Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hãng truyền hình CNN: Tìm đường ra khỏi mê cung

Hãng truyền hình CNN của Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng đã trở thành thương hiệu góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi cả nếp sống và nếp nghĩ của con người trên trái đất. CNN cũng được coi là một biểu tượng của toàn cầu hóa. 

CNN chính thức phát sóng lần đầu tiên vào ngày 1/6/1980 và là phát kiến của Ted Turner, khi đó mới 41 tuổi, và đã rất thành công với hãng truyền hình WTBS ở Mỹ. Lúc đầu, CNN chỉ có 225 nhân viên, làm việc trong 120 văn phòng và có số vốn ban đầu là 20 triệu USD. Mười sáu năm sau, Ted Turner bán CNN cho tập đoàn truyền thông Time Warner với giá 7,4 tỷ USD. Sau 30 năm, CNN có văn phòng ở khắp nước Mỹ và ở 47 nơi trên thế giới. Năm 1980, chỉ có khoảng 1,7 triệu người Mỹ xem chương trình phát sóng đầu tiên của CNN. Ngày nay, CNN có thể được xem ở gần như khắp nơi trên thế giới và ước tính bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng có hơn 1 tỷ người đang xem truyền hình CNN.

Khe hở trên thị trường

Người ta nói, CNN là cuộc cách mạng về truyền hình bởi CNN là kênh truyền hình đầu tiên chuyên phát tin tức, không có phim ảnh và âm nhạc, không có phóng sự dài và tạp kỹ. CNN là thế giới thông tin, thông tin thời sự suốt cả ngày và khắp nơi trên thế giới. Khi CNN ra đời, các hãng truyền hình ở Mỹ và trên thế giới thường chỉ phát tin thời sự vào những thời điểm nhất định. Khán giả truyền hình muốn biết thông tin thời sự luôn phải chờ đến thời điểm đó. CNN đã tạo điều kiện để khán giả được thông tin vào bất cứ thời điểm nào. “Be the first to know” (Tạm dịch: Hãy là người đầu tiên biết được”) là một trong những khẩu hiệu quảng cáo của CNN. Ted Turner đã tuyên cáo ngay tại buổi phát sóng đầu tiên: “Chúng tôi sẽ không ngừng truyền tin cho tới khi thế giới này sụp đổ và khi ấy, chúng tôi sẽ truyền hình cho các bạn thấy sự sụp đổ đó”. Đến với CNN là đến với thế giới của tin tức vào bất kể lúc nào và về bất cứ nơi nào trên thế giới. Vì thế, CNN đặt ra tiêu chí hàng đầu để gây dựng lòng tin là thời sự và khách quan. CNN đưa lại thông tin như nó đang xảy ra, không bị chi phối bởi ý thức hệ hay quyền lực chính trị, không chịu sức ép của công chúng hay quan điểm cá nhân của ban lãnh đạo. Ted Turner đã phát hiện ra nhu cầu thông tin ấy của công chúng và khe hở ấy trên thị trường thông tin và truyền thông.

Lúc đầu, CNN chỉ định tập trung vào nước Mỹ và là hãng truyền hình đầu tiên truyền hình suốt cả ngày. Trong CNN đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện về ý tưởng đưa CNN ra với thế giới bên ngoài. CNN có quan điểm khách quan hơn tất cả các hãng truyền hình khác ở Mỹ và để dành nhiều thời lượng phát sóng hơn cho các chính trị gia thuộc đủ loại màu sắc chính trị khác nhau phát biểu quan điểm. Nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã mời Ted Turner sang Havana và khuyên ông cho phát CNN trên khắp thế giới. Năm 1985, Turner thành lập CNN International. Thảm họa phi thuyền con thoi Chalenger năm 1987, sự kiện về bức tường Berlin năm 1989, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 đã giúp CNN định hình được vị thế trong khán giả trên khắp thế giới. Cũng từ đó mà CNN tự coi mình là “lịch sử sống”. Ở đâu trên thế giới này có chuyện gì xảy ra thì ở đó có sự hiện diện của CNN để đưa tin cho cả thế giới biết.

“Hiệu ứng CNN”

Cách đây 30 năm, CNN là lối thoát ra khỏi mê cung. Bây giờ, CNN phải tìm lối thoát khỏi một mê cung mới.

Cuộc cách mạng mà CNN đưa lại trong thế giới thông tin và truyền thông được đặc trưng bởi những tác động mà về sau công chúng gọi là “Hiệu ứng CNN”. Truyền hình tin tức liên tục như một dòng chảy đã làm thay đổi cả nếp sống của con người chứ không chỉ đơn thuần có thế giới thông tin và truyền thông. Con người trên thế giới đột nhiên được cập nhật thông tin thường xuyên, thời sự và sâu rộng. Con người đột nhiên có sự quan tâm và hiểu biết mới về những gì đang diễn ra ở các nơi khác. Và vì thế mối quan hệ giữa con người và giới thông tin truyền thông với giới chính trị  không còn như trước nữa. Chính trị chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thông tin đại chúng và sự quan tâm của con ngưởi ở cả trong nước lẫn bên ngoài. Phóng viên và nhà báo không chỉ đưa tin trực tiếp mà còn đã trở thành một phần của sự kiện đang diễn ra. Những hình ảnh đột nhiên có được sức mạnh và ảnh hưởng, tác dụng và trọng lực to lớn hơn. Những hình ảnh ấy lại có thể thấy được thường xuyên và trên khắp thế giới. Ống kính nhằm vào đâu thì ở đó được công chúng và khán giả nhìn thấy và cảm nhận đến đó. Uy lực này của hình ảnh mạnh tới mức buộc các chính phủ quốc gia phải hành động, buộc các đảng phái và tổ chức phải lưu tâm. Trước CNN, không có hãng truyền hình nào hay hãng thông tấn nói chung nào có thể làm nổi việc đó.

CNN cũng là hãng truyền hình đầu tiên luôn cho xuất hiện biểu tượng của thương hiệu trên màn hình. CNN là viết tắt của Cable News Network. Biểu tượng thương hiệu của CNN như thấy hiện tại về cơ bản có từ năm 1980, được thiết kế trong vòng có mấy giờ đồng hồ và với giá không đầy 3000 USD. Các chữ cái được nối với nhau, biểu tượng cho dây cáp truyền hình vì hãng CNN là hãng truyền hình cáp. Độ đậm của màu đỏ trên biểu tượng thương hiệu cũng được thay đổi mấy lần theo thời gian.

Trước mê cung mới

Ba mươi năm trước đây, CNN là lối thoát ra khỏi mê cung của sự nhàm chán và khuôn mẫu, đơn điệu và sao chép lẫn nhau trong thế giới truyền thông và truyền hình. Bản sắc đặc thù của thương hiệu này là sự khác biệt rất đơn giản nhưng cũng rất độc đáo so với những hãng truyền hình khác. Nó thành công trong thời gian dài cũng nhờ đó. Nhưng ở đời này, có mô hình kinh doanh thành công nào mà không bị bắt chước, có ý tưởng khai phá nào mà chẳng bị làm theo và có doanh nghiệp nào thành đạt mà không bị cạnh tranh.

Sau 30 năm, CNN đã bị mất đi vị trí hàng đầu về truyền hình tin tức ở Mỹ cho dù vẫn giữ được vị trí đầu bảng trên thế giới. Trong hào quang của thành công, CNN đã ngủ quên với sự yên trí là không có đối thủ. CNN đã không để ý thấy rằng con  người có nhu cầu thông tin, nhưng một khi nhu cầu ấy đã được đáp ứng thì họ lại có nhu cầu được định hướng nhận thức trên cơ sở thông tin. Một khi không còn đói thông tin nữa thì họ mong đợi ở những gợi mở về nhìn nhận và đánh giá thông tin mà các nhà cung cấp thông tin đưa lại. CNN không làm việc ấy vì tiêu chí của CNN là thời sự và khách quan. Theo thời gian, các hãng khác như Fox-News (cánh hữu) và MSNBC (cánh tả) đã dần làm cho CNN ngày thêm khốn đốn ở Mỹ. Lượng khán giả giảm. Những gương mặt ưu tú nhất của CNN theo nhau bỏ đi. Christiane Amanpour rời xa sau 20 năm gắn bó. Larry King hết thời bởi nhạt nhẽo và sơ cứng. Người ta nói rằng, CNN đã bắt đầu bước vào tuổi già. Nói thế quả thật là hơi quá. Thương hiệu này vẫn rất có giá trị. Nhưng tương lai của nó là câu hỏi lớn. Cách đây 30 năm, CNN là lối thoát ra khỏi mê cung. Bây giờ, nó lại bị giam cầm trong một mê cung mới và đang tìm lối thoát ra.

(Theo Ngư Phủ // Báo Doanh nhân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng