Giá có nguy cơ giảm tiếp, nông dân trồng mía đang lo - Ảnh: Hồ Hùng |
Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, với giá bán sỉ đường hiện chỉ còn 14.500- 14.800 đồng/ki lô gam, nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL cứ sản xuất càng nhiều đường càng lỗ nặng.
Theo ông, nguyên nhân là với giá mua mía nguyên liệu như vừa qua, chỉ riêng giá thành mía trong một ki lô gam đường đã lên đến 14.000 đồng, chưa kể chi phí chế biến, bao bì, quản lý và tiêu thụ…
Tuy nhiên, để giữ chữ tín là tiêu thụ hết mía cho nông dân theo hợp đồng bao tiêu, cũng như giữ công suất để bảo đảm việc làm cho công nhân, nên các nhà máy đường phải bấm bụng tranh mua mía nguyên liệu tiếp tục. Thậm chí, có nhà máy phải mua mía với giá 1.600 đồng/ki lô gam.
“Niên vụ mía này đến khoảng giữa tháng 4 mới kết thúc. Hiện giá mía nguyên liệu vào khoảng 1.200 đồng/ki lô gam. Nhưng với đà suy giảm của giá đường, có thể giá mua phải hạ tiếp”, ông Long nói.
Cái khó chung nữa của các nhà máy đường ở ĐBSCL là tiêu thụ rất khó khăn. Các nhà bán sỉ đã chựng lại không dám mua nhiều đường vì sợ giá biến động tiếp, trong khi các nhà bán lẻ lỡ mua đường trước đây với giá cao nên có khuynh hướng ráng cầm cự giữ giá để tiêu thụ hết hàng tồn, giảm lỗ.
“Các nhà máy đường ở ĐBSCL còn tồn kho khoảng 70.000- 80.000 tấn. Riêng Casuco cũng tồn gần 10.000 tấn, tương đương gần 150 tỉ đồng. Kẹt vốn, trong khi ngân hàng đang "siết", mà tiền mua mía lại không thể thiếu nông dân. Quá khó!”, ông Long than thở.
Do đó, theo đề xuất của ông, Chính phủ cần có chủ trương cho các nhà máy đường vay vốn ưu đãi, vừa cứu ngành đường trong thời điểm này, vừa cứu vùng nguyên liệu mía hơn 50.000 héc-ta ở ĐBSCL trong vụ tới. Bởi nếu đà sụt giảm liên tục của mía nguyên liệu, nhiều nông dân đang rất phân vân, rằng có nên trồng mía tiếp vào niên vụ tới hay không.
(Theo Hồ Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com