Hãng hàng không giá rẻ của Ma Cao - Viva Macau - bị ngừng cung cấp xăng từ 27/3 và sau đó bị thu hồi giấy phép bay đã khiến 4.739 hành khách bị vạ lây, trong đó có nhiều hành khách Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí vừa phát đi ngày 29/3, Hãng hàng không Viva Macau thông báo, do không đàm phán được với đơn vị cung cấp xăng dầu duy nhất ở Ma Cao, hãng này đã phải dừng bay từ ngày 27/3.
Hãng này đã từng bước xử lý vụ việc, như trả trước các cho đơn vị cung cấp chi phí của tất cả những chuyến bay cuối tuần vào chiều ngày thứ sáu tuần trước. Các cổ đông của hãng cũng đã đề nghị bảo lãnh tín dụng cho đơn vị cung cấp xăng dầu. Song, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được.
Thậm chí, Viva Macau còn bị thu hồi giấy phép bay - điều khiến hãng hoàn toàn bất ngờ.
Trước mắt, hãng này thông báo sẽ hủy các chuyến bay xuất phát từ Ma Cao và ngược lại từ 27/3 đến hết 1/4/2010.
Việc rút giấy phép bay đã ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay của Viva Macau tới Tokyo (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia), Jakarta (Indonesia), TP.HCM và Hà Nội (Việt Nam).
Tổng cộng, đã có 33 chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng tới tổng số 4739 hành khách. Trong đó, riêng ngày 30/3 đã có 121 hành khách Việt Nam bị vạ lây, chưa kể số khách bay chuyến ngày 27/3 (Hà Nội - Ma Cao). Hiện Viva Macau đang bay 3 chuyến/tuần tới Hà Nội và hàng ngày tới TP.HCM.
Ông Trần Trung, Phó Giám đốc văn phòng Hà Nội của TransViet Travel (Tổng đại lý bán vé của Viva Macau tại Việt Nam), cho hay, sáng 29/3, nhân viên đại lý chủ động gọi điện thông báo cho hành khách về việc huỷ bay. Hãng cũng đã giải quyết xong việc bồi hoàn cho khách đi chuyến ngày 27/3.
"Để trả lời khi nào máy bay của Viva MAcau bay trở lại, bản thân tôi cũng không biết nữa", ông Trung thừa nhận.
Được biết, hiện ở Ma Cao có hai hãng hàng không, một là Hãng hàng không quốc gia Air Macau và hàng không giá rẻ Viva Macau. Việc Viva Macau bị rút giấy phép không ngoại trừ nguyên nhân về tài chính, nhất là khi tàn dư của "cơn bão" suy thoái kinh tế chưa qua.
Vụ việc này cũng không khác nhiều sự kiện Hàng không giá rẻ Jestar Pacific (trước đó là Pacific Airlines) của Việt Nam 2 năm trước (4/2008) khi bị đơn phương ngừng cấp xăng, trong bối cảnh chung là khi sân bay chỉ có duy nhất một đơn vị cung ứng nhiên liệu bay.
(Vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com