Vào lúc ngành công nghiệp máy tính chao đảo do khủng hoảng kinh tế, tập đoàn Lenovo quyết định thay đổi ban lãnh đạo và có thể chuyển hướng chiến lược kinh doanh: tập trung vào thị trường nội địa.
Theo quyết định công bố ngày 5/2 vừa qua, ông William Amelio, người Mỹ, sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Lenovo để làm cố vấn cho đến khi mãn hạn hợp đồng vào tháng 9 tới; ông Yang Yuanqing chuyển từ vị trí Chủ tịch tập đoàn sang làm CEO và ông Liu Chuangzhi - một trong những thành viên sáng lập Lenovo nhưng đã ra đi ngay sau vụ Lenovo mua lại bộ phận máy tính cá nhân của tập đoàn IBM năm 2005 - sẽ trở lại công ty với vai trò chủ tịch.
Lụi tàn tham vọng toàn cầu hóa
Vụ mua lại bộ phận máy tính cá nhân của IBM đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của Lenovo: vươn ra thị trường toàn cầu với tham vọng trở thành nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới.
Ngay sau khi mua được IBM, Lenovo đã đánh tiếng mời ông William Amelio - khi ấy là nhà quản trị hàng đầu của tập đoàn máy tính Dell - về Lenovo để lãnh đạo thực thi chiến lược này.
Cùng với ông Yang Yuanqing - kỹ sư máy tính xuất thân từ nông thôn Trung Quốc năm ấy chỉ mới 40 tuổi - họ tạo thành một cặp lãnh đạo ăn ý, một “Dream Team” mẫu mực cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn vươn ra thế giới.
Mua lại IBM, Lenovo mong muốn khai thác sức mạnh công nghệ, mạng lưới phân phối toàn cầu cùng đội ngũ quản lý dày dạn kinh nghiệm của IBM để mở rộng thị phần và đưa thương hiệu Lenovo ra thị trường quốc tế.
Tham vọng đó đã chấm dứt ngày 5/2 vừa qua. Với sự thay đổi nhân sự cao cấp nói trên, ban lãnh đạo Lenovo giờ đây giống hệt ban lãnh đạo thời kỳ 2001-2005 với ông Yang Yuanqing làm Chủ tịch và ông Liu Chuangzhi làm Tổng giám đốc điều hành. Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Lenovo sắp quay về “ao nhà”, tập trung vào thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Sự thay đổi này một phần là do những biến động của thị trường máy tính toàn cầu, một phần do những thất bại của chính Lenovo. Cuối tháng Giêng vừa qua, Lenovo thừa nhận khoản thua lỗ đầu tiên trong quý 4/2008 là 97 triệu Đô la Mỹ - một thất bại so với khoản lãi 172 triệu Đô la của quý 4/2007. Doanh số của Lenovo trong quý 4/2008 chỉ còn 3,6 tỷ Đô la Mỹ, giảm 20% so với mức 4,5 tỷ Đô la của quý trước.
Đáng chú ý là sau gần năm năm nỗ lực, Lenovo đã không giữ được vị trí thứ ba thế giới trong ngành công nghiệp máy tính được IBM bàn giao ngày trước mà tụt xuống vị trí thứ 4, sau Hewlett-Packard (HP), Dell và Acer.
Theo bảng xếp hạng của tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG, cuối quý 4-2008, thị phần của Acer là 11,8%, gần bằng Dell ở vị trí số hai, trong khi thị phần của Lenovo chỉ còn 7,3%, xếp thứ tư. “Triển vọng của Lenovo là không mấy sáng sủa,” Charles Guo, chuyên viên phân tích của ngân hàng JPMorgan tại Hồng Kông, nhận xét.
Thất bại ngay trong chiến lược
Tất nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến tất cả các nhà sản xuất máy tính, nhưng Lenovo bị thiệt hại nặng hơn cả vì tập đoàn này phụ thuộc quá nhiều vào các khách hàng doanh nghiệp. Khi các công ty cắt giảm ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin thì doanh số của Lenovo lập tức sút giảm.
Mới đây, Lenovo cho biết, lượng máy tính xuất khẩu sang Mỹ trong quý 4-2008 giảm 6%, gấp đôi mức giảm bình quân của toàn ngành. Cũng do tập trung vào khách hàng doanh nghiệp, Lenovo bị chậm hơn các đối thủ khác gần một năm trong việc sản xuất và đưa ra thị trường loại máy tính di động giá rẻ netbook, dòng sản phẩm đã giúp đối thủ cạnh tranh Acer tăng nhanh doanh số và thị phần trong nửa cuối năm 2008.
Ban lãnh đạo của Lenovo cũng đã không đánh giá đúng lượng thời gian và công sức phải bỏ ra cho công cuộc sáp nhập Lenovo-IBM, nhất là khi sự sáp nhập này liên quan đến hai doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh hết sức khác nhau.
“Trong lúc HP và Acer liên tục tiến về phía trước bằng sự sáng tạo cả về công nghệ lẫn kinh doanh thì Lenovo vẫn phải dành nhiều thời gian cho việc hòa nhập các hoạt động và xây dựng thương hiệu. Cuộc tranh giành cơ hội diễn ra rất quyết liệt ngoài thị trường song họ (Lenovo) lại bị cuốn vào các thách thức nội bộ”, ông Bryan Ma, nhà phân tích thị trường máy tính của tập đoàn IDG tại Singapore, nhận xét.
Nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của Lenovo cũng không đi tới đâu. Khi tập đoàn Apple chứng minh rằng, một nhà sản xuất máy tính cũng có thể đồng thời là nhà sản xuất điện thoại di động, Lenovo lập tức nắm lấy ý tưởng này. Do Trung Quốc là thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới, Lenovo nghĩ rằng có cơ hội kiếm lợi lớn khi sản xuất điện thoại mang thương hiệu Lenovo để bán tại Trung Quốc.
Tuy vậy, Lenovo đã không thể đưa vào điện thoại di động những tính năng mới mẻ hết sức sáng tạo và hấp dẫn như Apple đã làm với sản phẩm iPhone nên rốt cuộc điện thoại Lenovo không có chỗ đứng bên cạnh các “đại gia” như Apple, Samsung, Nokia và Sony Ericsson.
Năm ngoái, Lenovo buộc phải bán bộ phận sản xuất điện thoại cho quỹ đầu tư Legend Holdings với giá chỉ 100 triệu Đô la Mỹ.
“Ao nhà vẫn hơn”
Trung Quốc với dân số lớn nhất thế giới, có lượng người sử dụng máy tính và kết nối Internet đông nhất thế giới và nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất quả là cơ hội kinh doanh không giới hạn cho các tập đoàn công nghệ thông tin.
Bài học của Lenovo trong thời gian qua là các công ty Trung Quốc không nhất thiết phải vươn ra thế giới bằng mọi giá mà chỉ nên khai thác tốt sân nhà; nếu không bám chắc thị trường nội địa, nơi có lợi thế vượt trội, thì việc vươn ra thế giới chỉ như một cuộc phiêu lưu không hứa hẹn thành công.
Kết quả kinh doanh cho thấy tính đúng đắn của bước thay đổi chiến lược đó. Tại Trung Quốc, Lenovo vẫn là thương hiệu máy tính số một. Trong quý 4/2008, doanh số của Lenovo là 1,6 tỷ Đô la, chiếm 45% tổng doanh số của tập đoàn và tăng 7% so với tỷ lệ 38% của quý 4/2007.
Lượng máy tính Lenovo bán ra giảm 1% so với cùng kỳ năm trước nhưng như vậy vẫn cao hơn nhiều so với mức giảm bình quân 7% của toàn ngành, giúp cho thị phần của Lenovo tại Trung Quốc tăng từ 28,7% đầu năm 2008 lên 30,5% hiện nay. Vấn đề còn lại là, liệu nỗ lực đẩy mạnh mức tiêu thụ trong nước của Lenovo có đủ sức bù đắp sự sút giảm doanh số trên thị trường quốc tế hay không.
Tuy vậy, giấc mơ thống trị toàn cầu vẫn chưa thôi ám ảnh ban lãnh đạo tập đoàn Lenovo và họ liên tục bác bỏ những lời đồn đoán của giới phân tích về sự chuyển hướng trong chiến lược của mình. “Mục tiêu của Lenovo không hề thay đổi từ ngày mua được IBM. Chúng tôi vẫn muốn xây dựng một công ty toàn cầu, theo đuổi chiến lược toàn cầu”, tân Chủ tịch Lenovo Liu Chuangzhi nói.
Tổng giám đốc Yang Yuanqing cũng chia sẻ quan điểm đó khi thừa nhận những thách thức mà ông phải đối mặt trên cương vị CEO của tập đoàn: “Ngày nay, CEO là CEO toàn cầu. Còn hôm qua CEO chỉ là CEO của một công ty địa phương Trung Quốc, tầm nhìn rất khác. Tôi cảm nhận rõ gánh nặng trên vai mình đang ngày càng nặng nề hơn.”
Nhà đầu tư và cổ đông của Lenovo cũng cảm nhận như vậy. Giá cổ phiếu Lenovo trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đang trải qua cuộc lao dốc chưa từng thấy: ngày 5/2, khi tin về sự thay đổi lãnh đạo được công bố, cổ phiếu Lenevo mất giá 2,7%. Trong năm nay, cổ phiếu Lenovo đã mất 31% giá trị và mất 72% trong vòng 12 tháng tính từ tháng 2/2008.
Để so sánh, có thể xem giá trị cổ phiếu của các đối thủ cạnh tranh: Dell giảm 4% trong năm nay và 49% trong 12 tháng; HP giảm 1% năm nay và 15% trong 12 tháng trong khi cổ phiếu của Acer tăng 1% trong năm nay và chỉ mất 7% trong 12 tháng qua.
( Theo vneconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com