Cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp ưu tiên đổi mới công nghệ của TPHCM. Ảnh: Phi Tuấn |
Nhiều doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nhưng không thực hiện được do gặp khó khăn về vốn lẫn cơ chế. Nhận định này được một số doanh nghiệp đưa ra trong hội thảo do Sở Khoa học Công nghệ và Hội doanh nghiệp TPHCM tổ chức sáng ngày 13-4.
Ông Vũ Công Hòa, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM, lấy ví dụ, việc xử lý rác hiện nay các địa phương chủ yếu chôn lấp, vừa không an toàn, vừa không hiệu quả. Tuy nhiên các doanh nghiệp xin đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý thì các địa phương từ chối, với lý do đã có doanh nghiệp “xí phần”. Điều đáng nói là ở chỗ các doanh nghiệp xí phần đó không có khả năng tài chính cũng như công nghệ phù hợp, và thường “ngâm” dự án khoảng mấy năm rồi không thực hiện, còn các nhà đầu tư khác thì “chờ dài cổ” không đến lượt mình. Doanh nghiện cũng nhận định họ hiện đang khát vốn nhưng lãi suất các khoản vay trung và dài hạn quá cao, lên tới 18%, có nơi là 20%, nên doanh nghiệp ngại vay vì bài toán lãi 10% trong bối cảnh hiện nay đã là khó giải. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ của nhà nước lại gặp vướng mắc về thủ tục. Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Savipharm, kể rằng doanh nghiệp ông gõ cửa vay vốn cho một đề tài nghiên cứu với số tiền 1,4 tỉ đồng trong thời gian hai năm từ Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng phải mất 18 tháng từ ngày nộp đơn thì mới được duyệt, và hiện nay đã qua ba tháng nữa nhưng tiền vẫn chưa đến tay. Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM Lê Hoài Quốc quan ngại nguy cơ tụt hậu xa hơn của các doanh nghiệp về trình độ công nghệ, dù rằng Việt Nam có mức tăng trưởng khá về kinh tế trong khu vực. Ông Quốc nói rằng cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện phần lớn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng, có hại cho môi trường. Hơn nữa, trong giai đoạn 1999-2007, lực lượng lao động công nghệ cao giảm từ 15% xuống còn 12%, mức vốn công nghệ cao giảm từ 11% xuống còn 9%, dẫn đến một thực trạng là các doanh nghiệp hiện nay đang nặng về gia công và xuất khẩu thô, nên giá trị gia tăng thấp. Ông Quốc lấy ví dụ, ngành dệt may năm 2009 xuất khẩu được khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, thì trong đó phần nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, phụ kiện đã chiếm đến 95%. Theo ông, xuất khẩu thô tài nguyên là một sự lãng phí. Theo ông Quốc, ba nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển, gồm thứ nhất là lao động năng suất thấp vì chỉ có 30% qua đào tạo; thứ hai là hiệu suất sử dụng vốn thấp, đặc biệt lãng phí tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật và đô thị kém phát triển làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, và thứ ba là cải cách kinh tế chậm và chưa đồng bộ, kinh tế thị trường nhiều mặt còn sơ khai, tham nhũng lãng phí nghiêm trọng, cần phải được các doanh nghiệp cùng các nhà quản lý bàn cách tháo gỡ.Đề án Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đã được triển khai trên 2 năm, nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Hiện nay Sở Khoa học Công nghệ chỉ mới đánh giá trình độ công nghệ được 429 doanh nghiệp, trong đó là chỉ có 1% doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến.
(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com