Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều dạng rủi ro mà ở điều kiện bình thường có thể không bộc lộ hết. |
“Đừng giật mình khi nhiều doanh nghiệp phá sản, doanh nhân Lê Hữu Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Công nghệ Vận tải Hùng Duy (Tây Ninh) đã nói vậy khi VnEconomy hỏi về kinh nghiệm tránh “bão” khủng hoảng của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo ông, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều dạng rủi ro mà ở điều kiện bình thường có thể không bộc lộ hết. Như muốn phát triển quá nhanh nhưng năng lực tài chính thì có hạn nên phải lệ thuộc ngân hàng quá nhiều. Hay, năng lực quản lý yếu kém nhưng quy mô hoạt động quá lớn. Không có tầm nhìn xa đề phòng rủi ro khi chính sách tài chính bị thắt chặt. Thương hiệu chưa thực sự vững mạnh. Chỉ kinh doanh một ngành nghề, mà ngành nghề đó bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận, lãi suất cao chính là yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn và kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.
Liệu cơm gắp mắm
Thưa ông, qua không khí làm việc của công ty có thể thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp mình khá tốt?
Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, ở Tây Ninh doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản ít, doanh nghiệp nông nghiệp tầm trung, khá có nhiều nên ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế cũng không lớn lắm.
Mặc dù đã nói khủng hoảng chung thì doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng không nhiều thì ít vì tài chính bị thắt chặt. Nhưng để ứng phó thì mỗi người một cách, khi doanh nghiệp biết liệu cơm gắp mắm về tài chính thì chỉ bị ảnh hưởng ít thôi. Như công ty chúng tôi chỉ vay vốn lưu động, không vay vốn cố định nên bị ảnh hưởng ít.
Kết quả đó có nguyên nhân từ kinh doanh đa ngành nên cái này bù cái khác không, thưa ông?
Đó cũng là một lý do, nhưng cơ bản vẫn là quá trình xây dựng thương hiệu và uy tín về tài chính.
Trong lúc này hầu hết các doanh nghiêp đều than thở về tồn kho, nhưng tôi thì hàng tồn kho rất ít. Với hai nhà máy chế biến bột mỳ, mỗi năm công ty xuất khẩu trên 50 ngàn tấn bột lương thực, thu ngoại tệ về cho tỉnh nhà cũng nhiều. Đó là vì thương hiệu sản phẩm của chúng tôi đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Không biết ban nãy qua cây xăng của chúng tôi, bạn có chú ý đến hai tấm bảng cam kết không? Nếu người mua phát hiện đong sai, tôi sẽ bồi thường gấp 5 lần, thép xây dựng cũng vậy, giao hàng không đúng chất lượng và số lượng khách hàng sẽ được bồi thường gấp hai lần.
Doanh nghiệp mình có tới gần 500 nhân viên, dám cam kết như vậy hẳn ông có cơ chế kiểm soát rất tốt chứ?
Chúng tôi có ISO mà, từ việc chăm cây cảnh xung quanh khu vực nhà máy đến văn phòng cũng đều làm theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001: 2008.
Nếu bạn đến nhà máy hay văn phòng công ty chúng tôi của tôi mà tìm thấy một cọng rác thì tôi khen bạn hay. Cái này thực chất tôi cũng chả tài giỏi gì cả mà đi nước ngoài thấy họ làm mình học theo. Tôi nói với nhân viên của tôi là, nếu các em xả rác bừa bãi thì tôi phải thuê người dọn, phải trả lương cho người ta, chi phí tăng lên thì lương các em khó có thể tăng được.
Hàng tháng tôi đều có nói chuyện với các em, nên nếu tôi chỉ đạo họ buôn gian bán lận thì làm sao còn tư cách mà đứng trước họ. Tôi luôn khuyên các em sống cho có đạo đức và giữ chữ tín, vì vậy nên khi hợp đồng đã lỡ ký có lỗ vẫn phải làm, hợp đồng sau sẽ có lãi, và người mua hàng họ cũng không có để mình thiệt.
Làm chủ doanh nghiệp, theo tôi kinh doanh phải có đạo đức. Tôi đã từng phải bỏ kinh doanh một số mặt hàng vì thấy không thể tồn tại được bằng cạnh tranh lành mạnh và công bằng.
Sẽ làm ngược lại
Vậy nên quan điểm của ông là ai làm nấy chịu, không cần hỗ trợ cho các “đại gia” mang danh chủ doanh nghiệp nhưng không lo làm ăn mà chỉ lo tậu xế sang và vi vu với “chân dài, chân ngắn” phải không ạ?
Đúng vậy.
Gần đây tôi có nghe nói nhà nước dự định “bơm” vốn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nếu là tôi, tôi sẽ làm ngược lại. Tôi cho người cần vay mua nhà để ở. Ví dụ căn hộ 600 triệu là vừa túi tiền, cho họ vay 300 triệu đồng, họ có khả năng trả dần dần vừa nhẹ gánh cho tài chính quốc gia lại vừa tạo công ăn việc làm cho nhóm công thợ hồ và bên đầu tư bất động sản bán được nhà đẩy luôn cả khâu thương mại, nguồn vật liệu xây dựng. Đây cũng là cách tránh rủi ro cho ngân hàng khi đầu tư khoản tiền lớn vào các dự án bất động sản chờ bán giá cao.
Mới đây bạn có nghe Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố giảm giá 50% căn hộ vẫn còn lời, tôi tin đó là tuyên bố thật, và nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng thế. Nhưng nếu được hỗ trợ họ sẽ không giảm giá nữa, và giá cao dân không có tiền mua, nguồn tài chính lại nằm bẹp ở đó. Vậy nên cách này theo tôi là sai. Cách làm đúng là phải cho vay, kích cầu cho người tiêu dùng có nhu cầu thực sự.
Nhân nói về cách hỗ trợ doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng mới đây của Chính phủ?
Có hỗ trợ là rất cần, rất tốt, song nếu không khéo lại thành tiền nuôi doanh nghiệp không biết tiết kiệm, tạo cơ hội cho các anh này xài phung phí. Trên thực tế bạn biết rồi đấy, có doanh nghiệp vốn điều lệ chưa đến 10 tỷ đồng, là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thuộc diện được hỗ trợ. Ai biết trên thực tế anh ta mua hàng dàn ôtô xịn, ăn chơi trác táng, doanh nghiệp không khó mới là lạ, rồi vẫn lại được nhà nước đưa tay ra đỡ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn thắt lưng buộc bụng, lợi nhuận thấp đi hoặc thua lỗ, cả ông chủ và nhân viên đều thiệt thòi thì lại không thuộc diện được hỗ trợ.
Tôi thấy doanh nghiệp làm ăn chân chính gồm cả lớn và nhỏ, đừng phân biệt nhỏ hay lớn. Sao không phân biệt tốt xấu mà lại phân biệt lớn nhỏ, nhiều doanh nghiệp lớn làm ăn rất chân chính, vay cũng không được lãi suất thấp, miễn giảm giãn thuế doanh nghiệp lớn cũng không được. Nhưng nên nhớ, doanh nghiệp nhỏ phá sản thì người lao động thất nghiệp ít. Doanh nghiệp lớn phá sản thì số lượng người lao động thất nghiệp sẽ rất nhiều. Vậy gánh nặng nào lớn hơn cho nhà nước?
Phải chăng vì lớn nhỏ dễ phân biệt dựa vào vốn và số lao động, còn tốt xấu khó có tiêu chí để phân biệt?
Tôi nghĩ không khó. Theo tôi cấp trên đừng phân loại mà nên để các địa phương tùy cơ ứng biến, nếu chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì ngân hàng căn cứ vào đó mà làm. Còn chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì anh đã thuộc diện lớn là loại ra, đâu cần biết tốt xấu. Vậy nên chính sách hỗ trợ cần nghiên cứu thật kỹ, phải xem từ dưới lên trên rồi mới chỉ đạo xuống.
Hoặc là dùng toàn bộ số tiền 29.000 tỷ đồng này để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính không kể lớn nhỏ.
Ở bên trên chỉ thấy vĩ mô thôi, tôi nói ví dụ lãi suất hạ là nhu cầu bức xúc nhất thiết yếu nhất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài họ phát triển liên tục là vì lãi suất thấp lắm chừng ba, bốn phần trăm/năm, mình có lúc đến 20%/năm. Bây giờ nói hạ nhưng vay khối ngân hàng thương mại 15% chưa chắc tiếp cận được đâu chứ đừng nói 12 - 13% cho nên cái nhìn vĩ mô thấy đẹp đẽ lắm, còn thực tế không hẳn là thế. Chuyện này báo chí đăng hoài, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ưu đãi là rất thấp.
Nhưng doanh nghiệp làm ăn tốt như công ty của mình đây chắc vẫn được nhiều ngân hàng mời chào?
Đúng vậy, các ngân hàng “tranh nhau” ghé mình nhưng nhu cầu có mức độ. Vì tôi chỉ vay tối đa 30% cho mỗi hoạt động mà cũng phải lo xa. Tôi có hai nhà máy mỳ nhưng chỉ vay vốn cho một nhà máy thôi, và tôi có kinh doanh nhiều ngành khác nữa, trong đó có cả cao su. Để nếu vì lý do gì đó mà nhà máy ngưng hoạt động thì tôi vẫn trả đủ lương cho công nhân, nhân viên và lãi ngân hàng.
Như tôi đã nói, cách kinh doanh khép kín của tôi ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Mà có điều này không biết tôi có nên nói không (ngập ngừng đôi chút).
Tôi đọc báo thấy có ngành lương giám đốc đến 30-40 triệu, trong khi lương của chủ tịch tỉnh chưa đến 10 triệu mà phải điều hành cả bộ máy lớn. Theo tôi nên cho hưởng theo cách khác, có thể là lương cộng thưởng, để tránh tình trạng sau này, thế hệ trẻ tranh nhau học các ngành hiện nay được trả lương cao, dẫn đến tình trạng mất cân đối về nhân lực.
Thật ra ngành ngân hàng cũng không phải là quá khó khăn vì: người gửi tiền cũng tự nguyện mang đến ngân hàng để gửi và người vay tiền cũng tự nguyện làm hồ sơ đến nơi để xin vay. Được vay hay không là do quyết định của ngân hàng.
Ông có nói công ty ông được nhiều ngân hàng mời chào, vậy lãi suất hiện nay doanh nghiệp mình đang vay là bao nhiêu?
Đang chịu 15%, nói là giảm nhưng chỉ khi đáo hạn thôi, mức thấp nhất là 13% chưa tiếp cận được, nếu đáo hạn được thì mới vay được 13%.
Cái khó là khi đã có quan hệ với ngân hàng nào đó, nếu đi qua ngân hàng khác thì phải làm hồ sơ từ đầu, phải trả hết tiền ngân hàng đang vay mới lấy được hồ sơ về. Mà có phải lúc nào cũng có tiền để trả ngay đâu, vì anh nào để tiền nhàn rỗi là hoạt động không hiệu quả.
Vậy phải chăng điều hành lãi suất linh hoạt và hợp lý hơn vẫn nằm trong sự mong chờ của ông?
Tôi mong lãi ngân hàng thấp để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đưa đất nước phát triển. Lãi suất quan trọng lắm, nếu lãi suất cao người có tiền họ cứ bỏ vô ngân hàng, không chịu đầu tư làm ăn. Và nguồn tiền đó muốn thành vốn lành mạnh thì lãi suất phải vừa vừa. Điều tôi muốn nói là đừng vì chống lạm phát mà thắt chặt tiền tệ. Chống lạm phát rất quan trọng nhưng phải từ từ, kiềm chế lạm phát hổng phải một ngày một buổi là xong. Lạm phát đã giảm rất nhanh nhưng cũng dẫn tới hậu quả doanh nghiệp thua lỗ phá sản quá nhiều.
Tất nhiên, như tôi đã nói, với các doanh nghiệp vững vàng thì không thể “phá sản” vì lãi suất, nhưng nếu lãi suất thấp thì doanh nghiệp sẽ đầu tư phát triển thêm, nên lãi suất vẫn là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung có phát triển thêm hay không.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com