác nhận, mức chiết khấu từ doanh nghiệp đầu mối đã tăng dần trong thời gian vừa qua và đạt mức 500 - 600 đồng/lít ở thời điểm này.
Chính điều này đã giúp cắt được lỗ sau khi tính chi phí vận chuyển, nhân công... vì thế tình trạng găm hàng, bán nhỏ giọt trong thời gian trở lại đây không còn diễn ra cũng là nhờ vậy.
(Theo TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com