30 DN Nhật Bản, trong đó có những tên tuổi lớn như Toshiba, Itochu... đã tham gia Ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - Nhật Bản tổ chức trong tuần qua tại TP.HCM. Đây được coi là dịp để các DN hai nước hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và CNTT đánh giá tình hình và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội DN phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho biết, các DN phần mềm Nhật Bản đang quay trở lại thị trường Việt Nam. Theo ông Công, trong năm 2009, DN Nhật Bản buộc phải cắt giảm 7,6% số hợp đồng gia công phần mềm và outsouring dịch vụ CNTT. Sự sụt giảm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các DN Việt Nam, bởi Việt Nam là đối tác lớn thứ 3 trong lĩnh vực gia công phần mềm cho Nhật Bản, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Tập đoàn công nghệ FPT là một ví dụ điển hình, bởi thị trường Nhật Bản đóng góp tới 56% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT. Chính vì thế, khi thị trường Nhật Bản sụt giảm thì ngay lập tức FPT rơi vào khó khăn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 đến nay, thị trường phần mềm Nhật Bản đã có sự phục hồi đáng kể và các DN Nhật Bản đang quay lại lại tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.
Ông Hiromi Sugiyama, Phó chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản cho biết, qua khảo sát trong cộng đồng DN CNTT Nhật Bản, thì DN Việt Nam vẫn luôn được coi là đối tác nước ngoài được ưa chuộng nhất. “Hiện thị trường Trung Quốc đang chiếm đến 84% số lượng hợp đồng gia công phần mềm cho DN Nhật Bản, Ấn Độ chiếm khoảng 15% và Việt Nam chỉ chiếm 0,5%. Song có tới 16% DN Nhật Bản được hỏi đều khẳng định đang nhắm đến việc tìm đối tác tại Việt Nam”, ông Hiromi Sugiyama nói.
Cũng theo ông Hiromi Sugiyama, có 3 lý do chính để DN CNTT Nhật Bản tìm đến thị trường Việt Nam. Đó là chi phí hoạt động rẻ, khả năng đem lại lợi nhuận cao và nguồn nhân lực trẻ, khá dồi dào của Việt Nam. “Giá nhân công trong ngành CNTT không phải là bài toán nan giải tại Việt Nam, mà trở ngại lớn nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và văn hóa ứng xử trong DN”, ông Hiromi Sugiyama cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) dự báo, từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CNTT Việt Nam là 17,5%/năm. Ngành CNTT Việt Nam đã đặt ra mục tiêu thu hút 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xây dựng hai khu công nghệ cao với doanh thu 2 tỷ USD/năm, hai DN phần mềm có doanh thu 200 triệu USD/năm và ít nhất 60 DN phần mềm đạt chứng nhận quản lý chất lượng CMMi... “Một mục tiêu quan trọng khác là đào tạo được 50.000 kỹ sư CNTT chất lượng cao, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và thông thạo ngoại ngữ”, ông Tuyên nói.
Ông Lê Quang Lương, Giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Luvina (là một trong số ít những DN CNTT Việt
Nam có văn phòng đại diện tại Nhật Bản) cho rằng, có một thực tế là DN Nhật Bản hiện đang thiếu hụt nhân lực làm phần mềm. Theo ông Lương, DN Việt Nam đã tạo được thương hiệu tại thị trường Nhật Bản, song khi DN Nhật Bản đặt hàng những dự án lớn với đối tác Việt Nam thì thường vấp phải vấn đề là quy mô các DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, mức độ minh bạch tài chính chưa cao, nên chưa tạo được sự tin tưởng cho phía Nhật Bản. “DN Việt Nam nên thẳng thắn nói đúng mức về thực lực của mình. Một khi đã nhận được đơn hàng thì hãy cố gắng giao hàng đúng thời hạn như hợp đồng đã ký kết, không nên trễ hạn để rồi biện minh đủ mọi lý do. Có như thế mới tạo được niềm tin với đối tác Nhật”, ông Lương nhấn mạnh.
(Theo Quang Duy // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com