Câu chuyện hội đồng quản trị tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) mới ra nghị quyết thực hiện quyết định tái cơ cấu tập đoàn này đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận, nhất là trong thời điểm có nhiều thông tin cho thấy Vinashin đang gặp nhiều khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh, bị thua lỗ; thậm chí còn đang bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào làm rõ nhiều vấn đề.
Theo nghị quyết của hội đồng quản trị Vinashin, Vinashin sẽ chuyển giao cho tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) 6 cơ sở và chuyển giao cho tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 7 đơn vị khác.
Tháng 10.2007, Vinashin bỏ 1.000 tỉ đồng mua tàu Hoa Sen chở khách lẫn hàng trên tuyến hàng hải Bắc – Nam, chỉ chạy một số chuyến thì ngưng vì lỗ. Ảnh: Hồ Hương Giang |
Về việc chuyển giao này, phía Petro Vietnam và Vinalines nói rằng, các cơ sở, doanh nghiệp mà Vinashine bàn giao cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ kinh doanh của mình. Như Petro Vietnam nhận một số cơ sở đóng tàu thì có thể giao xuống các đơn vị trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ đóng tàu chở dầu, làm giàn khoan...; Vinalines thì nhận một số cơ sở đóng tàu khác phục vụ việc đóng các con tàu mà lâu nay vẫn phải thuê Vinashin đóng.
Một quan chức của Petro Vietnam nói rằng, 6 đơn vị trên mà Petro Vietnam tiếp nhận thì không bị thua lỗ và do vậy cũng phù hợp với định hướng phát triển phát triển của Petro Vietnam, nên cũng không có gây khó khăn gì cho tập đoàn này.
Tuy nhiên, việc chia tách Vinashin một cách bất ngờ như vậy không khỏi gây nên nhiều ý kiến khác nhau. Có không ít nghi ngờ cho rằng vì Vinashin thua lỗ, nợ nần chồng chất nên phải chuyển giao bớt tài sản, công nợ để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác ứng cứu; là một thủ thuật “đánh bùn sang ao” để che đậy những khoản thua lỗ lớn.
Những ý kiến nghi ngờ trên không phải hoàn toàn vô cớ, nếu người ta nhắc lại việc tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phải mua lại một khoản mà Vinashin đã đầu tư mua cổ phiếu Bảo Việt với giá rất cao là 1.467 tỷ đồng. Khi đó, người ta gọi việc này là Vinashin “thoái vốn”. Như vậy phải chăng, với lần tái cơ cấu rất đột ngột thế này, cũng là cách mà Vinashin thoái vốn để tập trung đầu tư cho các dự án đầu tư còn lại, có thể đang hiệu quả của mình?
Vinashin mới được thành lập 4 năm (theo Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg ngày 15.5.2006 của Thủ tướng Chính phủ) và với việc tái cơ cấu lần này, chắc chắn qui mô của tập đoàn này đã giảm sút đáng kể.
Nhưng một điều đáng băn khoăn khác là tại sao Vinashin chỉ tái cơ cấu trước thời điểm toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước phải chuyển sang hoạt động theo luật Doanh nghiệp có 9 ngày? Vì sau ngày 1.7.2010, những việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính sẽ không phù hợp với luật Doanh nghiệp nữa. Sau ngày này, nhà nước không thể ra tái cơ cấu các doanh nghiệp bằng các quyết định nữa mà theo luật, các doanh nghiệp phải tự mua bán, sáp nhập hay giải thể theo quy định của luật pháp. Mặt khác, có thể nói, việc tái cơ cấu Vinashin vào thời điểm này là điều phải làm và cực chẳng đã.
Cho nên, nếu nói như Petro Vietnam hay Vinalines là họ vui vẻ chấp nhận việc nhận chuyển giao các đơn vị của Vinashin thì Vinashin hay các bên liên quan rất nên tổ chức họp báo để công bố rõ việc chia tách Vinashin không phải là để tập đoàn này xù nợ; rằng các dự án, đơn vị mà Vinashin chuyển giao cho Petro Vietnam hay Vinalines đều vẫn đang đem lại hiệu quả; không dự án, đơn vị nào đang bị nợ quá hạn. Và việc tái cơ cấu cũng để nhằm Vinashin có tổ chức, hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn trước.
Có sự minh bạch như vậy mới không để xảy ra những băn khoăn, nghi ngờ về việc tái cơ cấu quá thần tốc này.
(Theo Mạnh Quân // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com